Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc:

Nhiều cơ hội để ĐBSCL phát triển

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc:
Nhiều cơ hội để ĐBSCL phát triển

Trong 2 ngày 2 và 3-6-2005, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn và các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG). Tại đây, các nhà tài trợ đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của nước ta, nhất là việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch 5 năm 2006-2010. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc xung quanh các vấn đề bức xúc để cải thiện môi trường đầu tư của nhà tài trợ.

- PV:
Thưa Bộ trưởng, Hội nghị CG giữa kỳ là diễn đàn không chính thức để bàn các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân các dự án ODA cho Việt Nam. Ngoài nội dung trên, các nhà tài trợ còn quan tâm đến vấn đề nào khác?

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Hội nghị CG giữa kỳ năm nay đã dành trọn một ngày cho phiên họp kỹ thuật để thảo luận các chủ đề về tình hình chuẩn bị kế hoạch 5 năm 2006 -2010 của nước ta. Các nhà tài trợ đã có nhiều ý kiến đóng góp rất xác đáng, đặc biệt là các ý kiến về vấn đề xã hội, những thách thức đặt ra và các giải pháp phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, giao thông… và cải cách hành chính, luật pháp trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO.

Nhiều cơ hội để ĐBSCL phát triển ảnh 1

Nhà máy sản xuất bao bì Cần Thơ.

Trước đây, chúng ta thường chỉ chú ý đến các vấn đề kinh tế. Nhưng hiện nay, phát triển đòi hỏi phải hài hòa kinh tế - xã hội để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Những ý kiến trên đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư lưu tâm trong việc chuẩn bị dự thảo kế hoạch 2006-2010.

- Hội nhập quốc tế đang là xu thế tất yếu nhưng cũng đầy khó khăn và thách thức. Các nhà tài trợ giúp đỡ chúng ta những gì để đẩy nhanh quá trình này?

- Các đại biểu đã có những đóng góp thẳng thẳn, chí tình và chia sẻ cùng Việt Nam những khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế luôn đi kèm với các yếu tố cạnh tranh và thách thức rất lớn, nhưng chúng ta đòi hỏi một sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng và các nhà tài trợ cũng đã lên tiếng nói đòi bình đẳng cho Việt Nam. Ủng hộ Việt Nam tham gia WTO là ủng hộ sự cạnh tranh bình đẳng giữa các quốc gia đang phát triển, giúp nông dân xuất khẩu hàng hóa, cải thiện thu nhập và chất lượng sống. Theo qua điểm của tôi, đó là sự viện trợ lớn nhất.

- Có ý kiến cho rằng Việt Nam giải ngân nguồn vốn ODA chậm hơn các nước, Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc này?

- Đúng là trong thời gian đầu, chúng ta giải ngân vốn ODA lâu hơn một số nước. Chúng ta có trên 20 nhà tài trợ khác nhau, mỗi nhà tài trợ có qui chế riêng, đó là chưa kể những nguyên nhân từ phía chúng ta. Nhưng hiện nay Việt Nam đã làm tốt hơn. Trong thời gian gần đây, các nhà tài trợ đã thừa nhận rằng Việt Nam giải ngân nhanh và trong thời gian sắp tới sẽ nhanh hơn nữa. Hiện nay, Chính phủ và các nhà tài trợ đang tiến tới một sự đồng thuận về hài hòa hóa thủ tục để giải ngân ODA tốt hơn.

- Thưa Bộ trưởng, tại sao chúng ta chọn Cần Thơ chứ không phải Hà Nội hay TPHCM để tổ chức CG giữa kỳ?

- Tổ chức hội nghị ở Cần Thơ không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên mà là chủ ý của chúng tôi. ĐBSCL tuy là một vùng trù phú, nhưng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu nguồn nhân lực về xã hội, y tế, giáo dục… chỉ đứng hàng thứ 5 trong các khu vực, nghĩa là chỉ trên khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Chúng tôi mong muốn đưa các nhà tài trợ về đây để họ thấy được triển vọng của vùng được gọi là có tiềm năng lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Từ đó, các nhà tài trợ hỗ trợ nhiều hơn cho chúng ta để phát triển cơ sở hạ tầng về kinh tế như: giao thông, bến cảng, sân bay, các nhà máy điện… đồng thời chú ý hơn nữa về cơ sở hạ tầng xã hội như: trường học, bệnh viện...

- Như vậy, ĐBSCL sẽ chuẩn bị những gì cho cơ hội sắp tới?

- Tôi nghĩ rằng không phải chuẩn bị mà là một quá trình liên tục và các địa phương đã chuẩn bị rồi. Hiện nay các tổ chức ngành dọc của bộ như các sở kế hoạch – đầu tư đã tiếp cận quen thuộc với các nhà tài trợ. Hiện nay trong chương trình cụ thể của ĐBSCL về nông thôn, giáo dục, y tế đã tiếp nhận rồi. Chỉ có một điều là chúng ta mong muốn các nhà tài trợ thấy được tiềm năng của ĐBSCL nhiều hơn, từ đó họ có thể điều chỉnh chính sách, viện trợ nhiều hơn đối với khu vực này.

- Tại hội nghị CG cuối tháng 12-2004, các nhà tài trợ cam kết viện trợ cho Việt Nam 3,4 tỷ USD. Liệu nguồn viện trợ có tăng lên sau hội nghị này?

- Có viện trợ thêm hay không tùy tình hình tài chính của mỗi quốc gia. Ví dụ như Việt Nam cũng có chỉ tiêu ngân sách riêng. Chúng tôi hy vọng rằng nguồn viện trợ năm nay sẽ khá hơn năm trước.

- Xin cám ơn Bộ trưởng.

PHONG-TRƯỜNG  thực hiện
 

Tin cùng chuyên mục