Nhà báo Dương Thành Truyền hạnh phúc khi lần đầu tiên được tổ chức ra mắt sách

Ngày 9-4, chương trình giao lưu ra mắt sách Bắt đầu bằng để lại của nhà báo Dương Thành Truyền diễn ra tại NXB Trẻ. Là cuốn sách thứ 6, nhưng đây là lần đầu tiên anh được tổ chức ra mắt sách và giao lưu với bạn đọc.

Nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường), là tác giả của Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút), Chuyện gái trai (tạp văn), Trên đường về nhớ đầy (du ký), Trái tim có hình hộ khẩu (phiếm đàm), Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo (chuyên khảo, đã tái bản lần thứ năm).

Dù là lần đầu tiên tổ chức ra mắt sách nhưng có lẽ vì sức hút của Bắt đầu bằng để lại nên ngoài độc giả ở TPHCM, còn có nhiều độc giả từ xa như Long An, Bến Tre đến tham dự. Đặc biệt, ngoài những cuốn sách đã xuất bản trước đây, độc giả Nguyễn Thanh Hùng Hai, một thầy giáo đến từ Cần Đước (Long An), còn mang theo cuốn sổ lớn, tập hợp những bài báo của tác giả Dương Thành Truyền mà anh yêu thích.

Nhà báo Dương Thành Truyền (phải) tại chương trình giao lưu ra mắt sách "Bắt đầu bằng để lại"

Nhà báo Dương Thành Truyền (phải) tại chương trình giao lưu ra mắt sách "Bắt đầu bằng để lại"

Tạp văn Bắt đầu bằng để lại gồm 36 bài, được bố cục thành 3 phần: Chuyện đời, Chuyện sáchChuyện người. Mỗi bài viết của nhà báo Dương Thành Truyền được viết với văn phong hóm hỉnh, sâu sắc và luôn có một điểm nhấn để bạn đọc nhớ đến.

Dù là một người bận rộn nhưng nhà báo Dương Thành Truyền vẫn khiến không ít người cảm phục về sự đọc của mình. Không chỉ đọc, anh còn dành thời gian để viết về giá trị của những cuốn sách gửi đến độc giả.

Khi chia sẻ về việc đọc sách, nhà báo Dương Thành Truyền bày tỏ: “Đọc sách làm cho người ta trở nên thú vị hơn. Vì đọc sách là một việc cá nhân, không phải là phong trào. Mỗi người sẽ có một cuốn sách của riêng mình, mỗi người sẽ phải tìm ra cho mình cuốn sách của chính mình”.

Tạp văn "Bắt đầu bằng để lại" là cuốn sách thứ 6 của nhà báo Dương Thành Truyền

Tạp văn "Bắt đầu bằng để lại" là cuốn sách thứ 6 của nhà báo Dương Thành Truyền

Ở phần 3 của cuốn sách - Chuyện người, giống như lời tâm tình của tác giả gửi đến những người anh, người bạn, người ơn mà anh đã có cơ hội được diện kiến và gắn bó. Họ được nhắc đến, đôi khi bằng tên tuổi đầy đủ như Nguyễn Thế Truật, Nguyễn Thị Oanh, Ueno Miyuki, Thích Nhất Hạnh, Lê Văn Nghĩa; đôi khi chỉ với những cái tên đơn giản như chị Yến hoặc không có tên như bốn người bạn đường trên hành trình lên đỉnh Bạch Mã.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hùng Hai đi xe đò từ Cần Đước (Long An) lên TPHCM dự chương trình ra mắt sách

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hùng Hai đi xe đò từ Cần Đước (Long An) lên TPHCM dự chương trình ra mắt sách

Tuy vậy, khi được hỏi về người đã có ảnh hưởng lớn đến mình, nhà báo Dương Thành Truyền cho biết, đó chính là người cha của mình. Từ một người có trong tay ngàn cây vàng vào những năm 70, 10 hecta trà và cà phê…; đến năm 1982, lúc đã hơn 55 tuổi, ông thành người trắng tay.

“Cha tôi đã bị phá sản, bị mất tất cả nhưng ông không đánh mất niềm tin vào cuộc sống này. Ông để lại cho tôi tấm gương: trong nghịch cảnh, mình vẫn có thể sống tốt hơn. Nghị lực và ý chí là tài sản lớn mà tôi nhận được từ người cha của mình”, nhà báo Dương Thành Truyền bộc bạch.

Nhà báo Dương Thành Truyền chụp ảnh cùng bạn đọc

Nhà báo Dương Thành Truyền chụp ảnh cùng bạn đọc

Tại chương trình ra mắt sách, không ít độc giả lấy làm thích thú với tên sách, đồng thời cũng tò mò và thắc mắc về chữ “để lại”. Nhà báo Dương Thành Truyền cho biết, anh không có ý định khoe là mình để lại cái gì, và cũng không nghĩ sẽ để lại được gì. Cuốn tạp văn này chỉ là những câu chuyện mà anh ghi nhận, chép lại từ những gì mà người khác đã để lại. Đó có thể là những câu chuyện về cuộc đời, gợi ra cho người đọc một thông điệp, một cách nghĩ; thậm chí là một cách sống, và điều đó thúc đẩy mình sống khác, sống tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục