Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Khí nhạc Việt Nam đang tỏa sáng

Lần đầu tiên tại Việt Nam, “Festival Âm nhạc mới Á - Âu” được tổ chức từ ngày 8 đến 12-10, quy tụ hàng trăm nhà soạn nhạc nổi tiếng của châu Á và châu Âu cùng hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn. Festival có 7 chương trình biểu diễn chính thức và một số chương trình hòa nhạc với gần 100 tác phẩm ở các thể loại. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã chia sẻ với báo chí về sự kiện này.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Khí nhạc Việt Nam đang tỏa sáng

Lần đầu tiên tại Việt Nam, “Festival Âm nhạc mới Á - Âu” được tổ chức từ ngày 8 đến 12-10, quy tụ hàng trăm nhà soạn nhạc nổi tiếng của châu Á và châu Âu cùng hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn. Festival có 7 chương trình biểu diễn chính thức và một số chương trình hòa nhạc với gần 100 tác phẩm ở các thể loại. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã chia sẻ với báo chí về sự kiện này.

- PV: Thưa ông, Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên vinh dự đăng cai festival Âm nhạc mới Á - Âu, vậy thế mạnh của chúng ta là gì khiến Hội Nhạc sĩ quyết tâm tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc tế này?

>> Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN: Festival Âm nhạc mới được tổ chức từ năm 1993, do hội nhạc sĩ hai nước Nga và Tatarstan khởi động, từ đó đến nay, đã tổ chức 11 festival và đều tổ chức ở châu Âu. Festival lần thứ 11 tổ chức tháng 3-2013 tại Tatarstan, sau khi chúng tôi trình bày tác phẩm của VN thì các nhạc sĩ trong festival nảy ra ý tưởng tổ chức tại châu Á sẽ luân phiên nhau, một năm ở châu Âu, một năm làm ở châu Á. Nước đầu tiên các bạn nhất trí chọn là Việt Nam tổ chức lần thứ 12. Điều chúng tôi tự tin về thế mạnh của Việt Nam là nước ta có tình hình chính trị ổn định, người dân hiếu khách, thiên nhiên tươi đẹp, đảm bảo tổ chức tốt sự kiện. Bên cạnh đó, chúng ta có đời sống âm nhạc đủ điều kiện tổ chức các sự kiện lớn vì có dàn giao hưởng trình độ quốc tế, có dàn hợp xướng, có những solist trình độ quốc tế như nghệ sĩ Bùi Công Duy…, có nhà hát đủ trình độ tổ chức sự kiện như Nhà hát Lớn Hà Nội nên các bạn tin tưởng giao cho Việt Nam đăng cai.

Đây cũng là dịp để chứng minh cho các nước bạn thấy khả năng và trình độ của Việt Nam. Song song với việc phát triển thanh nhạc thì khí nhạc Việt Nam cũng có bước tiến rõ rệt. Sự đào tạo bài bản trong thời gian qua đã tạo nên một lực lượng có khả năng ngang với khu vực và thế giới. Bản đồ khí nhạc của Việt Nam tuy không phát triển rực rỡ nhưng bài bản, có sự đầu tư, chăm sóc và đang tỏa sáng.                                                                 

- Ông cho biết cái mới sẽ ở góc độ nào trong các tác phẩm trình diễn tại đây?

Mới ở đây là mới sáng tác. Vì thể loại giao hưởng, thính phòng, luôn đòi hỏi sự tìm tòi nên “mới” còn là tiêu chí của festival, đẩy mạnh và phát triển những hướng đi của nền khí nhạc của các nước theo từng cách khác nhau. Ví dụ như các nước có nền âm nhạc dân gian phát triển mạnh như vùng Trung Á, họ đi theo con đường là lấy âm nhạc dân tộc làm mới âm nhạc dân gian của họ, còn Pháp, Mỹ thì họ lại tìm hiệu quả âm thanh với nhạc cụ sống. Còn cái mới của chúng ta mang đến với festival lần này là âm nhạc hôm nay, sáng kiến mới, sản phẩm mới của các nghệ sĩ. Việt Nam cũng là nước đóng góp vào sự phát triển đó như tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Lân Tuất và của tôi là tác phẩm viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng. Kết hợp nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương tây, là điều chúng ta chưa làm bao giờ.

- Còn về các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam tham gia lần này?

Sự đa dạng của các bút pháp sẽ là điểm mới của chúng ta khi tham gia liên hoan lần này. Các xu hướng âm nhạc cũng khác nhau, chúng ta có bút pháp kinh điển như Chiếu dời đô của nhạc sĩ Doãn Nho, tương phản là Nguyễn Thiện Đạo với tác phẩm Điểm hẹn, Con gà rừng và Trống cơm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, hòa tấu “Vượt sóng” của nhạc sĩ Đức Tân… rất nhiều các nhạc sĩ khác nữa sẽ như một bức tranh đời sống âm nhạc hiện nay. Tôi cũng công bố tác phẩm dựa trên các làn điệu dân ca của các miền viết cho đàn bầu và nhạc giao hưởng.

- Các chương trình có được bán vé? Ông có lo ngại những khán giả thực sự có nhu cầu thưởng thức vẫn không lấp đầy ghế khán phòng dù nhỏ này?

Theo thông lệ, tất cả các Festival Âm nhạc mới Âu - Á đều không bán vé. Ở nước ta, việc tổ chức biểu diễn ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội (700 ghế) thì đều trong các không gian nhỏ như các phòng biểu diễn ở nhạc viện (300 - 350 ghế). Còn việc liệu có khán giả thực thụ lấp đầy khán phòng không luôn là câu hỏi lớn với dòng nhạc này. Một trong những đặc thù của nhạc thính phòng đó là khán giả nghe và hưởng thụ nó cần phải có một vốn âm nhạc nhất định. Như ở Nhật Bản chẳng hạn từ năm 1946, người ta đã có chương trình dạy nghe nhạc không lời. Họ cho học sinh lên ô tô, chở đến các điểm biểu diễn để nghe. Giờ đây, việc dạy công chúng nhỏ tuổi vẫn đang được tiếp tục. Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu cách dạy nghe nhạc nếu không, ngành này sẽ không có công chúng trong tương lai.

Qua festival lần này, chúng tôi hy vọng sẽ dần lấy lại sự cân bằng của khí nhạc với âm nhạc hiện đại, góp phần giúp người dân nhận thức đúng hơn về vị trí và vai trò của khí nhạc trong đời sống.

- Xin cảm ơn ông!

Một trong những điểm nhấn của “Festival Âm nhạc mới Á - Âu” là buổi hòa nhạc được tổ chức trong hang Đầu Gỗ - vịnh Hạ Long (ảnh). Một sân khấu bằng gỗ được dựng trong hang Đầu Gỗ đủ để 40 nghệ sĩ biểu diễn cùng lúc. Buổi hòa nhạc không có sự hỗ trợ của bất kỳ thiết bị, kỹ thuật âm thanh điện tử nào, chỉ có những âm thanh mộc và thuần khiết của các nhạc cụ dân tộc VN như đàn thập lục, tam thập lục, tỳ bà, đàn bầu, sáo, nhị, kèn…

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Khí nhạc Việt Nam đang tỏa sáng ảnh 1

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục