Nhiều cuộc chiến dai dẳng - Bài 2: Tìm lối thoát cho các cuộc xung đột

Trong bất kỳ cuộc chiến nào, dân thường vẫn là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Chấm dứt cảnh tượng những hàng dài người tị nạn, trốn chạy bom đạn ở quê nhà chắc chắn là mong muốn của rất nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Nhân viên Liên hợp quốc hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân Syria
Nhân viên Liên hợp quốc hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân Syria

Giải pháp 2 nhà nước

Theo trang hk01.com, những năm qua, Chính phủ Israel nhiều thời kỳ theo đuổi kế hoạch hòa giải với thế giới Ả Rập. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có Hiệp định Abraham, trong đó Israel bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bahrain, Morocco, Sudan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang tích cực thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và Saudi Arabia. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết, Israel và Saudi Arabia đang ngày càng tiến gần hơn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hơn nữa, khi Mỹ từng bước ổn định quan hệ với Iran thông qua việc trao đổi tù nhân, Israel phản ứng một cách đáng ngạc nhiên khi không lên tiếng phản đối về chính sách ngoại giao Mỹ - Iran như khi đàm phán thỏa thuận hạt nhân dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Từ những diễn biến này, có thể thấy Israel đã nhận ra rằng các nước trong khu vực nhìn chung đã “ngán” những tranh chấp giữa Israel và Palestine. Cho dù không thực hiện giải pháp hai nhà nước, chỉ cần Israel xoa dịu người Palestine ở một mức độ nhất định, việc xích lại gần thế giới Ả Rập sẽ không bị cản trở, sự đối kháng giữa Israel và Iran có thể được quản lý trong giới hạn có thể chấp nhận được.

Nói một cách đơn giản, Israel, và thậm chí cả các nước Ả Rập trong khu vực, đều tin rằng vấn đề liên quan Palestine đủ nhỏ để có thể gạt sang một bên. Tuy nhiên, cuộc tấn công vừa qua của phong trào Hồi giáo Hamas cho thấy vấn đề liên quan đến Palestine tuy nhỏ nhưng lại là một quả bom hẹn giờ sẽ phát nổ liên tục nếu không được giải quyết thỏa đáng.

Nếu Israel thay đổi chiến lược phong tỏa Dải Gaza, chuyển sang gửi quân đến để kiểm soát khu vực này, xung đột tại Dải Gaza sẽ leo thang hơn nữa, ít nhất là dưới hình thức chiến tranh ở Dải Gaza. Ngay cả khi thế giới Ả Rập đứng sang một bên, nó sẽ phá hủy hoàn toàn cục diện địa lý của Israel.

Theo giới quan sát, giải pháp hai nhà nước luôn là giải pháp duy nhất cho vấn đề giữa Israel và Palestine. Sau hơn hai thập kỷ, ít người còn thực sự tin rằng giải pháp hai nhà nước là phù hợp với thực tế. Mặc dù vậy, cũng không có định hướng và tầm nhìn tương lai nào có thể mang lại hòa bình, hòa hợp lâu dài giữa Israel và Palestine như giải pháp hai nhà nước. Nếu Israel chỉ dùng sức mạnh cứng để giải quyết vấn đề thì quả bom hẹn giờ xung đột tiếp tục phát nổ.

Cho dù ai thắng trong cuộc chiến mới ở Dải Gaza, tình hình bất ổn sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài.

Xây dựng lòng tin

Tháng 3 vừa qua, trong bài phát biểu đánh dấu 12 năm cuộc xung đột tại Syria, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Geir Pedersen nhấn mạnh, Syria đã bị xung đột tàn phá, chia cắt và nghèo đói trầm trọng.

“Nếu không có một giải pháp chính trị toàn diện - một giải pháp khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cho phép người dân Syria quyết định tương lai của chính mình thì nỗi đau của người dân Syria sẽ còn tồn tại”, ông Pedersen nói.

Theo ông Pedersen, hỗ trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế dành cho Syria trong trận động đất hồi tháng 2 vừa qua có thể là gợi mở về một bước ngoặt cho cuộc xung đột ở quốc gia này.

“Chúng ta cần thấy một lôgíc tương tự được áp dụng trên mặt trận chính trị để giúp tìm ra con đường phía trước. Đó là các biện pháp xây dựng lòng tin từng bước, nối lại và thúc đẩy các cuộc đàm phán thực chất về hiến pháp cũng như nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn trên toàn quốc”, ông Pedersen cho biết.

Giới quan sát nhận định để giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới hiện nay, cần có sự tham gia tích cực và chân thành của tất cả các bên liên quan, cả trong và ngoài nước. Các bên cần có sự tôn trọng lẫn nhau,thỏa hiệp và hợp tác để tìm ra một giải pháp bền vững, công bằng cho các quốc gia đang chìm trong xung đột.

Vai trò giám sát của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc là rất quan trọng, bởi các tổ chức này sẽ đảm bảo việc thực hiện đúng các thỏa thuận được ký kết. Và quan trọng nhất, các giải pháp chính trị cần có sự tham gia và lựa chọn của người dân để xây dựng một tương lai hòa bình, ổn định và phát triển cho quốc gia của họ…

Tin cùng chuyên mục