Quốc hội đang bàn đúng nỗi lo của người dân

Trong ngày 15-11-2016, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã có phiên chất vấn các bộ trưởng. Hàng chục câu hỏi của các đại biểu Quốc hội quanh những vấn đề nóng của đất nước, đang là nỗi quan tâm, lo ngại của người dân đã được nêu ra và giải trình. Qua theo dõi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn đầu tiên, một số bạn đọc đã bày tỏ ý kiến, cảm nghĩ.
Quốc hội đang bàn đúng nỗi lo của người dân

Trong ngày 15-11-2016, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã có phiên chất vấn các bộ trưởng. Hàng chục câu hỏi của các đại biểu Quốc hội quanh những vấn đề nóng của đất nước, đang là nỗi quan tâm, lo ngại của người dân đã được nêu ra và giải trình. Qua theo dõi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn đầu tiên, một số bạn đọc đã bày tỏ ý kiến, cảm nghĩ.

Quốc hội đang bàn đúng nỗi lo của người dân ảnh 1

Mùa mưa năm nay có những trận mưa lớn gây ngập nặng nhiều tuyến đường TPHCM Ảnh: THANH HẢI


Không để tiếp diễn chuyện quản lý chồng chéo

Một nỗi lo của hàng triệu nông dân đã được Quốc hội chia sẻ đầy trách nhiệm khi đưa ra chất vấn, mổ xẻ tại diễn đàn kỳ họp: Làm sao dẹp được nạn phân bón giả? Phân bón giả là chuyện dài nhiều tập, không chỉ làm khổ cho các lực lượng kiểm tra vì bất lực trước kẻ gian khi vướng quá nhiều quy định, văn bản chồng chéo, mà còn là nỗi đau của người nông dân, đổ biết bao mồ hôi công sức lại trắng tay khi thu hoạch.

Ai trong cuộc cũng hiểu, phân bón ở nước ta là thị trường có quy mô lên đến 2 tỷ USD. Phân bón giả tồn tại được vì nhiều lý do, nhưng lý do lớn nhất chính là nguồn lợi mang lại quá lớn cho người kinh doanh. Thế nên mới có chuyện đã phát hiện đến 63 công ty, tổ hợp chuyên sản xuất phân bón giả đưa đi tiêu thụ tại 48 tỉnh, TP trong cả nước. Chưa kể, có đến 11 trung tâm đã cấp khống, cấp sai phép sản xuất cho hàng chục ngàn mẫu phân bón của hàng trăm doanh nghiệp, vi phạm các thông tư, nghị định về quản lý khảo nghiệm phân bón. Đến nay người ta mới vỡ lẽ, chỉ một sản phẩm phân bón mà có tới hai bộ cùng quản: Bộ Công thương quản phân vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản phân hữu cơ, dẫn đến tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả. Chẳng trách những người trong cuộc như nông dân, lực lượng quản lý thị trường đã vô cùng chật vật, nhọc nhằn đối phó với mặt hàng phân bón giả. Nhiều hội thảo quanh chuyện phân bón giả và đại diện hai bộ đều cho rằng “không thể hoàn toàn đổ lỗi cho cơ quan chức năng”. Cuối cùng, chỉ người nông dân là lãnh đủ. Có lẽ đây chính là nguyên nhân dẫn đến con số khủng, như đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông) đã nêu ra tại nghị trường: 40.000 vụ sản xuất phân bón giả “nhưng thấm vào đâu so với thực tế”.

Ý kiến chốt lại của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, làm mát lòng hàng triệu nông dân: Sau phiên họp này, 2 bộ nên ngồi lại để thống nhất quản lý mặt hàng này, “để những phiên chất vấn sau các đại biểu Quốc hội không còn phải kêu chuyện quản lý chồng chéo nữa”. Mừng thay!

TRƯƠNG BÍCH HỒNG (huyện Hóc Môn, TPHCM)

Ứng phó nhanh với biến đổi môi trường

Trong vài năm gần đây, TPHCM và một số địa phương trong cả nước đang phải đối mặt với nhiều hiện tượng biến đổi môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân và kéo theo các hệ lụy về kinh tế - xã hội. Rõ nét nhất là những trận mưa, lũ không theo chu kỳ, có khi dồn dập, gây ngập nặng trên diện rộng, thiệt hại vật chất chưa thể thống kê hết. Ngoài chuyện tại trời gây nên lụt lội, ngập nước thì yếu tố con người cũng tác động tiêu cực đến môi trường và hậu quả cũng không thể đo đếm được. Trong phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã nêu những vấn đề rất thời sự: ứng phó với biến đổi môi trường; việc xử lý trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường...

Qua chất vấn và giải trình, có thể thấy thực tế đang đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao hơn, tầm nhìn xa hơn, sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn để ứng phó với các biến đổi về môi trường. Nói một cách dễ hiểu hơn thì đó chính là các biện pháp, các giải pháp ứng phó với các tình huống bất thường trước mắt và cả lâu dài khi môi trường thay đổi như mưa lũ, ngập úng đô thị, ô nhiễm… Cần có quy định rõ các công việc bắt buộc mà ngành chức năng từ các sở chuyên ngành đến các bộ ở Trung ương cùng chính quyền các địa phương và kể cả người dân trong khu vực bị ảnh hưởng phải làm tùy theo cấp độ. Và trên hết, cũng cần chỉ ra trách nhiệm của cá nhân, đơn vị chuyên ngành hay chính quyền địa phương khi để xảy ra các sự cố môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, hoặc do thiên tai - trời mưa lớn kéo dài nhưng người đứng đầu lơ là không bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân thuộc địa bàn mình quản lý, chưa làm hết trách nhiệm lo cho dân.

VĂN PHONG (quận 1, TPHCM)

Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản cán bộ, công chức

Theo dõi Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp, chúng tôi thấy Chính phủ đã thẳng thắn đánh giá tổng thể những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại. Đối với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2017, trong mục 6 “Xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương”, Chính phủ xác định: “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật”.

Để bảo đảm thực hiện được như vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo phải nghiêm túc thực hiện việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức theo đúng quy định tại Nghị định 78/2013 ngày 17-7-2013 của Chính phủ “Về minh bạch tài sản, thu nhập”, bởi sau hơn 3 năm triển khai, công tác kê khai tài sản của đội ngũ cán bộ, công chức thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 78/2013 ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, thủ tục, với mục đích chỉ để đủ điều kiện về hồ sơ đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức cuối năm. Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản cán bộ, công chức là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần tích cực “xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương” mà Chính phủ đã đề ra, mặt khác còn là liều thuốc hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn biến ngày càng phức tạp trong đội ngũ cán bộ công quyền hiện nay.

NGUYỄN TẤN ĐẠT (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục