Quận 10 là nơi có nhiều nhà văn hóa phường, 9/15 phường có nhà văn hóa.
Nhà văn hóa phường 11 được đánh giá vào loại khá, dù chưa phải là khá nhất nhưng có các câu lạc bộ hoạt động thực chất.
Phường 11, quận 10 nằm ở vùng đất Ngã 7, cạnh khu vực Bàn Cờ, có truyền thống đấu tranh cách mạng, nhiều “địa chỉ đỏ” là cơ sở nuôi chứa, cất giấu vũ khí… Dân cư hiện có hơn 14.000 người. Nhà văn hóa phường hình thành vào năm 1984, do nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến năm 2000 được xây mới từ ngân sách nhà nước, có một hội trường và 3 phòng nhỏ làm phòng chức năng.
Mặc dù cách không xa Nhà hát Hòa Bình và khu Kỳ Hòa nhưng nhà văn hóa phường là nơi tổ chức nhiều hoạt động, có tầm quan trọng đối với đời sống văn hóa, hội họp, sinh hoạt của người dân. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phong phú, đa dạng, góp phần xây dựng phường văn hóa, được TP công nhận vào năm 2010.
Nhà văn hóa phường đã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi truyền thông, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, pháp luật và hỗ trợ cho các khu phố sinh hoạt chuyên đề. Năm 2013, tổ chức hơn 4.720 lượt tuyên truyền, tổ chức 25 đợt biểu diễn văn nghệ với hàng chục chương trình được dàn dựng, có nội dung, thu hút sự tham gia của người dân.
Việc xây dựng và ra mắt mô hình “Xe sách lưu động” luân chuyển phục vụ 6 khu phố với hơn 1.000 đầu sách các loại đã làm cho người dân quan tâm nhiều hơn với văn hóa đọc. Cùng với đó là việc ra mắt “Điểm đọc báo, xem tin tức buổi sáng” từ 6 giờ đến 8 giờ tại nhà văn hóa. Với hàng chục đầu báo, tạp chí và một ti vi 42 inch phục vụ gần 500 người xem các chương trình, tin tức của VTV và HTV vào buổi sáng.
Nhiều hoạt động thể dục thể thao được tổ chức tại phường như các môn đi bộ đồng hành, cờ tướng, bóng bàn, bida… và tham gia các môn do quận tổ chức như bóng chuyền, bóng đá, thể dục đồng diễn.
Các lớp năng khiếu, vi tính được mở thường xuyên với hàng ngàn học viên. Nhà văn hóa đã tổ chức được 8 câu lạc bộ, đội nhóm như câu lạc bộ tài tử cải lương, nhóm múa hiện đại, múa thiếu nhi, hát thiếu nhi, ca nhạc truyền thống cách mạng, ca múa nhạc… với hàng trăm hội viên cùng sinh hoạt và tập dượt thường xuyên. Kinh phí duy trì hoạt động của nhà văn hóa là tự thu, tự chi, mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Để nhà văn hóa có được các hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, bổ ích, hấp dẫn, lãnh đạo phường đã có sự quan tâm và ban chủ nhiệm đã có sự chủ động, phối hợp các ban ngành, đoàn thể và lực lượng cộng tác viên. Nhà văn hóa có ban chủ nhiệm, có chủ nhiệm là Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách văn xã, có phó chủ nhiệm là người có trình độ đại học, có ủy viên cấu tạo từ các đoàn thể.
Mặc dù phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm nhưng ai cũng gắn bó với công việc và nhiệt tình. Nhà văn hóa hoạt động theo quy chế và có nề nếp, có sơ tổng kết, công khai tài chính, kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những hạn chế, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhà văn hóa phường 11, quận 10, tuy không phải là nơi có mặt bằng lớn, ở mặt tiền đường, có kinh phí nhiều nhưng có được sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo phường, có người quản lý có chuyên môn, tâm huyết, có những hoạt động phù hợp trên cơ sở lắng nghe, khảo sát, góp ý và tham gia của người dân nên luôn duy trì được hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân trong phường.
PHẠM PHƯƠNG THẢO