
Chỉ trong 6 năm, Nhạc trưởng Frans Rasmussen đã có tới 8 lần đến VN biểu diễn. Ông đến VN lần đầu tiên vào năm 2002, theo lời mời biểu diễn của Đại sứ quán Đan Mạch nhân ngày tưởng niệm danh hào Anderxen. Đối với các nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng TPHCM, ông là một vị nhạc trưởng “khó tính thích cười”. Ngày mai, 19.2, ông sẽ chỉ huy buổi biểu diễn tại nhà hát Thành phố, do Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM phối hợp với tổ chức âm nhạc Ultima của Na Uy thực hiện. Trước sự kiện này, PV SGGP đã có buổi trò chuyện cùng ông.
- PV: 14 năm làm giáo sư tại nhà hát giao hưởng Copenhagen, Đan Mạch, từng chỉ huy 50 dàn nhạc trên thế giới, ở những chuyến đến VN lần trước ông có nhận xét gì khi làm việc với dàn nhạc giao hưởng TPHCM những năm đầu?

- Nhạc Trưởng Frans Rasmussen: Thoạt đầu, tôi nhận thấy là cách làm việc của một số nhạc công còn thiếu kỷ luật. Khi vào tập, họ thiếu tập trung, còn “kéo” và “thổi” lung tung, đôi lúc còn nói chuyện trong khi tập, và đi trễ. Nhưng sau một thời gian làm việc với họ, tôi thông cảm, vì ở VN, các nhạc công chưa sống được bằng nghề.
- PV: Và nhận xét của ông khi trở lại VN lần này?
- Nhạc trưởng Frans: Mỗi lần tôi trở lại VN, tôi đều thấy họ tiến bộ hơn, không còn rề rà như trước. Tôi thích tính cách vui vẻ của họ, thân thiện và khôi hài, và biết lắng nghe, học hỏi. Tuy nhiên ở VN, họ chỉ tập 3 tiếng trong ngày, nhận bài phối khi đến phòng tập, và chỉ tập khi lên dàn nhạc.
- PV: Còn ở Đan Mạch, các nhạc công tập luyện thế nào?
- Nhạc trưởng Frans: Ở Đan Mạch, họ phải tập 5 tiếng một ngày, nhận bài trước 3 tuần, và chia nhóm tập trước khi ráp vào dàn nhạc.
- PV: Theo ông, Nhà hát giao hưởng TP còn điểm gì cần khắc phục?
Nhạc trưởng Frans: Nhà hát cần phải có thêm phòng tập khá, vì nhạc cụ Accoustic phải chơi trong một căn phòng cách âm hoàn toàn. Phòng tập hiện tại của nhà hát vẫn còn nhiều âm thanh xe cộ lọt vào, cả tiếng máy lạnh, tiếng bước chân bên ngoài. Ghế ngồi cho người chơi nhạc cũng phải cao hơn, có thành tựa lưng vì họ ngồi lâu dễ mệt mỏi.
- PV: Nhận xét của ông về các tác phẩm giao hưởng Việt Nam?
- Nhạc trưởng Frans: Tôi rất thú vị khi nghe những tác phẩm giao hưởng của các đồng nghiệp VN. Nó có âm sắc của đất nước các bạn. Tôi thích những tác phẩm có những âm hưởng dân ca.
Có lần biểu diễn tại một trường đại học, trước khi chơi, tôi kể cho các bạn sinh viên nghe cốt truyện (như truyện hoàng tử công chúa chẳng hạn), rồi bảo các bạn nhắm mắt lại tưởng tượng theo tiếng nhạc diễn tả câu chuyện. Họ rất thích và còn yêu cầu tôi chơi lại. Theo kinh nghiệm của tôi, lọai nhạc giao hưởng muốn được đông đảo công chúng đón nhận cần phải lồng vào cốt truyện.
- PV: Chương trình ngày mai sẽ gồm những tác phẩm gì?
Nhạc trưởng Frans: Trong chương trình sẽ có những tác phẩm thính phòng nước ngoài và tác phẩm Ngọc Trai đỏ của GS- NS Ca Lê Thuần.
- PV: Cuối cùng, là lời góp ý tâm huyết của ông đối với dàn nhạc giao hưởng TPHCM?
- Nhạc trưởng Frans: Tôi mong có sự thay đổi ở dàn nhạc giao hưởng của các bạn, bằng cách tập chuyên nghiệp hơn, truyền đạt những kinh nghiệm mà mình có để các nhạc công có cảm nhận sâu sắc hơn.
- PV: Cảm ơn Nhạc trưởng.
Xuân Nghĩa