
Năm học mới đã bắt đầu. Trong bộn bề những vấn đề mà ngành giáo dục đang phải đối đầu thì nỗi lo thiếu phòng học đã trở thành sự thật ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa.
ĐBSCL: học chạy lũ
ĐBSCL đang ráo riết chuẩn bị cho năm học mới. Một số trường ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang đã tập hợp học sinh từ cuối tháng 8. Huyện Hòn Đất (Kiên Giang) - rốn lũ của vùng tứ giác Long Xuyên - đã có nhiều trường khai giảng năm học từ giữa tháng 8. Trong năm học mới này, các địa phương vùng ngập lũ ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ… sẽ hạn chế tối đa tình trạng học sinh phải nghỉ học do lũ lớn do hầu hết trường lớp đều được xây mới, nâng cấp, sửa chữa cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Tuy nhiên, các địa phương ở ĐBSCL cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên.

Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) khai giảng năm học mới.
Ở các huyện đầu nguồn lũ của tỉnh Đồng Tháp như Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, học sinh không phải nghỉ học, hoặc khai giảng sớm để tránh lũ vì các trường học đã được nâng cao hơn so với đỉnh lũ năm 2000.
Đồng Tháp mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 700 phòng học trong chương trình kiên cố hóa trường lớp, 300 phòng còn lại đang được xây dựng. Trước mắt tỉnh cho xây dựng các phòng học tạm bằng vật liệu tiền chế, không để xảy ra tình trạng học ca 3. An Giang đến nay mới hoàn thành xây dựng hơn 50 trong số 355 phòng học dự kiến xây mới. Số còn lại đang gấp rút hoàn thành, nhưng khả năng chỉ có thêm 16 phòng học mới hoàn thành kịp khai giảng.
Trong khi đó, Kiên Giang quyết định cho ứng trước ngân sách 10 tỷ đồng để thay thế 269 phòng học xuống cấp nặng nề từ nay đến cuối năm 2006. Long An tiếp tục duy trì 2 biên chế năm học với tổng số 280.000 học sinh các cấp được huy động ra lớp.
Biên chế 1 khai trường vào ngày 5-9 và biên chế 2 dành cho các huyện thuộc vùng ngập lũ sâu khu vực Đồng Tháp Mười (gồm: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng Vĩnh Hưng), khai trường vào ngày 15-11. Còn Cà Mau có thêm 370 phòng học mới thuộc chương trình kiên cố hóa vừa hoàn thành. Nhưng các huyện mới chia tách như Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân... thiếu phòng học trầm trọng. Tại huyện Trần Văn Thời, bố trí xây dựng 22 điểm trường với 178 phòng học, nhưng đến nay chỉ hoàn thành được một nửa.
Miền Trung, Tây Nguyên: Thiếu phòng học nghiêm trọng
5 tỉnh Tây Nguyên đã đưa hơn 2.500 phòng học mới vào sử dụng chủ yếu từ nguồn vốn kiên cố hóa trường học theo Quyết định 159 của Chính phủ. Trong đó, nhiều nhất là Gia Lai với 1.000 phòng và Lâm Đồng với 400 phòng. Các tỉnh đã trích ngân sách hơn 30 tỷ đồng để cấp phát sách, vở cho học sinh (HS) dân tộc thiểu số, HS nghèo.
Tuy nhiên, do sĩ số HS tăng quá nhanh; bình quân mỗi tỉnh tăng 20 trường so với năm học trước và nhất là do tiến độ triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp chậm nên Tây Nguyên vẫn thiếu phòng học. Toàn khu vực còn hơn 2.000 phòng học tạm tập trung ở các vùng sâu, vùng kinh tế mới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, riêng Kon Tum có đến 635 phòng học tạm mượn của nhà dân hay tranh, tre, nứa lá; Gia Lai cũng còn khoảng 600 phòng học tạm. Khá nhất như tại Lâm Đồng thì học sinh ở một số trường vùng sâu và ngay cả đô thị vẫn phải học 2 ca.
Tại Bình Định, gần 39.000 học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Tuy Phước đã chính thức bước vào năm học mới 2006-2007 trước ngày khai giảng khoảng 1 tuần để đến mùa mưa lũ học sinh có thể nghỉ bù mà vẫn đảm bảo chương trình cũng như chất lượng giáo dục.
Tuy Phước là một huyện trũng, thường xuyên bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Huyện đã đầu tư gần 9 tỷ đồng xây dựng mới 62 phòng học, sửa chữa 12 phòng học bị hư hỏng, xuống cấp, đóng mới 1.400 bộ bàn ghế; 272 bảng chống lóa cùng các trang thiết bị dạy, đồ dùng dạy học khác cấp cho các trường; trang bị 80 máy vi tính cho các trường chuẩn quốc gia.
Trong khi đó tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 108 tỷ đồng xây mới, sửa chữa 964 phòng học, trong đó xây mới 317 phòng học, 24 phòng giáo viên, nhà công vụ và các hạng mục khác tại 17 cơ sở giáo dục. Ngoài ra, sở và phòng giáo dục cũng tiếp tục đầu tư để hoàn thành tiếp 239 phòng học và một số hạng mục tại 16 cơ sở giáo dục trong những tháng cuối năm 2006. Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Quảng Nam đã chuyển sách giáo khoa, vở học sinh cho các huyện miền núi. Đặc biệt, 3.000 bảng viết phấn chống lóa sẽ được trang bị cho 100% trường tiểu học trong tỉnh.
Thái Nguyên: Phát động phong trào “hai không” |
NHÓM PV