Nhạt phai kịch truyền hình

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thế hệ khán giả trước đây thường nhắc về những chương trình xưa, bởi dấu ấn mà các chương trình này để lại trở thành ký ức đẹp.
Vở kịch "Người tử tế nhà đầu hẻm" trong Chuyện bốn mùa
Vở kịch "Người tử tế nhà đầu hẻm" trong Chuyện bốn mùa

Trong nhà ngoài phố, một chương trình kịch truyền hình được nhiều khán giả nhắc nhớ, bởi những câu chuyện hài như thật, như chính hơi thở cuộc sống hàng ngày mà qua từng lời thoại, tiếng cười, chúng tôi có thể tìm thấy đâu đó là câu chuyện của hàng xóm xung quanh, thậm chí là chính mình trong đó. Tuy nhiên, sau gần 2 thập niên lên sóng, đến đầu năm 2003, Trong nhà ngoài phố nói lời tạm biệt, khiến nhiều khán giả tiếc nuối. Một chương trình kịch truyền hình cũng được lên sóng tiếp sau đó, tạm gọi là phiên bản của Trong nhà ngoài phố, tuy nhiên không thu hút được chúng tôi, sau vài mùa cũng dừng hẳn.

Sức hút của một vở kịch truyền hình chính là những tiếng cười mang đậm hơi thở cuộc sống, cười một cách lắng đọng với những câu chuyện đời, những bài học mà con người ta dần hoàn thiện chính mình tốt hơn. Và kịch bản của Trong nhà ngoài phố là thế, tinh tế từng lời thoại và gần như “đo ni đóng giày” cho mỗi diễn viên để có thể bộc lộ hết sở trường toát lên đúng tính cách, điệu bộ của nhân vật. Những Quốc Hòa, Kim Ngọc, Phú Quý hay Kim Xuân… đến với chúng tôi thân tình và giản dị qua vai diễn của mình. 

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chương trình kịch truyền hình được xây dựng kịp thời để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả tại gia và tạo điều kiện để nghệ sĩ duy trì hoạt động. Phần nhiều những câu chuyện phản ánh kịp thời theo thời sự đang được quan tâm, bài học về tin giả - tin thật cũng được lồng ghép để giáo dục một cách ý nhị. Tuy nhiên, ấn tượng sâu đậm với khán giả gần như không có, chỉ đơn thuần là một hình thức giải trí tạm thay cho việc ra ngoài và để duy trì kịch truyền hình kiểu này ở đường dài, không phải là chuyện dễ dàng.

Nhu cầu xem kịch của khán giả vẫn còn, nhất là khoảng thời gian cuối năm, người ta cần tiếng cười thư giãn sau những bộn bề, vất vả. Và trong ngày tết, chương trình hài kịch lại càng được chuộng bởi tiếng cười, niềm vui ngày đầu năm được cho là điều tốt. Để có thể “sống được” với truyền hình, kịch truyền hình cần thay đổi nhiều hơn về mặt diễn viên, kịch bản. Đặc biệt, những tiếng cười như đời thật cần được chú trọng, vì đó là yếu tố cần thiết để kéo khán giả, chứ không phải người nghệ sĩ thể hiện cái tôi quá đà trong từng lời thoại, diễn xuất dẫn đến phô quá mức, không tiết chế được cái tôi của chính mình như nhiều diễn viên hài, được xưng tụng là “danh hài” đã lạm dụng thời gian qua.

Và cũng phải nhìn nhận một điều, sự phổ biến của vlog, web drama… khiến kịch truyền hình ngày càng mờ nhạt với khán giả. Để có thể cạnh tranh được trước sự bùng nổ của những nền tảng giải trí trên mạng xã hội, kịch truyền hình cần phải tự làm mới mình nhiều hơn để kéo khán giả. Những chương trình Gặp nhau cuối năm một thời luôn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu trong những đêm giao thừa của nhiều gia đình. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, Táo quân giảm ấn tượng nếu không muốn nói, một số chương trình “nhạt như nước ốc”. 

Chúng tôi vẫn muốn được sống trong thời hoàng kim của kịch truyền hình, nhất là kịch đời sống, kịch hài thâm thúy…, đó là mong muốn chính đáng, nhưng e là khó thực hiện trong thời điểm hiện tại, bởi thiếu kịch bản, thiếu diễn viên “duyên” và thiếu cả những người tâm huyết với dòng kịch truyền thống này.

Tin cùng chuyên mục