“Nhà phê bình âm nhạc không phải là không có mà họ không dám lên tiếng, không dám nói. Hoạt động âm nhạc bây giờ có thể nói giống như cái chợ, mỗi ca sĩ đều có thị phần trong đó, nên không ai có thể nói và phê bình được ai”. Đó là tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha với PV Báo SGGP trong cuộc trao đổi thẳng thắn về hoạt động âm nhạc trong nước hiện nay, đặc biệt là qua những vụ việc được dư luận quan tâm thời gian qua.
- PV: Có quá nặng lời không khi nói rằng âm nhạc hiện nay đang bị chi phối bởi đồng tiền?
>> Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA: Âm nhạc bây giờ bị chi phối khá lớn bởi đồng tiền. Như trên thế giới, cũng là những doanh nghiệp, những đại gia nhưng họ biết thưởng thức nghệ thuật, có gu thẩm mỹ, nên những nhà giàu đó biết tạo điều kiện, nuôi dưỡng những nhà soạn nhạc thiên tài như Mozart, Betthovent…. Còn ở Việt Nam, hiện tại có khá nhiều nhà trọc phú, họ nhiều tiền, nhưng hiểu biết về nghệ thuật, âm nhạc hạn chế. Nên khi họ tham gia vào đã đẩy hoạt động âm nhạc trở thành cái chợ. Mà đã là cái chợ thì xô bồ, hỗn loạn và rất “hàng tôm, hàng cá”. Còn nói đến sự chi phối của đồng tiền thì nhiều khi cũng vì tiền mà có một vài ca sĩ dù tuyên bố ghét bỏ nhau, từ mặt nhau, nhưng nếu được các nhà trọc phú mời hát song ca, hát bè cho nhau, những ca sĩ đó sẽ sẵn sàng “bằng mặt mà không bằng lòng” hát với nhau và sau khi hát xong có thể tiếp tục từ mặt nhau.
- Phải chăng âm nhạc đang hỗn loạn như vậy là do các nhà phê bình không tìm được vị trí thích hợp?
Ở đó các nhà phê bình có nói, có phê bình cũng không ai nghe, không ai nhìn nhận. Ở đó, nếu các nhà phê bình âm nhạc lên tiếng với ca sĩ trẻ, đến những ca sĩ hạng A thì họ sẵn sàng “xù lông, giương vuốt” ra với các nhà phê bình ngay. Tôi giả dụ bây giờ phê bình một ca sĩ đang nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ, lỡ ra đường có một nhóm người bức xúc, chặn đánh nhà phê bình âm nhạc đó thì ai sẽ là người bảo vệ họ? Đấy là chưa kể đến khi viết xong một bài phê bình, cũng khó tìm được nơi đăng, vì có rất nhiều tờ báo vì vị nể tình thân, vì mối quan hệ mà ngại đụng chạm.
- Nếu các nhà phê bình âm nhạc không lên tiếng, giới trẻ sẽ càng lạc lối. Nên chăng các nhà phê bình âm nhạc cần phải dũng cảm hơn nữa?
Như tôi đã nói ở trên, hoạt động âm nhạc Việt Nam giờ như cái chợ và trong cái chợ đó, vẫn có sự phân chia rất rành mạch. Với những gì thuộc nhạc cổ điển, giao hưởng là một khu riêng nên những nhà phê bình âm nhạc vẫn có thể lên tiếng bênh vực được. Bởi đó là những gì thuộc về thể loại âm nhạc trong sáng, hồn nhiên và chân thật. Còn về dòng nhạc giải trí, nếu các nhà phê bình âm nhạc động vào là “chết liền”, sẽ bị “đánh”, vùi dập ngay lập tức. Nói thật, vào thời điểm này, làm một việc tốt khó lắm, đôi khi điều tốt đó còn bị nghi ngờ đằng sau đó là cả một âm mưu khủng khiếp nào đó.
- Vậy chẳng lẽ không có bài thuốc nào giải quyết được sự hỗn loạn của âm nhạc hiện nay?
Theo tôi, để giải quyết được sự lũng loạn trong âm nhạc hiện nay, chúng ta cần đưa ra 3 vấn đề: Trước hết, âm nhạc phải được đưa vào trường học, đây chính là gốc rễ của mọi vấn đề. Sau nữa, cần sự quan tâm sát sao của Nhà nước, của Hội Nhạc sĩ, của chính những người làm nghệ thuật và yêu nghệ thuật. Cuối cùng là về truyền thông, cần phải có những bài viết sạch, chân thật về âm nhạc, không nên vị nể tình thân, hay vì lý do kinh tế nào đó, mà nhiều tờ báo sẵn sàng làm không đúng, làm sai với những gì sự thật đang được diễn ra.
- Theo ông, như thế có nguy hiểm không, nếu như thẩm mỹ của các thế hệ sau này sẽ bị lệch lạc?
Khi lớn lên rồi, người ta sẽ có thời gian nhìn lại, không thể đánh đồng những nhạc sĩ của thời trước với nhạc sĩ của dòng nhạc trẻ hiện nay. Bên cạnh một bộ phận giới trẻ thích nhạc mới, vẫn có một bộ phận tìm về với các tác phẩm âm nhạc truyền thống. Tôi rất tự hào hiện nay có những nhạc sĩ trẻ đang đi trên con đường nối tiếp các nhạc sĩ đi trước bằng những tác phẩm rất lớn. Như Trần Mạnh Hùng với các ca khúc và giao hưởng: Giấc mơ màu lá, Lệ Chi viên; Việt Anh có những ca khúc rất đẹp Không còn mùa thu, Dòng sông lơ đãng, Mưa phi trường và giao hưởng Khúc tưởng niệm, Vàng son. Rồi có những nhạc sĩ trẻ sáng tác tốt như Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Giáng Son... Mỗi thời đại có một vài gương mặt như thế là quá hay rồi. Họ đều là những người nối được quá khứ. Một thực tế là ngày nay truyền thông phát triển, khán giả buộc phải nghe quá nhiều thứ. Đó cũng chính là sự thử thách đối với người nghe.
MAI AN thực hiện