''Hiệp sĩ đường phố''

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng vừa chỉ đạo Công an TPHCM khẩn trương thành lập đội săn bắt cướp (SBC) để bảo vệ người dân, bài trừ tội phạm. Dư luận người dân TPHCM rất hoan nghênh, xem đây là biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cướp giật trên đường phố. Các “hiệp sĩ đường phố” tại TPHCM đón nhận tin vui này và đang rất sẵn sàng tham gia với công an trấn áp tội phạm cướp giật.
''Hiệp sĩ đường phố''

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng vừa chỉ đạo Công an TPHCM khẩn trương thành lập đội săn bắt cướp (SBC) để bảo vệ người dân, bài trừ tội phạm. Dư luận người dân TPHCM rất hoan nghênh, xem đây là biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cướp giật trên đường phố. Các “hiệp sĩ đường phố” tại TPHCM đón nhận tin vui này và đang rất sẵn sàng tham gia với công an trấn áp tội phạm cướp giật.

Không thể thiếu đội SBC

Lâm Hiếu Long (26 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) là trưởng nhóm Câu lạc bộ SBC TPHCM, tâm sự : “Suốt mấy năm nay, tôi “lo chuyện bao đồng”, cứ nhận được tin có vụ cướp là tôi báo ngay cho anh em trong nhóm rồi xách xe truy tìm bất kể ngày đêm. Chúng tôi tham gia chống tội phạm vì muốn góp sức giữ gìn an ninh trật tự ở thành phố mình ổn hơn”.

Câu lạc bộ SBC được thành lập năm 2013, hiện có 6 anh em tham gia, mỗi người một ngành nghề nhưng có chung niềm nhiệt thành chống tội phạm. Có hơn 200 vụ cướp giật trên đường phố đã bị nhóm truy bắt, giao nộp tội phạm cho công an. Có ngày số điện thoại đường dây nóng của nhóm nhận đến 20 cuộc gọi cung cấp thông tin về tình hình tội phạm. Ngoài ra, trang facebook của nhóm liên tục nhận được thông tin nhận dạng các đối tượng cướp giật do người dân cung cấp. Long và các bạn trong nhóm đều cho rằng việc Công an TPHCM chính thức thành lập lại đội SBC của thành phố là cấp thiết và đáp ứng đúng yêu cầu trấn áp tội phạm.

Lâm Hiếu Long trong một lần bắt kẻ gian trộm xe trên đường phố

Nguyễn Việt Sin (23 tuổi, ngụ tại quận 10, TPHCM) là thành viên của Đội Hiệp sĩ TPHCM, cũng tỏ ra vui mừng khi hay tin thành phố sẽ thành lập đội SBC: “Việc chính thức lập đội SBC để tuần tra chống tội phạm đáp ứng đúng yêu cầu của tình hình, người dân và những người đang góp sức trong cuộc chiến chống tội phạm đều hoan nghênh. Lâu nay, hàng ngày nhóm chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ người dân cung cấp thông tin tội phạm trộm cướp, giật dọc trên đường phố. Dù bận bịu mấy, anh em trong nhóm cũng luôn sẵn sàng tham gia, hỗ trợ người dân, chứ không thể làm ngơ được”.

Võ sư môn Aikido Meidikan Lê Hoàng Mai (quận Tân Bình), người đã trực tiếp ra tay bắt tội phạm cướp giật trên đường phố, cho rằng việc TPHCM có đội SBC để chống trộm cướp trên đường phố là tin rất vui đối với anh em “hiệp sĩ”, vì được chính thức góp sức bảo vệ an ninh cho người dân.

Sẽ góp sức có hiệu quả

Hoan nghênh việc TPHCM sẽ thành lập đội SBC chính quy, các “hiệp sĩ” đều cho biết rất sẵn sàng tham gia cộng tác. Thực tế hoạt động của các “hiệp sĩ đường phố” trong thời gian qua rất hiệu quả nhưng cũng gặp nhiều rào cản pháp lý. Nếu tháo gỡ được những rào cản này thì sự hỗ trợ của các “hiệp sĩ đường phố” cho đội SBC chính quy sẽ hiệu quả hơn nữa trong việc trấn áp tội phạm trên đường phố. Lâm Hiếu Long kể: “Không ít lần chúng tôi bị lầm tưởng là kẻ gian, bị các trinh sát theo dõi, kiểm tra giấy tờ. Các trinh sát nghi ngờ cũng phải, bởi thiếu sự tổ chức phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động. Để theo dõi, phát hiện đối tượng cướp giật, chúng tôi thường đi 2 người hoặc một nhóm vài người, liên tục quan sát để tìm kiếm đối tượng, nên thành... đối tượng khả nghi, trinh sát phải ra tay ép xe chúng tôi vào lề đường để kiểm tra”.

Còn nhiều khó khăn khác, nhất là anh em “hiệp sĩ” không được trang bị công cụ hỗ trợ. Anh em không dám mang theo công cụ hỗ trợ để trấn áp tội phạm hay tự vệ, bởi nếu xảy ra chuyện gì đáng tiếc thì có thể bị xem là công cụ gây án có chuẩn bị trước. Trong khi đó, đối tượng trộm cướp bây giờ rất manh động, luôn thủ hung khí trong người. Do vậy trước khi ra tay, các “hiệp sĩ” phải quan sát thật kỹ khu vực xung quanh để tìm các vật dụng trên đường phố có thể tận dụng, đồng thời kêu gọi người dân hỗ trợ bao vây đối tượng.

Để bắt cướp, phải bắt quả tang, thu được đầy đủ tang chứng và phải có người làm chứng thì mới có đủ cơ sở xử lý pháp luật. Nhiều tên cướp rất tinh quái, nếu bị bắt chúng ném ngay tang vật vào nơi khuất và không chịu thừa nhận hành vi, do đó các “hiệp sĩ” đi khắp khu vực quanh hiện trường để tìm bằng được vật chứng, nếu không, sẽ bị kiện ngược lại. Vì vậy để bảo vệ mình, hiện nay các “hiệp sĩ” phải tự trang bị camera cá nhân gắn trên xe máy để ghi lại quá trình bắt cướp. Các anh em rất cần được sự huấn luyện bài bản của công an về kỹ năng thu giữ tang vật và bảo vệ hiện trường .

Các “hiệp sĩ đường phố” tại TPHCM đều là những thanh niên nhiệt huyết, tình nguyện và xông xáo trong việc chống tội phạm. Do vậy, nếu được đưa vào hoạt động nền nếp, được đào tạo về kỹ năng tự vệ bài bản, có tổ chức điều hành, đây sẽ là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động chống tội phạm trên đường phố. Bằng kinh nghiệm bắt cướp nhiều năm qua, họ sẽ góp phần nhanh chóng kéo giảm tình trạng cướp giật lộng hành.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục