Đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Mỹ

Nhân dân Mỹ cần hiểu rõ những nỗi đau của các nạn nhân

Nhân dân Mỹ cần hiểu rõ những nỗi đau của các nạn nhân
Nhân dân Mỹ cần hiểu rõ những nỗi đau của các nạn nhân ảnh 1

Các nạn nhân chất độc da cam

Vào ngày 12-11, đoàn đại diện nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) dẫn đầu sẽ lên đường sang Mỹ để mang thông tin về vụ kiện đến với nhân dân Mỹ.

Chiều qua, 10-11, tại Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân và 2 nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã có buổi gặp gỡ với báo chí trước khi lên đường. Tất cả 3 thành viên tham gia đoàn đều khẳng định: họ mong muốn nhân dân tiến bộ Mỹ, kể cả những người ở phía bên kia thấy rõ thực tế cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

°Giáo sư NGUYỄN TRỌNG NHÂN: Hiện nay các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và VAVA đang tiếp tục vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong 2 năm qua, công luận đã lên tiếng rất mạnh mẽ về vụ kiện này. Chúng ta cũng đã nói rõ tại sao các nạn nhân phải đi kiện các công ty Mỹ, mặc dù họ là những người phải chịu đựng điều kiện sống hết sức khó khăn. Thế nhưng, Tòa án sơ thẩm Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân. Vì vậy, chúng ta phải kháng án lên Tòa án phúc thẩm của Mỹ vào ngày 30-9-2005 vừa rồi. Vụ kiện sẽ tiếp tục vào năm 2006.

Để tạo điều kiện cho vụ kiện thắng lợi, chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc vận động để công luận thế giới ủng hộ, để họ hiểu rằng vụ kiện của chúng ta là vì công lý, là sự thật, là có cơ sở, không chỉ người Việt Nam trông thấy mà cả thế giới đã trông thấy.

Nhiều người dân Mỹ, kể cả các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cũng thừa nhận đó là sự thật. Tuy nhân dân thế giới hiểu rất rõ về vụ kiện và ủng hộ mạnh mẽ, nhưng rất đáng tiếc, nhiều người Mỹ chưa hiểu hết vấn đề, vì vậy quan điểm chưa rõ ràng.

Để nhân dân Mỹ hiểu rõ và lên tiếng (như họ từng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh), chúng tôi phải sang Mỹ. Đây là chuyến đi theo lời mời của 2 tổ chức phi chính phủ của Mỹ là Tổ chức chiến dịch trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình.

Chúng tôi sẽ có 1 tháng ở Mỹ. Hiện đã có rất nhiều nơi trên nước Mỹ mời đoàn nạn nhân chất độc da cam đến giao lưu. Tuy nhiên, theo lịch trình, chúng tôi sẽ có mặt ở 12 thành phố lớn của Mỹ như Washington, New York, Chicago, Boston, San Francisco… Đoàn sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tình hình nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam bằng phim tư liệu, tổ chức nói chuyện, trưng bày tranh ảnh, tư liệu…

Mục tiêu là giúp nhân dân Mỹ có thể hình dung rõ nhất về hậu quả của chiến tranh ở Việt Nam, về vụ kiện, về những chính sách hỗ trợ nạn nhân… của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

 ° Bà ĐẶNG THỊ HỒNG NHỰT (69 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM): Trong chiến tranh, việc rải chất độc hóa học của Mỹ là đều khắp các tỉnh miền Nam, tôi là một công dân bình thường và đã bị nhiễm độc. Đầu năm 1965, trong một chuyến đi từ Tây Ninh đến Củ Chi thì tôi gặp bom Mỹ rải chất độc. Năm 1972, tôi quay lại sống ở vùng Bình Long, Phước Long, Tây Ninh cho đến năm 1975. Trong suốt thời gian này, tôi bị ngứa toàn thân và bị tiêu chảy liên tục. Trước năm 1960, tức là trước khi bị nhiễm độc, tôi đã sinh một đứa con lành lặn, thông minh.

Sau năm 1975, tôi muốn có thêm nhiều con nhưng đã 3 lần bị hỏng thai; lần thứ tư, tôi bị thai lưu và khi lấy thai ra, thai đã bị dị dạng (hiện vẫn còn lưu ở Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM). Từ đó, bác sĩ khuyên tôi không nên có con nữa vì đã bị nhiễm độc. Bản thân tôi từ đó cũng bị bệnh tật liên miên. Năm 2002, tôi phải cắt bỏ khối u ở ruột, năm 2003 phải mổ u tuyến giáp. Chồng tôi cũng bị nhiễm chất độc da cam và mất vì bệnh ung thư năm 1999.

°Ông HỒ SĨ HẢI (61 tuổi, Thái Bình): Tôi là chiến sĩ lái xe đoàn 559. Trong những năm chống Mỹ, việc tiếp xúc với chất độc da cam là gần như hàng ngày. Bản thân tôi bị bệnh đường tiêu hóa và u xơ tiền liệt tuyến. Vợ tôi mang thai 6 lần thì 2 lần thai chết lưu, 1 con sinh ra dị dạng đã chết. Hiện tôi có 3 con còn sống thì 2 con bị câm-điếc hoàn toàn, một cháu bị tâm thần phân liệt, một đứa cháu nội của tôi cũng bị dị dạng. Cuộc đời của tôi đã cùng cực như vậy, nhưng so với 27.934 nạn nhân chất độc da cam ở Thái Bình, nỗi đau của tôi vẫn còn “nhẹ nhàng”. Bởi ở Thái Bình nói riêng và nhiều nơi trên đất nước Việt Nam nói chung, còn có những nạn nhân khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng, không còn là dị tật nữa, mà là “quái tật”. Đến Mỹ, tôi sẽ nói hết những gì tôi đã chứng kiến ở đất nước Việt Nam, nói về nỗi đau tột cùng mà chúng tôi đã phải chịu đựng suốt mấy chục năm qua. Tôi muốn rằng, những người thu được lợi từ những tác hại đó, những di chứng đó phải thấy được trách nhiệm của mình. Nhân dân Mỹ cũng cần hiểu hết những đau khổ, cùng cực nhất của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ª

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục