Nghịch lý địa bàn giáp ranh

Có một thực tế đáng lo ngại tại TPHCM là những địa bàn giáp ranh giữa các quận/huyện, hay giáp ranh giữa các phường/xã thường có tình trạng  quản lý lỏng lẻo, thiếu hiệu quả về an ninh trật tự và giải quyết những vấn đề dân sinh.
Nghịch lý địa bàn giáp ranh

Có một thực tế đáng lo ngại tại TPHCM là những địa bàn giáp ranh giữa các quận/huyện, hay giáp ranh giữa các phường/xã thường có tình trạng  quản lý lỏng lẻo, thiếu hiệu quả về an ninh trật tự và giải quyết những vấn đề dân sinh.

“Ném đá ao bèo”

Với phương thức “địa bàn phường nào thì phường đó quản lý” nên hiện nay, tình trạng “chuyện nhỏ, nhưng chính quyền bó tay, không thể xử lý được”, vẫn tồn tại. Đã có nhiều cuộc gọi của các cư dân ở đường Phan Anh và đường Tô Hiệu (giáp ranh địa bàn các quận 6, Tân Phú và Bình Tân) điện thoại đến đường dây nóng Báo SGGP, phản ánh ở đó có một bãi rác ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Ngày 30-1-2016, Báo SGGP đã đăng tin ảnh Rác tràn lan bên đường phản ánh tình trạng ô nhiễm ở bãi rác này, nhưng sau đó vẫn không ai dọn dẹp. Vào ngày 6-2-2016, bỗng nhiên bãi rác này phát cháy lớn kèm theo nhiều tiếng nổ. Người dân quanh đó mang nhiều bình chữa cháy mini và xô nước đến dập lửa nhưng không hiệu quả; mãi khi có xe chữa cháy của một công ty gần đó ra hỗ trợ mới dập tắt được. Người dân phản ánh bãi rác này đã tồn tại từ hơn 4 tháng nay, nhưng cả 3 phường Tân Thới Hòa (quận Tân Phú), phường 14 (quận 6) và phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân) đều không nhận bãi rác thuộc địa bàn mình, nên không ai dẹp, người thiếu ý thức vẫn cứ mang rác lại đổ, thậm chí khi người dân phát hiện còn bị họ hù dọa đòi đánh. 

Trên địa bàn TPHCM hiện có rất nhiều nơi giáp ranh tồn tại nạn buôn bán chiếm dụng lòng lề đường, như: đường Nguyễn Trãi (giáp ranh các phường 2 và 3 của quận 5), công viên Lê Thị Riêng (giáp ranh các quận 3, 10 và Tân Bình), Bệnh viện Chợ Rẫy (giáp ranh quận 5 và quận 11)…, khi lực lượng tuần tra đến thì người ta chỉ cần bước vài bước băng qua đường là sang địa bàn phường khác, quận khác, không ai làm gì được. Trên đường Nguyễn Chí Thanh, trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), có nhiều xe đẩy bán thức ăn, nước uống, quần áo, khiến phương tiện giao thông qua lại khó khăn. Khi có ai đó hô lớn “Công an” là toàn bộ những người bán đẩy ngay xe băng qua bên kia đường, phía quận 11. Bất chấp dòng phương tiện giao thông đang di chuyển, các xe đẩy tay cứ lao qua giữa luồng xe máy, ô tô. Khi xe tuần tra của đội trật tự đô thị phường 12 (quận 5) đi qua, những người bán hàng rong liền đẩy xe quay lại. Đúng là “ném đá ao bèo”. Trước cổng công viên Lê Thị Riêng còn bát nháo hơn. Bên phường 15 (quận 10) luôn có công an, trật tự đô thị đứng chốt, nên các xe bán hàng rong đậu trên vỉa hè siêu thị điện máy Chợ Lớn (phường 11, quận 3) và một số con hẻm thuộc phường 5 và 6 quận Tân Bình. Khi có xe tuần tra của phường 11 (quận 3) xuất hiện, những người bán hàng rong đẩy xe chạy lung tung, khiến giao thông ở đây hỗn loạn. Một số xe được đẩy sang bên kia đường, vào đường Bắc Hải (phường 6, quận Tân Bình), một số xe được đẩy vào hẻm phía phường 5 quận Tân Bình, để tạm ẩn náu. Khi xe tuần tra đi khỏi thì các xe hàng rong lại quay về vị trí cũ.

Bãi rác vô chủ trên đường Phan Anh - Tô Hiệu, nơi giáp ranh giữa 3 quận

Ai cũng thờ ơ?

Nói về bãi rác trên đường Phan Anh - Tô Hiệu (giáp ranh giữa 3 quận), ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân), phân trần: “UBND phường có nhận được công văn của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, hỏi về việc bãi rác này có phải của địa phương. Ngay sau đó, UBND phường đã xác nhận bãi rác không thuộc địa bàn phường nên không xử lý được”. Ông Trần Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND phường 14 quận 6, cũng khẳng định: “Trên bản đồ địa chính của phường, tính từ căn nhà cuối cùng kéo dài thêm 4,65m là hết địa bàn phường. Bãi rác đó nằm cách xa căn nhà cuối cùng gần 10m, không thuộc địa bàn phường, nên phường không thể dọn được”. Còn bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Hòa (quận Tân Phú) cũng cho rằng: “Bãi rác trên nằm trên tuyến đường Phan Anh - Tô Hiệu không phải thuộc địa bàn quận Tân Phú. Trước tết, UBND phường cùng với Công ty Dịch vụ công ích quận đã tổ chức dọn hết rác trên địa bàn phường, riêng bãi rác đó không thuộc địa bàn phường nên không dọn. Nhưng không thể cứ để vậy, nên sắp tới, UBND phường sẽ có đợt xử lý rác lần nữa và có thể dọn bãi rác này cho sạch”. Vậy chính quyền cả 3 phường thuộc 3 quận đều biết sự tồn tại của bãi rác này, nhưng do không thuộc địa bàn phường mình nên không dọn dẹp, mặc cho tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều cư dân bức xúc vì không sao hiểu được chuyện phi lý là một khu đất ở nội thành TPHCM lại không thuộc địa bàn phường nào quản lý. Có người mỉa mai rằng do đó là bãi rác, nếu là khu đất vàng thì hẳn ai cũng giành là thuộc địa bàn mình quản lý.

Lý giải về việc tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5) khó xử lý tình trạng  chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường 3 (quận 5) cho biết: “Trước kia, phường 2 và phường 3 từng có kế hoạch liên tịch phối hợp giải quyết tình trạng  chiếm dụng vỉa hè. Nhưng theo đó, khi đi xử lý bắt buộc phải có lực lượng cả hai phường. Mà mỗi phường có sự quản lý khác nhau, nên tập hợp đi chung rất khó. Mà kế hoạch chỉ đề ra hàng tháng, muốn làm tiếp thì phải có kế hoạch liên tịch nữa. 2 phường ra quân đồng loạt mới có thể hiệu quả, nhưng tổ chức phối hợp không dễ”. Thật khó hiểu với cách giải thích hai phường của cùng một quận mà lại “có sự quản lý khác nhau” nên “phối hợp không dễ” như trên!

Không chỉ là chuyện xử lý nạn chiếm dụng lòng lề đường, một số địa bàn giáp ranh còn thành ổ tệ nạn ma túy, mại dâm, nơi tụ tập những người phạm pháp sống lang thang... Do vậy, rất cần có sự tổ chức phối hợp có trách nhiệm của các địa phương trong việc giữ vững an ninh trật tự và giải quyết những vấn đề dân sinh ở các địa bàn giáp ranh.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục