Nhiều hệ lụy khi cầm cố giấy tờ xe

Lãi suất 9% - 10%/tháng
Nhiều hệ lụy khi cầm cố giấy tờ xe

Gần đây, nhiều tiệm cầm đồ cho khách hàng cầm cố giấy tờ xe máy, ô tô, chứ không cần phải thế chấp xe. Tưởng là thuận tiện, nhưng thực ra người cầm cố phải chấp nhận vay với lãi suất rất cao và cũng dễ dàng bị xiết mất tài sản.

Lãi suất 9% - 10%/tháng

Chỉ cần mang giấy tờ xe đến cầm cố tại tiệm cầm đồ, không phải giao xe để thế chấp - đó là phương thức cầm đồ mới với lãi suất “cắt cổ”. Để thực hiện giao dịch này, người cầm cố phải có xe giấy tờ chính chủ, hộ khẩu TPHCM, mang theo giấy tờ xe đi cùng chủ tiệm cầm đồ ra phòng công chứng để công chứng theo dạng hợp đồng mua bán xe. Với phương thức này, người cầm cố vẫn còn giữ chiếc xe của mình để đi lại; còn chủ tiệm cầm đồ không phải giữ lại xe trong tiệm chật chội.

Nhiều tờ bướm dán trụ điện quảng cáo cầm đồ được 80% giá trị, nhưng thực tế lãi suất rất cao

Anh Đinh Mạnh Tùng vừa bị xiết mất chiếc xe máy cũng là “cần câu” để kiếm tiền nuôi cho gia đình, kể lại tình cảnh của mình: “Khi công an đến nhà hỏi tôi sao không chịu giao xe cho chủ mới, tôi mới hay chiếc xe của mình đã bị chủ tiệm cầm đồ bán cho người khác. Trước đó, do cần tiền để mua sắm đồ nghề kinh doanh buôn bán quán ăn, tôi mang giấy tờ xe máy đến tiệm cầm cố. Tuy phải chịu lãi suất 10%/tháng và phải đóng tiền lãi theo ngày, nhưng vẫn còn có xe để lo công việc buôn bán, nên tôi chấp nhận. Cứ nghĩ, khi kinh doanh buôn bán được sẽ có tiền trả nhanh. Nhưng rồi sau 3 tháng tôi vẫn không trả nổi tiền gốc và vẫn còn nợ 1 tháng tiền lãi. Chủ tiệm đã tự cầm giấy tờ xe đem bán sang tên cho người khác, rồi chủ mới bắt buộc tôi giao xe. Trong hợp đồng công chứng ghi lãi suất chỉ có 1% nên công an cũng không thể nói chủ tiệm cầm đồ cho vay cắt cổ. Nếu tôi không giao xe cho chủ mới thì sẽ phạm tội”.

Dễ kiếm lợi như vậy nên hiện nay, nhiều chủ tiệm cầm đồ tận dụng phương thức nhận cầm cố giấy tờ xe, rao quảng cáo tràn lan trên các cột điện. Nội dung rao quảng cáo thấy thật hấp dẫn, như: “Cầm cà vẹt không cần thế chấp xe, cầm 80% giá trị”. Theo số điện thoại rao trên tờ bướm quảng cáo, chúng tôi thử gọi và nghe một người phụ nữ tư vấn: “Nhận cầm 80% trị giá xe theo thời điểm hiện tại. Một ngày đóng lãi suất 3.000 đồng cho 1 triệu đồng vay, tức là 9%/tháng. Mỗi ngày phải đóng tiền lãi, còn tiền gốc thì phải trả dần dần”.

Giấy tờ xe photocopy: Không hợp lệ!

Chúng tôi lại thử gọi đến một số điện thoại khác cũng rao quảng cáo nhận cầm giấy tờ xe và cũng được cho hay: “Nhận cầm giấy tờ xe với lãi suất 9%/tháng. Nếu giấy tờ xe không chính chủ thì phải có sổ hộ khẩu, nếu diện tạm trú KT3 thì phải kèm theo hóa đơn tiền điện, tiền nước trong vòng 3 tháng. Phải lên văn phòng công chứng ký kết hợp đồng”. Chúng tôi hỏi rằng trong hợp đồng có ghi rõ lãi suất 9%/tháng hay không thì được cho biết: “Mức lãi suất ghi trên hợp đồng chỉ 1%/tháng theo quy định của nhà nước, còn mức lãi suất thực tế 9% là thỏa thuận miệng. Yên tâm đi, giấy tờ xe sẽ được photocopy có dấu công chứng kèm theo dấu mộc của công ty chúng tôi có chức năng kinh doanh cầm đồ. Dùng giấy tờ xe photocopy chạy xe đi cả nước cũng không sao!”. 

Chúng tôi gặp cơ quan cảnh sát giao thông (CSGT) để tìm hiểu xem giấy tờ xe photocopy như vậy có được chấp nhận khi CSGT kiểm tra không, thì được cho biết: Đối với giấy tờ xe photocopy được tiệm cầm đồ đóng mộc tròn công ty không thể xem là hợp lệ. Bởi nếu như vậy vẫn được xem là giấy tờ hợp pháp thì rất dễ dẫn đến việc “xã hội đen” núp bóng đằng sau để hợp thức hóa cho xe gian. Các công ty kinh doanh có chức năng cầm đồ đã có con dấu hợp pháp để sử dụng, nhưng CSGT không quản lý giấy phép kinh doanh của công ty đó; còn người cầm cố cũng không thể có giấy phép kinh doanh của công ty cầm cố.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục