Diễn đàn: Làm thế nào để "mọi người cùng buýt" - Cần tiếp tục cải tiến

Diễn đàn: Làm thế nào để "mọi người cùng buýt" - Cần tiếp tục cải tiến

Xe buýt là phương tiện đi lại rẻ, tiện lợi. Tuy nhiên để xe buýt được ủng hộ tối đa thì cần cải tiến thêm.

1. Xe buýt khá “nóng, ngộp” do quá đông người, máy lạnh yếu, nhất là nhiều xe tuân thủ quy định, đóng cửa kín mít. Vậy tại sao không thay bằng bốn, năm cái quạt nhỏ gắn trên nóc xe chạy bằng bình ắc quy và mở hết cửa sổ ra, tiết kiệm xăng hơn nếu dùng máy lạnh mà ai cũng mát thoáng. Nước ta gần như quanh năm nóng, máy lạnh không kham được cái nóng đó, ngốn xăng mà phun lạnh yếu xìu.

Hệ thống vận tải hành khách công cộng tại TPHCM còn nhiều bất cập. Ảnh: Kim Ngân

Hệ thống vận tải hành khách công cộng tại TPHCM còn nhiều bất cập. Ảnh: Kim Ngân

2. Ghế ngồi, sàn xe của các xe buýt cũ kỹ, người lơ đểnh dễ vấp té, kẹt chân giữa các tấm ván lót sàn xe. Tại sao không đấu thầu đầu tư mới xe buýt?

3. Thái độ phục vụ trên xe buýt gần đây đã được cải thiện nhiều, tiếp viên, tài xế các tuyến đều lịch sự, ân cần. Tuy nhiên do thiếu bản đồ thành phố và bản đồ các tuyến xe trên từng xe buýt, rất nhiều dân quê, khách du lịch... hỏi thăm tuyến nào đi đường nào...thì nhân viên xe buýt ú ớ. Nên để một chồng bản đồ xe buýt trên xe để ai cần thì phát miễn phí hoặc bán.

4. Xe buýt tính ra không rẻ nếu phải sang nhiều chặng mới đi đến nơi về đến chốn. Sang chừng 3 chặng khá tốn tiền, thà dùng xe máy còn hơn. Ở nhiều nước có vé ngày, vé tuần, vé tháng đi được tất cả các tuyến xe buýt trong vòng một ngày, một tuần hay một tháng, rất rẻ vì thế người dân sử dụng xe buýt thường xuyên. Nước ta chưa có hình thức này có lẽ vì chưa nghĩ ra cách trả tiền công bằng cho nhà xe khi không thể đếm được bao nhiêu lượt khách xài tem tháng. Có thể đặt máy cà thẻ trên xe cho khách, cuối tháng coi lượt cà thẻ trong máy mà trả tiền lại cho nhà xe. Để tránh tình trạng tiếp viên gian lận dùng một thẻ cà nhiều lần liên tục thì chỉ việc cài chương trình mỗi thẻ chỉ được cà sau một hoặc hai giờ đồng hồ trên cùng một xe (Vì có ai đi xe buýt mà nhảy lên nhảy xuống cùng một xe trong vòng từ một tới hai giờ đồng hồ).

5. Chương trình “Đồng hành cùng bác tài” trên radio hết sức hấp dẫn. Nhưng có lần một bác tài bật thật to bài nhạc yêu thích, kết quả trạm dừng trạm không, khách la lên chẳng nghe. Chưa kể bác tài thiếu tập trung, nhiều lúc thắng gấp khiến khách hết hồn. Phải cấm nghe nhạc, điện thoại trong khi lái xe đối với tài xế xe buýt bởi sinh mạng cả chục con người trên xe đặt vào tay bác tài.

Mong xe buýt ngày càng đông khách, rẻ và tiện lợi hơn để phục vụ mọi người.

Dương Văn Minh Lộc (P.17, Q.Bình Thạnh)

  • Bị kẹt tay trên xe buýt

Em tôi một lần đi xe buýt, khi sắp đến trạm dừng trên đường Điện Biên Phủ (gần ngã tư Hàng Xanh), bị những người đứng sau chen lấn và xô mạnh về phía trước cửa. Theo phản ứng tự nhiên, nó chống tay vào thành cửa. Lúc ấy xe buýt đã dừng ngay trạm và bật cửa ra. Thế là ngón tay em tôi bị kẹt ở khe cửa. Nó kêu đau, yêu cầu tài xế đóng cửa lại để rút ngón tay ra nhưng tài xế thản nhiên như không nghe. Vì tình thế, em tôi phải cố nhịn đau rút ngón tay lại, da tay bị tróc, máu chảy khá nhiều. Nhân viên soát vé còn tàn nhẫn hơn, hối thúc em tôi xuống nhanh để mọi người phía sau xuống. Nó đành đi xuống, ghé nhà thuốc gần đó tự mua bông băng để băng vết thương. Hỏi nó biển số xe và tên nhân viên soát vé nhưng nó lắc đầu không nhớ.

Theo tôi, trên xe buýt cần có những dụng cụ y tế cần thiết để nếu hành khách hoặc nhân viên xe buýt lỡ kẹt tay, hoặc xảy ra chuyện gì cũng có cái mà sơ cứu tức thời. Và các tài xế và nhân viên cần quan tâm lo cho người bị nạn, chứ đừng thản nhiên hoặc đổ lỗi cho hành khách rồi xem như không có chuyện gì!

Huỳnh Đắc Nhất (101/25 Nguyễn Chí Thanh, Q.5)

  • Tôi bỏ buýt đi xe đạp

Tôi đang là sinh viên học tại quận 5, TPHCM. Tôi cũng đã dùng xe buýt đi lại trong 2 năm học. Tuy nhiên năm nay tôi quyết định đi học bằng xe đạp, chậm hơn và vất vả hơn nhưng tôi lại thấy thoải mái hơn rất nhiều. Điều đầu tiên cần phải nói là hoạt động của các tuyến xe, nhiều xe chạy vô tội vạ, không tuân thủ giờ giấc. Có những tuyến xe chạy cùng lúc 2-3 chiếc trong khi trước đó khách chờ cả tiếng đồng hồ không hề có xe. Tiếp đến tình trạng xe bỏ bến cũng rất phổ biến, khiến nhiều sinh viên quyết định đi xe đạp hoặc xe máy bởi đi học cần đúng giờ giấc, nhất là lúc đi thi. Một phần nguyên nhân là do xe buýt quá đông, không còn chỗ để có thể nhận thêm khách, khá phổ biến trong giờ cao điểm. Tuy nhiên có không ít xe còn rất nhiều chỗ trống vẫn bỏ bến.

Tân Thanh (Dương Xuân Danh)

  • Xe buýt bỏ trạm, hành khách ngẩn ngơ

Chuyện một số nhân viên thiếu nhã nhặn, tài xế lái xe bạt mạng, bỏ trạm... báo đài phản ảnh rất nhiều, nhưng chẳng thấy xe buýt cải thiện mấy. Cách đây một tuần, trên chuyến xe buýt X. từ Chợ Lớn đi Tân Vạn, tôi đã gặp một chuyện hết sức bực mình. Khi xe đi qua ngã 6 Nguyễn Tri Phương (trên đường ngô Gia Tự), tôi có bảo tài xế cho dừng trạm nhưng dường như bác tài vờ không nghe. Tôi phải lớn giọng lần nữa thì xe mới chịu dừng lại (đã qua trạm) nhưng không dừng hẳn, mà chạy với tốc độ chầm chậm lại. Anh nhân viên bán vé kêu tôi xuống với giọng khó chịu như muốn đuổi: “Xuống nhanh đi!”. Trong khi đó, ngước nhìn lại phía ngay trạm mình vừa qua, tôi thấy một số học sinh, sinh viên rất đông đang đứng ngay trạm vẫy tay lia lịa. Thậm chí một số người còn chạy theo gọi í ới nhưng chiếc xe buýt vô tình đóng cửa lao đi. Ai cũng buột miệng: “Chắc xe bị trễ giờ!”. Và cứ khoảng vào lúc 17 giờ (giờ cao điểm), hình ảnh này dường như xảy ra thường xuyên.

Nguyễn Thanh Vũ (Nguyễn Thanh Vũ, 17 Sơn Kỳ, Q.Tân Phú)

Tin cùng chuyên mục