Xét tuyển nguyện vọng 2 - Kẻ ăn không hết, người lần không ra

Kinh tế: bội thực
Xét tuyển nguyện vọng 2 - Kẻ ăn không hết, người lần không ra

Sau một tuần xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 trực tiếp tại trường, nhiều hội đồng tuyển sinh bỗng giật mình khi những ngành khó đậu lại quá thừa hồ sơ, trong khi ngành dễ đậu lại quá thiếu.

Kinh tế: bội thực

Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Ảnh: T.HÙNG
Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Ảnh: T.HÙNG

Sau một tuần nộp hồ sơ NV2 vào các trường, nhóm ngành kinh tế vẫn là “điểm đến” thu hút nhiều thí sinh nhất. Theo Th.S Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, bộ phận tuyển sinh của trường đã nhận khoảng 3.000 hồ sơ NV2 (chưa tính hồ sơ nộp qua đường bưu điện). Dù chưa có thống kê chính thức nhưng nhìn chung, có rất nhiều hồ sơ xét tuyển vào các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM hiện là trường dẫn đầu về lượng hồ sơ NV2 với hơn 5.000 hồ sơ đã nhận được. Tuy nhiên, ở cả hệ ĐH và CĐ của trường, các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế… vẫn chiếm tỷ lệ hồ sơ áp đảo so với những ngành còn lại. Trong khi đó, có rất ít hồ sơ xét tuyển chọn các ngành Cơ khí, Kỹ thuật.

Trong tổng số hơn 2.000 hồ sơ nộp trực tiếp vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chỉ có hơn 20% vào hệ ĐH và 80%  vào hệ CĐ. Th.S Trịnh Minh Huyền, phó hiệu trưởng nhà trường nhận định: Ở hệ CĐ có hơn 80% thí sinh chen chân vào khối ngành kinh tế. Còn ở hệ ĐH, nhiều ngành như Quan hệ lao động, Xã hội học, Kỹ thuật điện - điện tử, Xây dựng cầu đường, Bảo hộ lao động... lại có quá ít hồ sơ.

Không chỉ các trường công lập, nhiều trường ĐH ngoài công lập như ĐH DL Văn Lang, ĐH DL Hùng Vương, ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM… nhận khoảng 2.000 hồ sơ và chủ yếu tập trung vào nhóm ngành kinh tế.

Với tình hình hiện nay, sẽ có không ít thí sinh đạt điểm thi ĐH từ 14 - 15 điểm (khối A, D1) tiếp tục rớt NV2 vì chạy theo phong trào, “đẩy” hồ sơ vào khối ngành kinh tế.

Kỹ thuật - công nghệ: Ngóng thí sinh 

Trái ngược với hình ảnh thí sinh đổ xô nộp đơn xét tuyển NV2 vào nhóm ngành kinh tế, lại có rất ít thí sinh chọn nhóm ngành kỹ thuật - cơ khí - công nghệ của các trường ĐH-CĐ.

Cũng giống như nhiều mùa tuyển sinh gần đây, năm nay, nhóm ngành cơ khí - lâm nghiệp của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM vẫn giữ yên vị trí ở nhóm ngành… khó tuyển. Dù sinh viên học ngành này có lương khi đi thực tập và được một số công ty, doanh nghiệp mời ký hợp đồng ngay khi tốt nghiệp nhưng thực tế đến nay, trường mới chỉ nhận có vài hồ sơ. Không chỉ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM mà hầu như những trường có đào tạo ngành cơ khí đều khó tuyển sinh.

“Thí sinh và phụ huynh phần lớn mang tâm lý ngại “lên rừng xuống biển”, ngại những ngành học cực nhọc. Trong khi đó, những ngành học này, điểm trúng tuyển NV2 hàng năm chỉ khoảng từ 13-14 điểm”, một đại diện Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nông Lâm TPHCM phân tích lý do vì sao thí sinh không mặn mà với nhóm ngành cơ khí - lâm nghiệp.

Tương tự, những ngành có tính đặc thù riêng như Điện tàu thủy, Máy xây dựng, Cơ điện tử, Kỹ thuật ô tô, Cơ khí chế tạo máy… của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Công nghiệp TPHCM… dù được nhiều công ty, xí nghiệp gửi thư đặt hàng nguồn sinh viên tốt nghiệp hàng năm nhưng vẫn mỏi mắt ngóng thí sinh nộp đơn xét tuyển NV2.

Đối với các trường ngoài công lập và cả những trường ĐH vùng, nhiều ngành như Kỹ thuật nhiệt lạnh, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ thông tin, Công nghệ môi trường đang đối diện với nguy cơ đóng cửa ngành vì đến nay mới chỉ có lác đác vài hồ sơ, thậm chí có ngành chưa nhận nổi 1 hồ sơ.

Th.S Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Dân lập Văn Lang than thở: Các ngành Kỹ thuật nhiệt lạnh, Công nghệ và Quản lý môi trường không chỉ có học phí thấp mà nhà trường còn cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường, vậy nhưng không hiểu sao thí sinh vẫn không thích vào học.

10 ngành nghề có nhu cầu cao nhất thế kỷ 21

Kết quả nghiên cứu mang tên “Nhân lực 21” quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lao động - việc làm của Singapore và một số nước đã chọn ra 10 lĩnh vực ngành, nghề có nhu cầu cao trong thế kỷ 21. Đó là: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật điện - điện tử - hóa chất, Công nghệ thông tin, Công nhân kỹ thuật lành nghề, Marketing, Quản lý nhân sự, An ninh quốc phòng, giáo viên, dịch vụ nhỏ, chuyên gia tư vấn tâm lý - sức khỏe.

THANH MINH

Tin cùng chuyên mục