Của cho không bằng cách cho

Dù nhịp sống đầy hối hả với bộn bề lo toan nhưng ngày càng có nhiều người hướng đến các hoạt động từ thiện. Điều này thật đáng quý, thể hiện đẹp tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Thế nhưng làm từ thiện như thế nào lại là một việc không hề đơn giản, rất cần sự ứng xử văn hóa, chân thành và tế nhị của người cho, người nhận.

Ông bà ta có câu “Của cho không bằng cách cho”, do vậy nên làm sao để người nhận không phải cảm thấy mình đang bị thương hại. Người nhận sẽ vui biết bao khi nhận được thứ mình cần và cảm thấy mình được tôn trọng, được chia sẻ niềm vui, hạnh phúc với người sung túc, đủ đầy hơn mình.

Thế nhưng hiện nay, có không ít cách cho khiến người nhận cảm thấy ê chề. Chúng ta không thể không suy ngẫm về câu chuyện của một sinh viên kể trên mạng xã hội về một tình huống gặp phải khi đi phát cơm đã bị một người vô gia cư ném trả hộp cơm và lớn tiếng quát: “Tôi nghèo chứ không hèn, tự làm tự ăn, không nhận của ai thứ gì!”. Ở TPHCM, hiện nay có nhiều nhóm bạn trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện, góp kinh phí và dành những ngày cuối tuần mang các hộp cơm đi phát tặng những người vô gia cư, lao động nghèo, người bán vé số, người tàn tật đang mưu sinh trên đường phố. Có lẽ ai nhìn thấy hình ảnh ấy cũng cảm thấy ấm lòng, cũng tự hào về một thế hệ trẻ biết sẻ chia. Thế nhưng, hãy đặt mình vào địa vị người nhận để hiểu và cảm nhận tâm trạng của họ.

Là một người từng tham gia các nhóm từ thiện, từng nấu cơm và đi khắp các nẻo đường để tặng cơm cho người nghèo, tôi suy ngẫm và nhận thấy đây chưa phải là cách làm từ thiện hay. Hầu hết các nhóm đều đưa ra tiêu chí nấu cơm sao cho với chi phí phải chăng mà số lượng được nhiều, rồi mang đi phát cho những người mà mình gặp trên đường phố mà cảm thấy là trường hợp khó khăn. Cứ thế, các tình nguyện viên ào xuống đường, gặp những người lượm ve chai, bán vé số, người khuyết tật… là dúi vào tay họ hộp cơm rồi nhanh chóng chụp tấm hình để về đưa lên trang mạng xã hội của nhóm hoặc đưa lên facebook cá nhân. Tôi đã từng nhìn thấy ánh mắt bực bội và tỏ vẻ tức giận của một số người được chúng tôi tặng cơm trên hè phố. Đã có người thẳng thừng từ chối, có người miễn cưỡng nhận hộp cơm, lộ vẻ bối rối khó xử.

Hiện nay tại TPHCM có rất nhiều quán cơm 2.000 đồng, quán cơm miễn phí dành cho người nghèo, họ đến đây được phục vụ như những thực khách bình thường, được thưởng thức bữa cơm nóng sốt trong không gian khang trang, mát mẻ. Hay là các tổ chức từ thiện nấu hàng ngàn suất cơm mỗi ngày để tặng bệnh nhân ở các bệnh viện, ai có nhu cầu sẽ ra nhận. Nếu muốn sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có thể đóng góp công sức hoặc kinh phí để cùng các tổ chức từ thiện này hoạt động có hiệu quả, thiết thực hơn nhiều.

PHƯƠNG UYÊN
(quận 9, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục