Nhà thơ Khánh Chi: Hạnh phúc khi được trải nghiệm mọi sắc thái của cuộc sống

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở Việt Nam xuất hiện một thế hệ thơ được gọi là “thần đồng” với những tên tuổi như: Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ, Chu Hồng Quý, Ngô Thị Bích Hiền, Khánh Chi... Đến nay, hầu hết những tác giả này đã “buông bút”, trừ nhà thơ Khánh Chi vẫn còn thổn thức... với thơ.
Nhà thơ Khánh Chi
Nhà thơ Khánh Chi

1. Cầm trên tay tập thơ Gửi gió về cho nội vừa được NXB Kim Đồng ấn hành, với những trang sách đẹp và xinh xắn, nhà thơ Khánh Chi vừa vui vừa buồn. Vui thì hẳn rồi, còn nỗi buồn kia đến từ niềm tiếc nuối. Chị bảo, giá như tập thơ được ra mắt sớm hơn, lúc ba chị còn sống, niềm vui đó sẽ trọn vẹn hơn. Bởi ba chị - nhà thơ Trúc Chi, chính là người đã “dọn đường” để chị được sống trong bầu không khí của văn chương, rồi cũng từ đó mà viết nên những bài thơ đầu tiên khi còn bé con.

Nhà thơ Khánh Chi trải lòng: “Từ bé, tôi làm thơ vì ba, làm thơ cho ba vui. Mỗi lần ba đi dạy về, dù phải đạp xe một quãng đường xa, nhưng chỉ cần tôi mang cuốn vở ra khoe bài thơ mới viết là ba rất vui, mọi mệt mỏi tan biến. Điều đó đeo đuổi tôi suốt cho đến bây giờ. Mỗi lần làm gì, tôi cũng đều nhìn vào niềm vui của ba mình”.

Bắt đầu làm thơ từ năm 6 tuổi, đến năm 11 tuổi, Khánh Chi đoạt giải nhất thơ trong cuộc thi Chúng em viết, vẽ về dân tộc anh hùng, sông núi vẻ vang do Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức. Vào năm 1980, ở vào tuổi 15, chị có tập thơ đầu tiên Gửi gió về cho nội được xuất bản, gây xôn xao dư luận thời điểm đó. Giờ đây, sau 43 năm, tập thơ được trở lại với diện mạo mới, được cộng hưởng với những bức tranh đầy màu sắc. Có lẽ, để phù hợp với trẻ em bây giờ, nhiều bài thơ trước đây như Con tàu, Xe tên lửa mặc áo xanh đi về phố, Tóc chị Sáu, Chú Mười ở chiến trường ra vẫn ngủ võng, Cái chết năm chiến sĩ Tây Ban Nha, Họ là người mà sao xấu thế… không còn được in lại.

Trong bài viết Đọc Cẩm Thơ, nhớ các nhà thơ nhí in trong tuyển tập thơ Tiếng chim đầu tiên (NXB Kim Đồng, năm 2017) của Cẩm Thơ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét về Khánh Chi là “rất đặc biệt”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhìn nhận: “Khánh Chi là nhà thơ nhí làm thơ cho người lớn đọc. Độc giả của Khánh Chi là người lớn chứ không phải trẻ con. Đã có bao nhiêu người lớn làm thơ cho trẻ con thì cũng phải có trẻ con làm thơ cho người lớn đọc. Khánh Chi là một “ca” đặc biệt như thế”.

2. Năm 1977, Khánh Chi theo gia đình chuyển vào TPHCM sinh sống. Giai đoạn từ 15-18 tuổi, chị có làm thơ nhưng ít hơn và cũng thường chỉ làm thơ cho mình mà không công bố. Nổi tiếng từ sớm, nhưng đã có lúc Khánh Chi lại muốn thoát ra khỏi môi trường văn chương. Bằng chứng là lúc thi đại học, chị đã thi vào khoa tiếng Nga (Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, nay là Trường Đại học KHXH-NV TPHCM), chứ không phải ngành Ngữ văn như lẽ thông thường. Nhưng có lẽ là số phận đã an bài, văn chương tiếp tục gắn bó với chị như một mối duyên khó chối bỏ. Vào năm 1984, khi vừa kết thúc năm thứ nhất, cùng với Nguyễn Trọng Nghĩa và Trần Đăng Khoa, Khánh Chi được gọi tên sang Nga theo học Học viện Maxim Gorki (Trường viết văn của Liên Xô cũ).

Dù Khánh Chi tự nhận, việc sang Nga theo học với lý do “ham vui”, nhưng không thể phủ nhận đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp và cuộc đời của chị. Bởi từ chuyến đi này, độc giả trong nước biết thêm một tài năng khác ở Khánh Chi, đó là văn xuôi, khi chị lần lượt cho ra mắt các tập truyện: Mảnh trăng côi cút (1989), Cô đơn (1997) và Mưa bóng mây (2001).

Cuối năm 1991, Khánh Chi trở về nước. Chị không về một mình mà về cùng cậu con trai vừa được 3 tháng tuổi và người chồng đến từ xứ sở Bạch Dương, kết thân trong thời gian chị học tập tại Nga. Nhưng thời điểm đó, có nhiều lý do khiến cho cuộc sống hôn nhân phải dừng lại. Khánh Chi bảo, cuộc sống của một người mẹ đơn thân hồi đó không dễ dàng. Và chị quyết định đi làm báo, thay vì đầu quân cho một nhà xuất bản nào đó. “Giai đoạn đó, làm sao để sống, với tôi là một vấn đề lớn. Tôi mới về nước, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như hiểu biết về tình hình đất nước lúc đó. Tôi chọn đi làm báo, vừa để nuôi con vừa để có vốn sống cho mình. Bởi để viết văn, làm thơ thì phải va chạm với cuộc đời, phải đi, gặp gỡ người này người kia mới có nhiều vốn sống”, nhà thơ Khánh Chi kể.

3. Hơn 40 năm sau, khi tập thơ Gửi gió về cho nội được tái bản lần 3, nhà thơ Khánh Chi đùa khi nói về thời gian và tuổi tác của mình: “Bạn hãy hình dung đi, cách đây hơn 40 năm, khi tập thơ ra mắt bạn đọc, tôi lúc đó vẫn còn là một đứa trẻ. Còn bây giờ, khi cuốn sách được tái bản, nhiều bạn bè, người quen nhắn tin đăng ký mua sách cho... cháu nội, cháu ngoại. Còn tác giả - một cô bé ngày nào - nay cũng đã về hưu”.

Dẫu vậy, với nhà thơ Khánh Chi, tuổi hưu cũng có niềm vui riêng. Chị bảo, người viết làm gì có hưu, cho nên nghỉ hưu với chị là được cho thêm thời gian để làm việc. Chị vẫn tiếp tục làm báo, làm thơ, viết văn. Đặc biệt, ngoài tài sản chữ nghĩa, ông trời còn tặng cho chị một món quà quý, là tình yêu với người bạn đời, người được chị dành tặng rất nhiều thơ tình dễ thương - dòng thơ mà chị rất ít làm xưa nay.

Có lẽ vì vậy mà khi được hỏi: “Trong cuộc đời, giai đoạn nào khiến chị thấy hạnh phúc nhất?”, thì chị trả lời, thật nhẹ nhõm: “Chẳng phải lúc có tình yêu, có sự viên mãn của tuổi hưu mà tôi nghĩ rằng mình đang sống những ngày hạnh phúc. Với tôi, bất cứ giây phút nào mình đang sống cũng là hạnh phúc. Bởi cuộc sống với tất cả vui buồn sẵn có đều cho mình sự trải nghiệm tuyệt vời. Được trải nghiệm cuộc sống với mọi sắc thái của nó chính là hạnh phúc!”.

Nhà thơ Khánh Chi: "Khi tập thơ Gửi gió về cho nội được in ra, tôi cứ cầm trên tay, nghĩ lẩn thẩn về ba, niềm vui bị hao hụt phần nào đó. Nhưng nghĩ đến chuyện sẽ có 2.000 đứa trẻ đọc thơ mình, có 2.000 phụ huynh cầm lên, họ thấy vui và mua cho con mình. Điều đó khiến tôi hạnh phúc"

Tin cùng chuyên mục