Viết theo yêu cầu bạn đọc

Dự án cải tạo kênh Ba Bò (quận Thủ Đức): Tăng kinh phí, thêm… nỗi lo

Đi không được, ở không xong
Dự án cải tạo kênh Ba Bò (quận Thủ Đức): Tăng kinh phí, thêm… nỗi lo

Tháng 10-2008, dự án cải tạo kênh Ba Bò (Thủ Đức) được khởi công. Đã gần 1 năm trôi qua, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, mà kinh phí đầu tư tăng hơn 2 lần. Thay vào niềm hân hoan của người dân trong ngày đầu khởi động dự án, nay là nỗi lo: tiền đền bù quá thấp và người dân không biết đi đâu, về đâu...

Kênh Ba Bò vẫn còn ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Kênh Ba Bò vẫn còn ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đi không được, ở không xong

Nạn ô nhiễm từ kênh Ba Bò là nỗi ám ảnh đối với hàng trăm gia đình thuộc phường Bình Chiểu quận Thủ Đức. Vào tháng 10-2008, dự án cải tạo kênh được khởi công, gồm các hạng mục: kênh chính dài 1.700m, kênh nhánh dài 865m và hồ chứa, với tổng kinh phí 304 tỷ đồng, trong đó TPHCM góp 202 tỷ đồng, phần còn lại do tỉnh Bình Dương đóng góp.

Theo dự án, 250 hộ dân phải di dời, trong đó có 99 hộ phải giải tỏa trắng. Người dân rất đỗi vui mừng vì từ đây không còn cảnh sống chung với ô nhiễm. Nhưng gần 1 năm trôi qua, dự án vẫn chưa xong phần giải phóng mặt bằng, còn kinh phí thực hiện dự án lại tăng lên 704 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở số 1173/1 QL 42 tổ 7, phường Bình Chiểu, đã bỏ việc cả tuần để đi kiếm chỗ ở mới cho gia đình nhưng chưa tìm ra nhà trọ vừa túi tiền, khi thời gian giao nhà đã cận kề. Ông Dũng cho biết, quận ra quy định, người dân mua đất trong khu tái định cư mới được cấp tiền tạm cư, với mức 700.000 đồng/người, trong thời gian 6 tháng, nếu không thì chỉ được hỗ trợ tiền thuê nhà 2 triệu đồng/hộ. “Nhà tôi ở mặt tiền cũng chỉ nhận chừng 900 triệu đồng, những hộ ở trong khu dân cư còn thấp hơn nhiều thì lấy đâu ra tiền mua đất dự án để được hưởng tiền tạm cư”, ông nói.

Bà Dương Thị Chiêm, 75 tuổi, ở số 1072 QL 43 tổ 7, ở nhà thuê 3 tháng nay, vì nhà đã tháo dỡ để giao mặt bằng. Trong căn phòng trọ nhỏ, bà Chiêm tâm sự: “Tôi gương mẫu tháo dỡ nhà trước, giờ quá thiệt thòi. Tiền thuê nhà không có, còn xin giấy phép cất nhà mới lại không được”.

Cạnh nhà bà Chiêm là nhà ông Võ Văn Tâm đã giải tỏa được 50% nhưng phải ngừng lại giữa chừng, vì quận chưa có tiền chi trả, còn ông Tâm giờ chưa biết nên đi hay ở lại.

Bao giờ dân được an cư?

Để dự án triển khai đúng tiến độ, tháng 12-2008, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo quận Thủ Đức sớm thực hiện đền bù, giải tỏa và tháng 2-2009, phải bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quận Thủ Đức mới giải tỏa được 30 hộ ở ven quốc lộ 43.

Nguyên nhân chậm trễ là do người dân chưa bằng lòng về mức giá bồi thường dù TP đã áp dụng bảng giá đất năm 2009 để đền bù, nhằm giảm thiệt thòi cho người dân. Tuy nhiên, với mức giá này, các hộ dân không đủ tiền để mua đất tái định cư hay căn hộ chung cư.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu, nhiều gia đình bị giải tỏa đã mua đất trên địa bàn phường để cất nhà nhưng lại “dính” quy hoạch nên không thể cấp giấy phép xây dựng được. “Phường đã kiến nghị quận có phương án xử lý, hỗ trợ để người dân sớm có nhà ở nhưng chưa thấy trả lời”, bà nói.

Bao giờ người dân được an cư, đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Với tình cảnh người dân nhận tiền nhưng không muốn đi, còn hộ muốn đi lại chưa có tiền đền bù, e rằng tình trạng này sẽ còn dây dưa và kinh phí sẽ không dừng lại ở con số 744 tỷ đồng.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục