Nhà thơ Thanh Quế - nặng tình đồng nghiệp

Nhà thơ Thanh Quế hiện sống ở Đà Nẵng, là một trong những gương mặt văn học tiêu biểu của miền Trung trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông là cây bút đa năng, sáng tác bền bỉ, tác giả của nhiều tập thơ, trường ca, truyện ngắn, bút ký, chân dung văn học, được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2011. Bước ra từ chiến tranh, một trong những điều ám ảnh trang viết Thanh Quế là hình ảnh xúc động của những đồng nghiệp đã ngã xuống.
Nhà thơ Thanh Quế - nặng tình đồng nghiệp

Nhà thơ Thanh Quế hiện sống ở Đà Nẵng, là một trong những gương mặt văn học tiêu biểu của miền Trung trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông là cây bút đa năng, sáng tác bền bỉ, tác giả của nhiều tập thơ, trường ca, truyện ngắn, bút ký, chân dung văn học, được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2011. Bước ra từ chiến tranh, một trong những điều ám ảnh trang viết Thanh Quế là hình ảnh xúc động của những đồng nghiệp đã ngã xuống.

Nhà thơ Thanh Quế

1. Đầu tiên là với nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân (tên thật Ca Lê Hiến). Đây chính là người đàn anh đã khuyên Thanh Quế thi vào Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963, rồi trở thành thầy trò. Và cũng chính từ lời khuyên và tấm gương của Ca Lê Hiến, Thanh Quế đã tiếp bước trở về miền Nam chiến đấu và sáng tác. Trong tập Bút ký và chân dung (NXB Văn học, năm 2015), nhà thơ Thanh Quế có bài viết Ca Lê Hiến tha thiết trở về quê nội, cho hay: “Ca Lê Hiến là một người đẹp trai, dong dỏng cao, có đôi mắt xám mơ màng và bộ tóc quăn dày rất đẹp. Anh lại lành tính, lúc nào cũng mỉm cười. Có lần, anh bất ngờ xuống tìm tôi để đưa xem một bài thơ của anh, thấy tôi đang cãi lộn với một người bạn cùng lớp vì một chuyện gì đấy, anh Hiến dắt tay tôi ra góc nhà: - Thôi mà, thôi mà, em phải để tâm sức cho những việc lớn như làm thơ chẳng hạn”.

Vào mùa thu năm 1964, Ca Lê Hiến về chiến trường Nam bộ trong một đoàn của ngành giáo dục. Trước khi đi, ông tập hợp bản thảo thành tập thơ Tiếng gà gáy đưa cho NXB Văn học. Nhà thơ Thanh Quế nhớ lại: “Hồi đó, anh em trẻ được in chung một tập 2, 3 người là quý lắm rồi. Chỉ có Thái Giang in trường ca Gió từ cánh rừng và Ca Lê Hiến in Tiếng gà gáy là riêng thôi. Tập thơ ấy có chừng 24 bài, in 400 quyển. Tôi đến lĩnh giùm nhuận bút đưa cho chị Ca Lê Hồng, được 400 đồng, như vậy là mua được 1 tấn gạo. Tiếc rằng không hiểu sao, những người biên tập lại loại bài Nhịp chày ba, một bài thơ rất sinh động ra khỏi tập. Vì thế, sau này Ca Lê Hiến mãi mãi mất bài thơ. Càng tiếc hơn, Ca Lê Hiến chẳng bao giờ nhìn thấy mặt tập thơ ấy”.

2. Nếu như nhà thơ Lê Anh Xuân sinh trưởng trong một gia đình trí thức tiêu biểu Nam bộ, thì nhà văn Dương Thị Xuân Quý (tên thật Dương Thị Minh Hương) là “cô chiêu” của một gia đình trí thức nổi tiếng miền Bắc, cha là nhà báo Dương Tự Quán, bác ruột là nhà văn học sử Dương Quảng Hàm. Trong bài Người con gái gầy yếu và mạnh mẽ, nhà thơ Thanh Quế nhìn lại: “Dương Thị Xuân Quý đã sống một cuộc đời sôi nổi của một nhà báo, một nhà văn cách mạng. Chị không thuộc loại những cô gái thích quẩn quanh trong bốn bức tường của cuộc sống gia đình chật hẹp, yên vui và đầy đủ tiện nghi. Chị như một con chim luôn thích phóng mình trong khoảng trời cao rộng, nhưng không phải những khoảng trời bình yên. Chị luôn tìm chỗ đứng ở nơi khó khăn gian khổ”.

Khi sinh con mới được 16 tháng, nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã gửi con gái nhỏ lại Hà Nội cho mẹ mình nuôi, xung phong vào chiến trường miền Nam, đến những nơi gian khổ nguy hiểm nhất để sống và viết, rồi mãi mãi ngã xuống khi đang viết dở ký sự về một xã anh hùng ở Quảng Đà. Điều mà nhà thơ Thanh Quế mãi dằn vặt là sau ngày hòa bình ông cùng gia đình, đồng đội của nhà văn Dương Thị Xuân Quý nhiều lần cất công đi tìm kiếm hài cốt của bà nhưng không thành. Tin tức từ những người liên quan cho biết, vào đêm nữ nhà văn từ hầm bí mật vọt lên đã đạp trúng pháo sáng gần cái giếng cạn, bị lính bắn trọng thương và bắt đi, rồi mất tích trong nhà thương. Để tưởng nhớ nhà văn Dương Thị Xuân Quý, một tấm bia đá nguyên khối đã được dựng lên nơi bà ngã xuống. Và trong tâm khảm bùi ngùi của nhà thơ Thanh Quế thì: “Dương Thị Xuân Quý như vẫn còn đi vào những nơi gian khổ ác liệt. Chị sắp trở về kể cho chúng ta nghe những câu chuyện sản xuất, chiến đấu của bà con ở những vùng đất chị đến…”.

3. Nhà thơ Thanh Quế cũng dành nhiều trang viết chân thực và xúc động về cá tính hơi cực đoan và tài năng của nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), đặc biệt là ước nguyện xung phong vào chiến trường Nam bộ tháng 5-1962: “Chắc nhiều người chưa biết con người này từng bị ho ra máu vì những năm lang thang khổ cực kiếm sống và đang giấu thầy thuốc về bệnh kiết lỵ để khỏi lỡ chuyến đi, đã vất vả trên con đường hành trình dài ngày như thế nào? Phải nói là anh đi “bằng đầu”, bằng ý chí”. Và ông còn tiết lộ lúc ở Nam bộ, tác giả của Người mẹ cầm súng còn in 2 tập thơ, nhưng văn xuôi mới chính là sở trường của Nguyễn Thi: “Những độc giả có vốn sống từng trải trong cuộc sống chiến đấu của nhân dân mới hiểu hết cái hay, cái đẹp của Nguyễn Thi. Ở anh, ta không thấy sự lan man vô ích, cũng không thấy sự khô héo mà tràn đầy cảm xúc lắng đọng. Đó là văn của một nhà thơ, mà văn của nhà văn chân chính nào cũng thấm đẫm chất thơ”.

Qua những hồi tưởng của nhà thơ Thanh Quế, hình ảnh nhiều nhà văn liệt sĩ khác vốn ít được biết đến được tái hiện khá sâu sắc. Chẳng hạn về nhà thơ Ngọc Anh, tác giả của bài thơ Bóng cây kơnia được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Một thời gian dài, Bóng cây kơnia cùng nhiều bài thơ khác của chính Ngọc Anh nhưng ông lại đề “phỏng dịch” dân ca Tây Nguyên khi gửi ra miền Bắc đăng báo. Theo nhà thơ Thanh Quế: “Ông phải “giấu tên” để đề cao thơ các dân tộc Tây Nguyên đang chống Mỹ, mặt khác cũng phù hợp với đức tính lặng lẽ, khiêm tốn của ông”.

4. Và có lẽ một trong những nhà văn liệt sĩ mà nhà thơ Thanh Quế tái hiện chân dung sâu sắc nhất với nhiều tư liệu quý, gây cho người đọc nhiều ngạc nhiên, là khi ông viết về tác giả bài Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng trong bài Nhà thơ của những sắc màu. Nhà thơ Nguyễn Mỹ và nhà thơ Thanh Quế cùng đồng hương huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông sớm tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc học tập rồi xung phong trở về Nam. Mặc dù đã là nhà thơ thành danh khi còn ở Hà Nội với tác phẩm Cuộc chia ly màu đỏ, nhưng khi Nguyễn Mỹ về chiến trường Khu V lại không được tin dùng ở cơ quan văn nghệ, báo chí mà lại ra đơn vị sản xuất và binh vận làm ca dao. Một năm sau - năm 1969, nhà thơ Thanh Quế cũng vào chiến trường, nghe tin đầy thành kiến ấy ông hết sức ngạc nhiên. Tìm hiểu, ông nghe nhà văn Đinh Thành Lê giải bày: “Thằng Mỹ ấy mà, nó có tính chăm sóc giúp đỡ mọi người, nhất là phụ nữ. Khi đi trên đường từ Bắc vào Nam nó thấy cô Lan yếu quá nên giúp đỡ. Rồi hai người yêu nhau. Cô Lan có người yêu là bác sĩ, về Nam trước, công tác ở Kon Tum. Vậy là cậu Mỹ bị chụp cho cái mũ “cướp vợ người ta”. Mà ở Khu V mình cái chuyện này là ghê gớm lắm”.

Nhà thơ Nguyễn Mỹ hy sinh sáng 16-5-1971 trong một trận càn của địch ở trại sản xuất Nước Ta thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nhà thơ Thanh Quế cho hay: “Giết anh xong, chúng nghĩ là anh em ta sẽ đến cướp xác anh về để chôn nên chúng canh giữ rất cẩn thận. Ba ngày sau, chúng rút đi, anh em mới đến được bên anh. Vì nghi địch đặt mìn dưới người anh nên anh em cứ để nguyên chỗ anh nằm mà xúc đất đá đắp lên thành mộ, chứ không bọc anh vào ni lông đào hố chôn như những trường hợp khác. Mọi người vừa làm vừa khóc, thương cho số phận long đong cho tới lúc chết của anh”.

Nằm xuống rồi nhưng số phận của tác giả bài Cuộc chia ly màu đỏ đâu đã hết long đong. Vào năm 1990, tức 19 năm sau ngày nhà thơ Nguyễn Mỹ hy sinh, nhà thơ Thanh Quế phát hiện rằng ông chưa được công nhận liệt sĩ. Nhà thơ Thanh Quế cùng nhà báo Đặng Minh Phương mới vội làm giấy chứng nhận rồi cấp tốc về gặp lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Hơn một năm sau gia đình mới nhận bằng “Tổ quốc ghi công” của Nguyễn Mỹ. Trong khi đó, mộ ông sau bao năm dài không ai đến viếng, bị mưa lũ cuốn qua, đến năm 1994 mới được khai quật nhưng chỉ tìm thấy 1 lọ dầu Vạn Linh, 1 bàn chải đánh răng và 3 tút đạn, được đưa về an táng ở Nghĩa trang Trà My, nhưng chẳng ai dám chắc những di vật ấy là của nhà thơ Nguyễn Mỹ.

PHAN PHÚ YÊN

Tin cùng chuyên mục