Nhà văn Hà Bình Nhưỡng qua đời

Nhà văn Hà Bình Nhưỡng qua đời

Sau một thời gian lâm bệnh, hồi 19 giờ 12 phút ngày 13-9, Nhà văn, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Hà Bình Nhưỡng đã qua đời tại Bệnh viện 175, hưởng thọ 72 tuổi.

Nhà văn Hà Bình Nhưỡng qua đời ảnh 1

Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ quận Tân Bình; Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ phường 1 quận Tân Bình và gia đình vô cùng thương tiếc gửi tin buồn tới Báo SGGP.

Nhà văn Đại tá Hà Bình Nhưỡng sinh năm 1934 tại xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp. Năm 1952 ông nhập ngũ và công tác tại binh chủng Phòng không Không quân.

Các tác phẩm chính của ông thường tập trung vào đề tài không quân như: Những cánh chim đại bàng (truyện ký viết chung với nhà văn Hữu Mai, 1977), Đến với bầu trời (truyện 1984), Cánh én mùa xuân (truyện, 1984), “Sống để yêu nhau”… Đường vào mặt trận trên cao (truyện 1995)…

Ông cộng tác với nhiều tờ báo trong đó có Báo SGGP. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn TPHCM. Ông đã được nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng 1, 2, 3, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật và nhiều huân huy chương khác.

Sáng nay, linh cữu nhà văn Hà Bình Nhưỡng quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng – 5 Phạm Ngũ Lão – Gò Vấp. Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ 30 ngày 15-9-2006. Lễ truy điệu lúc 8 giờ 30 ngày 16-9-2006. Sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.

Ban biên tập Báo SGGP xin gửi lời chia buồn tới gia đình nhà văn, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. 

T.V.

Hà Bình Nhưỡng - một đời viết “Sống để yêu nhau”

Tôi quen anh đã lâu, nói một cách chính xác 39 năm 8 tháng 21 ngày, 11 giờ tính đến thời điểm anh ra đi. Ngày đó, Hà Bình Nhưỡng ở Cục Chính trị, còn tôi ở Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân, cách nhau con đường “Tàu bay” đầy bụi ở sân bay Bạch Mai - Hà Nội. Năm đó, cuộc chiến tranh phá hoại của người Mỹ rất ác liệt, anh viết báo của Quân chủng, thường đi xuống các đơn vị chiến đấu để lấy tin. Còn tôi, là sĩ quan dẫn đường, tôi trực tiếp dẫn đường cho phi công, cho nên Hà Bình Nhưỡng muốn có những tư liệu chính xác, anh đã gặp tôi.

Bẵng đi khá lâu, cuối năm 1996 tôi lại gặp anh trong buổi lễ kết nạp tôi và Hà Bình Nhưỡng vào Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh vui lắm, tâm sự “Vào hội là niềm tự hào, ráng xứng đáng…” Quả thật, đối với anh vào hội không phải chỉ có danh, anh viết thật sự.

Hà Bình Nhưỡng sống chân thật, dễ thương. Có bất kỳ điều gì buồn, vui anh đều gọi tôi tâm sự. Mới đây, có lẽ anh biết mình sắp ra đi. Anh điện cho tôi, bảo tôi vào gặp anh. Hôm đó, trời mưa khá to, đường ngập nước, tôi đến phòng bệnh, anh đang nói chuyện với người bạn cùng phòng. Gặp tôi, anh mừng lắm, anh kéo tôi ra chiếc ghế đá trên khoảng sân rộng. Anh cho biết, bệnh khá nặng, có lẽ phải mổ. Anh dặn tôi đủ điều, có những chuyện anh dặn riêng. Cuối cùng anh nói “Mình ra đi, không có gì bận tâm, chỉ thương vợ con. Các con lớn rồi, đều đã trưởng thành. Chỉ thương vợ mình. Bà ấy đã hết lòng vì con, vì chồng. Mình được như ngày nay, phần lớn là do công của bà ấy. Vợ mình quá chu đáo, tớ thương bà ấy quá”. Anh nói tới đó rồi dừng lại, nước mắt chảy ra. Tôi biết Hà Bình Nhưỡng dũng cảm trong chiến đấu chính vì có một nền tảng gia đình hết sức vững chắc. Tôi nắm chặt tay anh, hứa sẽ làm những điều anh dặn. Anh mở túi nilông, kéo ra 4 quyển ký “Đường vào mặt trận trên cao”, “Vị phụ tá tham mưu trưởng”, “Tâm hồn cất cánh” và “Tầm cao lòng mẹ” tặng tôi. Anh nói “Cậu còn thiếu 4 quyển này”. Tôi hỏi “Sao anh biết?”. Hà Bình Nhưỡng bóp tay tôi “Cậu thiếu cái gì tớ còn biết nữa là sách của tớ chưa tặng cho cậu”. Cuối cùng anh dặn tôi “Tại Đại hội Nhà văn sắp tới cậu thay tớ gửi lời chào các nhà văn cả nước, cậu nói giúp. Tớ ra đi vẫn nhớ Hội, tớ sẽ đi dự bằng cách của tớ”. Trời! Hà Bình Nhưỡng, anh yêu nghề, yêu Hội, anh yêu đất nước. Anh yêu Quân đội, anh yêu gia đình. Một người như thế, đâu phải dễ tìm. Tôi bỗng nhớ nhân kỷ niệm 30 năm trận Điện Biên Phủ trên không, anh gọi tôi “phải viết về những ngày oai hùng ấy”. Tôi vốn có sẵn trong đầu, hưởng ứng. Tôi viết liền 2 bài, anh 2 bài, các tướng lĩnh của quân chủng đều có bài. Cuốn sách ra đúng dịp, anh vui lắm, tổ chức họp báo, tuyên truyền cho 12 ngày đại thắng của quân và dân Hà Nội. Thật chẳng bao giờ nói hết chuyện, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Hà Bình Nhưỡng là một sĩ quan cấp đại tá. Nhưng trên hết anh là một người tử tế. Xin vĩnh biệt anh.

LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục