Nếu “soi” vào báo chí có thể thấy được một phần diện mạo đời sống âm nhạc, phê bình âm nhạc cần soi vào đời sống âm nhạc để làm nên diện mạo của chính mình. Không gian của phê bình: báo và sách.
Trên mặt báo, nhiều vô thiên lủng những bài đưa tin, miêu tả sinh hoạt ca nhạc, còn phê bình đúng nghĩa phê bình cứ gọi là phải đốt đuốc đi tìm. Bởi vậy thường gặp một câu nhận định khó đỡ: phê bình âm nhạc có cũng như không!
Sách về âm nhạc vốn không nhiều vì khó bán. Không kể những cuốn tập hợp bài báo thì chủ yếu là sách lý luận nghiên cứu hoặc kỷ yếu tham luận khoa học, còn sách phê bình cực hiếm và hầu như chẳng ai biết đến. Cầu ít, cung tất yếu phải ế thôi. Ở cả hai mảng làm nên không gian phê bình vừa kể trên, một gần như độc quyền sở hữu của dân báo chí, một thuộc về làng nghiên cứu, thành ra phê bình chỉ như kẻ ăn đậu ở nhờ, không hộ khẩu, không chủ quyền, chơi vơi.
Ngay đến việc xác định danh tính nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp cũng còn chưa được ổn lắm. Tất nhiên là không thể dựa vào bằng cấp, vì ở ta không đào tạo chuyên ngành phê bình âm nhạc. Làm lâu nên nghề. Một vài nhà báo cứ viết bình luận âm nhạc lâu năm là thành danh nhà phê bình. Một số nhà nghiên cứu sau nhiều năm viết báo cũng được gọi là nhà phê bình. Liệu vài nhà phê bình tự phong cộng với mấy nhà phê bình bất đắc dĩ, thế đã đủ gọi là đội ngũ chuyên nghiệp, những người tạo nên diện mạo phê bình âm nhạc chuyên nghiệp chưa?
Số lượng các nhà lý luận âm nhạc được đào tạo không nhỏ, nhưng bao nhiêu người trong số đó hành nghề phê bình? Và tại sao họ chỉ chọn nghiên cứu hoặc giảng dạy chứ không mặn mà với phê bình? Có hai lý do. Thứ nhất, nghề nghiên cứu được đào tạo đàng hoàng, còn phê bình luôn bị định kiến là hành nghề không cần bằng cấp, cho nên ai có quyền đường đường chính chính ngồi chiếu trên nhờ cái sự học đó bỗng dưng tụt xuống chiếu dưới làm chi. Thứ hai, có không ít nhà nghiên cứu ngán viết phê bình vì ngại động chạm, mà động chạm ai chứ, toàn quân ta với ta: thầy cũ, các cô chú bác, anh chị em đồng nghiệp…
Đôi khi chẳng động chạm cá nhân ai cả, đôi khi thận trọng uốn lưỡi cả chục lần, đôi khi hết sức thiện chí thiện tâm nêu ra một hiện tượng kém vui nào đó, người phê bình vẫn có thể bị chính người trong ngành “choảng” lại không thương tiếc. Những cú phản hồi cố tình dìm nhau như thế thường khiến người bị đeo đẳng với nghề phê bình như tôi lại chỉ muốn an phận chui vô cái vỏ chuyên ngành nghiên cứu của mình.
Nếu cần viết bản tự kiểm điểm trên danh nghĩa người nghiên cứu, có lẽ tôi buộc phải tự thú rằng dân lý luận chúng tôi chưa thực sự vượt rào để hòa nhập với đời, chưa xóa được khoảng cách giữa những gì mình làm với sinh hoạt âm nhạc đại chúng. Nghiên cứu là phải nghiền ngẫm, là phải đủ ngấm, đủ trải nghiệm. Đánh giá phê bình luôn đi sau sự việc, báo chí chê bài chúng tôi “nguội”, hơi đâu mà chúng tôi bỏ công ra viết nữa. Còn chạy đua săn tin nóng trước cả khi sự kiện diễn ra ấy à? Đó là việc của nhà báo mà thôi.
Cuối cùng, trên danh nghĩa một người nghiên cứu đã nhiều năm làm báo, tôi chẳng mong gì hơn có được sự hợp lực và bù đắp cho nhau giữa nhà báo với nhà lý luận âm nhạc, chẳng mong gì hơn cả hai bên cùng tận dụng được mọi diễn đàn để quảng bá những giá trị đích thực của âm nhạc, đặc biệt diễn đàn ảo là nơi dễ tiếp cận giới trẻ và có thể đối thoại trực tiếp với bạn đọc qua mục phản hồi.
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU