Chiều 31-8, Đoàn giám sát của UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã làm việc với UBND TPHCM về các chính sách đối với dân nhập cư và kết quả sau 2 năm thực hiện Đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai nghiện (Đề án sau cai nghiện) trên địa bàn TPHCM.
- Cần có chính sách về di dân ở tầm vĩ mô

Người sau cai nghiện được đào tạo nghề trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
Báo cáo với đoàn giám sát, bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH TPHCM cho biết, năm 2000, TPHCM có 853.158 người đăng ký tạm trú. Thế nhưng đến tháng 10-2004, số người tạm trú đã tăng vọt lên đến 1.844.548 người, chiếm trên 30% tổng số dân của TP. 70% người đăng ký tạm trú đang trong độ tuổi lao động.
Số lao động tạm trú thường tập trung ở các quận ven, nhất là ở khu vực có các KCX-KCN. Lao động nhập cư vào TPHCM tăng nhanh là do các ngành gia công xuất khẩu như giày da và may mặc rất khó tuyển dụng lao động tại chỗ.
Trên thực tế, lao động nhập cư đã góp phần đóng góp 30% GDP của TP. Bà Hoàng nhấn mạnh: “TPHCM không phân biệt lao động thường trú hay tạm trú trong chính sách giải quyết việc làm. Các trung tâm, chi nhánh, các doanh nghiệp giới thiệu việc làm tiếp nhận đăng ký tìm việc không phân biệt nơi cư trú. Họ cũng được hưởng đầy đủ các quyền lợi khác như lao động tại chỗ”.
Trước đó, khi đoàn làm việc với Viện Kinh tế TPHCM, cơ quan này đã phân tích, lao động nhập cư không hoàn toàn là những người đăng ký tạm trú, vì đã có rất nhiều lao động nhập cư đã được nhập hộ khẩu. Nếu như trước đây dân nhập cư vào TPHCM chủ yếu là người miền Trung, miền Bắc, chủ yếu là nam giới thì những năm gần đây chủ yếu là người miền Đông và miền Tây Nam Bộ và hầu hết là giới trẻ.
Tuy nhiên trước làn sóng dân nhập cư, TPHCM cũng đang đứng trước áp lực về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội khác. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là áp lực về nhà ở cho lao động nhập cư. Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM Trần Du Lịch dự báo và kiến nghị với đoàn giám sát: Để không bị động như hiện nay cần nghiên cứu về di dân ở tầm vĩ mô cả nước để có căn cứ hoạch định các chính sách và biện pháp giải quyết việc làm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề…
- Đề án sau cai nghiện: Tạo được sự đồng thuận xã hội
Cũng tại cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH TPHCM cho biết: Đã có gần 100 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng tại các trường, trung tâm cai nghiện, giải quyết việc làm cho trên 10.000 người sau cai nghiện với thu nhập 10.000-15.000 đồng/ngày. Hiện nay, người sau cai nghiện không chỉ đóng góp tiền ăn, trang trải sinh hoạt mà còn gửi tiết kiệm được trên 400 triệu đồng.
TPHCM cũng đã định hướng việc làm lâu dài cho người sau cai nghiện với nhiều mô hình làng định cư, Tổng đội lao động tình nguyện… giúp cho người sau cai nghiện đoạn tuyệt với quá khứ khi tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, TPHCM đã nâng cấp mở rộng 20 trường, trung tâm cai nghiện; xây mới 30 nhà xưởng sản xuất chế biến, điển hình là cụm công nghiệp Nhị Xuân với tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng. Hiện đã có 45 đơn vị đăng ký đầu tư sản xuất, sau khi hoàn thành cụm công nghiệp này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 người sau cai nghiện.
Qua kết quả trên và quá trình khảo sát thực tế tại các trường và trung tâm cai nghiện, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu nhận định: Sau hai năm thực hiện Đề án sau cai nghiện, TPHCM “được nhiều lắm!”. Và theo bà, cái được lớn nhất của TPHCM là tìm lại nhân cách cho hơn 30.000 người nghiện, tiết kiệm cho xã hội được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ khoản chi hoang phí do hút chích, góp phần kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn.
Đến nay, các cơ sở cai nghiện của TPHCM đã khang trang, đội ngũ cán bộ đã được đào tạo chuyên môn. Việc thực hiện Đề án sau cai nghiện đã tạo được sự đồng thuận lớn của toàn xã hội, nhiều tổ chức, tôn giáo, doanh nghiệp cũng đã chung sức với chính quyền thực hiện thành công đề án. Hiện nay Đề án sau cai nghiện đã được nhân rộng thực hiện ở một số tỉnh và thành phố khác. Nhưng bà cho rằng bước quan trọng quyết định sự thành công của đề án hiện nay là làm trong sạch địa bàn để cho người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, TPHCM không phải đã hết khó khăn do người nghiện ma túy đều có sức khỏe kém, trình độ văn hóa thấp, rất nhiều trong số đó đã có tiền án, tiền sự nên rất khó khăn trong việc quản lý, đào tạo nghề. Tỉ lệ nhiễm HIV trong học viên hiện nay cao, nhiều người đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. TPHCM đã xây một khu riêng để chăm sóc cho các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối với quy mô 200 giường, sắp tới sẽ nâng cấp thành bệnh viện với quy mô 1.000 giường. Nhưng việc chăm sóc cho đối tượng này cũng đòi hỏi TPHCM nhiều nỗ lực hơn nữa, nhất là nguồn nhân sự phục vụ tại các cơ sở này.
HỒ VIỆT