Tấm lòng thơm thảo của người dân TPHCM

Hoạt động xã hội từ thiện đã trở thành phong trào thu hút đông đảo người dân TPHCM tham gia một cách tự nguyện và nhiệt thành. Trong thời điểm cuối năm dương lịch và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhiều người dân TPHCM đã đóng góp tiền, hàng hóa đến tặng những người cơ nhỡ, trại dưỡng lão, trường nuôi trẻ mồ côi và đến tận các vùng sâu, vùng xa giúp đỡ đồng bào nghèo.
Tấm lòng thơm thảo của người dân TPHCM

Hoạt động xã hội từ thiện đã trở thành phong trào thu hút đông đảo người dân TPHCM tham gia một cách tự nguyện và nhiệt thành. Trong thời điểm cuối năm dương lịch và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhiều người dân TPHCM đã đóng góp tiền, hàng hóa đến tặng những người cơ nhỡ, trại dưỡng lão, trường nuôi trẻ mồ côi và đến tận các vùng sâu, vùng xa giúp đỡ đồng bào nghèo.

Sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chuẩn bị quà dành cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: NGUYỄN NGỌC HÀ.

Tận tâm và thầm lặng

Đã suốt hơn chục năm nay, mỗi khi trên báo SGGP có bài viết về những hoàn cảnh khốn khó đang cần giúp đỡ, thì ngay hôm đó có một thanh niên đến trụ sở Báo SGGP chìa mảnh giấy đã ghi sẵn tên người cần giúp đỡ và số tiền anh gửi hỗ trợ. Nhưng anh không cho biết tên mình, cho rằng sự giúp đỡ của mình không là bao, không muốn người nhận biết anh là ai và phải mang ơn. Có nhiều người dân TPHCM cũng đang thầm lặng làm việc thiện như vậy. Trong đêm Giáng sinh vừa rồi, trong khi tại các tụ điểm vui chơi đang sôi nổi, có nhiều người trong các nhóm thiện nguyện lặng lẽ mang quà đến trao tận tay những người lang thang, cơ nhỡ đang trú tại các hiên nhà, gầm cầu. Cô Lâm Ngọc Bích, ở nhóm từ thiện Nắng Xanh, cho biết: “Nhóm gồm một số sinh viên và các anh chị em nhiệt tình với công tác xã hội. Việc vận động tài trợ do cả nhóm thực hiện. Trước đây nhóm đã vận động được nhiều quần áo, mùng mền, mang đến các tỉnh Tây Ninh, Đăk Nông, Đồng Tháp… tặng đồng bào nghèo. Giáng sinh năm nay, chúng tôi vận động được 200 phần quà, gồm một số vật dụng thiết yếu và trực tiếp đi tặng người không gia cư. Đi đến nhiều nơi trong thành phố, mãi gần 3 giờ sáng mới xong. Tuy mệt, nhưng cảm thấy hạnh phúc lắm. Bởi lẽ được mang đến chút niềm vui cho những người bất hạnh”. 

Cuối năm, tất bật việc kinh doanh, nhưng các tiểu thương ở quận 5 và quận 6 trong nhóm từ thiện Dân Lập vẫn rủ nhau dành thời gian cho hoạt động thiện nguyện. Chú Lâm Minh Tuấn, thành viên của nhóm, cho biết: “Mỗi tuần chúng tôi đều gặp nhau để vận động quyên góp tài chính thực hiện công tác xã hội. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa. Mỗi chuyến đi như vậy, mọi chi phí ăn ở chúng tôi đều tự lo hết”. Chú Võ Tấn Tài, thường vận động mọi người hỗ trợ kinh phí, quà cáp… làm từ thiện, tâm sự: “Hình như có cái duyên, mỗi khi tôi đi làm từ thiện thì được nhiều người hỗ trợ. Người góp 10kg gạo, người góp chục chai nước tương, vài ký bột ngọt. Ít nhiều gì tôi cũng vui vẻ nhận và ân cần trao tận tay người nghèo”.

Nhóm từ thiện Dân Lập trao quà tặng đồng bào nghèo ở huyện Bình Chánh (TPHCM)

Có một lớp trẻ nhân ái

Có nhiều người chỉ nhìn vào những thanh niên hư hỏng, sống thờ ơ, chỉ biết hưởng thụ, để từ đó có cái nhìn bi quan về thế hệ trẻ, cho rằng lớp trẻ hiện nay rất vô cảm. Thật ra, có rất nhiều bạn trẻ ở TPHCM đang sống rất hết lòng với cộng đồng. Qua các hoạt động thiện nguyện như Tiếp sức mùa thi, Trung thu cho thiếu nhi mồ côi, giúp bệnh nhân nghèo..., nhiều sinh viên các Trường đại học KHXH-NV, Sư phạm, Ngân hàng, Văn Lang, Hùng Vương, Hồng Bàng… đã quyên góp tiền và quà đến trao quà, phục vụ văn nghệ nhằm mang đến cho những cảnh đời bất hạnh chút niềm an ủi. Thời điểm cuối năm, các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên vận động kinh phí để mang đến cho các trẻ khuyết tật và người già neo đơn một bữa cơm cuối năm ấm áp nghĩa tình. Các bạn sinh viên Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch cũng góp tiền mua quà, tổ chức trò chơi cho các bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2. Sinh viên các trường đại học đang có những chuyến đi thăm nghĩa tình tại các nhà mở dành cho trẻ vào đời sớm hay các cụ già neo đơn. Sinh viên Trường Đại học Văn Lang còn chu đáo lập Câu lạc bộ Ba Lô Xanh, tổ chức dạy thủ ngữ để các sinh viên có thể giao tiếp cùng trẻ khuyết tật câm, khiếm thính.

ĐOÀN HIỆP - NGỌC HÀ

Tin cùng chuyên mục