Nhà hát Lớn Hà Nội “mở cửa”: Cơ hội và thách thức

Cuối tháng 8-2016, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ rộng cửa đón các chương trình nghệ thuật thay vì chỉ ưu ái cho các hội nghị, hội thảo... như đã diễn ra một thời gian dài trước đó. Việc được biểu diễn luân phiên tại sân khấu sang trọng này, với nhiều đơn vị nghệ thuật, ước mơ đã trở thành hiện thực.
Nhà hát Lớn Hà Nội “mở cửa”: Cơ hội và thách thức

Cuối tháng 8-2016, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ rộng cửa đón các chương trình nghệ thuật thay vì chỉ ưu ái cho các hội nghị, hội thảo... như đã diễn ra một thời gian dài trước đó. Việc được biểu diễn luân phiên tại sân khấu sang trọng này, với nhiều đơn vị nghệ thuật, ước mơ đã trở thành hiện thực.

Giấc mơ không chỉ của nghệ thuật hàn lâm

Nếu trước đây, Nhà hát Lớn Hà Nội được mặc định gắn cùng với nghệ thuật hàn lâm, nơi chỉ những chương trình mang tính cổ điển, có quy mô lớn và tất nhiên là chi phí “khủng” mới có thể được biểu diễn thì nay lãnh đạo ngành văn hóa quyết định tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, các nhà hát có thể đem những chương trình nghệ thuật chất lượng diễn tại đây.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, chia sẻ: Thực ra cách đây hàng chục năm, Nhà hát Lớn Hà Nội đã từng đỏ đèn cho tất cả các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương và Hà Nội vào biểu diễn mỗi khi ra mắt chương trình mới. Lúc đó thường có mặt đông đảo người làm nghề, báo giới, chuyên gia phê bình nghệ thuật... Vở diễn hay, dở lập tức có dư luận phản hồi khen chê ngay lập tức chứ không “áo gấm đi đêm” như nhiều chương trình những năm gần đây. Vở mới, bạn nghề, báo chí cũng không cần tới xem và cũng chẳng ai quan tâm xem việc ra mắt xong có thể bị “xếp xó” ngay. Vì thế, việc đưa nơi này trở về với đúng chức năng của mình sẽ đem lại nhiều sinh khí mới cho nghệ sĩ.

Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ rộng cửa đón nhiều đơn vị nghệ thuật vào biểu diễn

Trên thực tế, có những nghệ sĩ cả đời chưa được diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, thậm chí là nghệ sĩ danh tiếng, vì thế có cơ hội để biểu diễn tại nơi này là sự động viên khích lệ lớn đối với họ. Nghệ sĩ piano Vũ Ngọc Linh tâm sự, dù đã biểu diễn ở nhiều nơi, các nhà hát trong và ngoài nước, nhưng biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn thấy sự khác. Khi diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nghệ sĩ luôn xúc động, hồi hộp. Dù là chơi solo, hay có sự hỗ trợ của cả dàn nhạc, ở sân khấu nhà hát, giữa hàng trăm con người, như có một ngọn lửa đang cháy trong tim.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn  Hà Nội cho biết, về công tác chuẩn bị cho sự kiện trên cũng đang được gấp rút hoàn thành. Theo kế hoạch, từ tháng 9 tới hết năm 2016, sẽ có gần 20 buổi diễn của các nhà hát của bộ luân phiên biểu diễn tại đây và kế hoạch cho năm 2017 là gần 100 buổi diễn vào các ngày cuối tuần. 

Chuẩn bị cho buổi diễn tại đây vào tối 1-9, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, chia sẻ: “Nghệ sĩ của nhà hát đang rất háo hức tập luyện. Bước vào “thánh đường nghệ thuật”, chúng tôi không lựa chọn một tác phẩm ăn khách nhất mà chọn chương trình Năm cung chèo mang đậm đặc trưng của sân khấu chèo. Chương trình hội tụ những tác phẩm, trích đoạn xuất sắc và kinh điển của âm nhạc, hát, múa và diễn”.

Cân nhắc giải pháp lâu dài

Hào hứng với quyết định mở rộng cửa Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng NSND Lê Hùng, người có nhiều năm gắn bó với sân khấu Hà Nội cũng cho rằng: Các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật khi được vào Nhà hát Lớn để biểu diễn cũng sẽ tự ý thức được để chọn những tác phẩm xuất sắc nhất của mình để phô diễn, xứng tầm với quy mô của nhà hát và phục vụ khán giả. Những vở diễn, chương trình xuềnh xoàng, nặng tính kinh doanh sẽ không mang vào Nhà hát Lớn diễn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần điều tiết cân nhắc đối với từng tác phẩm, từng loại hình nghệ thuật và không chỉ ưu ái với 12 nhà hát thuộc bộ được vào đây biểu diễn.

Đặt chân vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội rõ ràng là một bước đi mới đối với các nhà hát. Song để duy trì lịch diễn định kỳ thu hút được khán giả  là một bài toán không đơn giản đối với các đơn vị nghệ thuật cũng như đối với chính Nhà hát Lớn.

Lãnh đạo Nhà hát tuồng Việt Nam chia sẻ, để triển khai bán vé xem tuồng tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một việc khó khăn. Ngay tại rạp hát Hồng Hà, nhà hát cũng đã chật vật để duy trì lịch diễn định kỳ vào thứ ba và thứ năm trong tuần với giá 150.000 đồng/vé. Đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như cải lương, chèo khi mà khán giả chưa quen với việc mua vé mà chỉ đi xem bằng vé mời. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư các tác phẩm có chất lượng tốt, xứng tầm với địa điểm biểu diễn này, các đơn vị cũng cần lên kế hoạch bài bản về việc quảng bá, đưa thông tin đến cho khán giả.

Xác định việc đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả và hình thành thói quen, sở thích xem nghệ thuật truyền thống ở Nhà hát Lớn Hà Nội phải mất một thời gian. Vì thế, theo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL trong giai đoạn này cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, nhiều doanh nghiệp, đơn vị lữ hành cũng được vận động, chung tay đồng hành để xây dựng Nhà hát Lớn thành địa chỉ đỏ của người yêu nghệ thuật.

Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đồng hành cũng Bộ VHTT-DL trong dự án bảo tồn nghệ thuật truyền thống, xây dựng tác phẩm đỉnh cao. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ mua vé các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Song điều kỳ vọng hơn cả là đây sẽ là cú hích để đưa khán giả trở lại và đồng hành cùng nghệ thuật biểu diễn.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục