
Ba tháng gần đây, cùng với hoạt động buôn lậu theo đường ô tô, xe ôm và xe du lịch..., hoạt động buôn lậu theo đường tàu lửa lại đang diễn ra rất nóng bỏng tại cung đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Một lần theo tàu buôn lậu, chúng tôi mới vỡ ra được nhiều điều từ những “mẻ” hàng lậu đang vô tư và hối hả tiến về xuôi...
- Mỗi hành khách là một... cửu vạn!

Lực lượng liên ngành phát hiện và xử lý các đối tượng cửu vạn giả trang “hành khách” để mang vác hàng lậu lên tàu lửa tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Nhưng hoạt động ngăn chặn này cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
5 giờ 30 sáng, chuyến tàu từ Lạng Sơn về Hà Nội chuẩn bị rời ga Đồng Đăng (nằm cách cửa khẩu Tân Thanh 10km). Hàng trăm “hành khách” bắt đầu nháo nhác, chen nhau ôm, bưng, đeo, vác từng cuộn, bịch “hành lý” lên các toa. Khi tàu bắt đầu lăn bánh, khoảng 30% đã nhảy trở xuống sân ga, bỏ lại những bịch hành lý “vô chủ” vẫn còn trên các toa xe.
Đến ga TP Lạng Sơn (chỉ cách ga Đồng Đăng 10km), thêm 30% hành khách nữa xuống ga. Đến ga Đồng Mỏ, 40% hành khách còn lại đồng loạt xuống nốt. Tất cả đều không mang theo những bịch hành lý mà họ đã xách lên tàu.
Vậy họ là ai? “Họ không phải là hành khách đích thực mà là cửu vạn chuyên giả trang khách đi tàu để mang hàng lậu thuê cho các chủ buôn ở TP Lạng Sơn và Hà Nội” - một nam nhân viên tên Lê Minh, phụ trách toa xe số 4 của tàu Lạng Sơn - Hà Nội, tiết lộ. Tại sao họ lại phải làm như vậy? Anh ta cười trừ, lắc đầu: “Thế thì anh phải về hỏi các trưởng ga”.
Để tìm câu trả lời rõ hơn, chúng tôi ngược lại ga Đồng Đăng, ga đầu cuối giáp biên giới Việt - Trung. Bà Vũ Kim Ngân, Trưởng ga Đồng Đăng, phân trần: “Đội quân cửu vạn hàng lậu này đang làm chúng tôi đau đầu. Họ khá đông, ngày ít cũng 100 người, ngày đông có tới 200 - 300 người”.
Theo bà Ngân, mỗi ngày từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) về ga Long Biên (Hà Nội) có 2 chuyến tàu khách. Nhưng tất cả các tàu chở khách đang bị biến thành tàu hàng lậu bằng những thủ đoạn rất tinh vi.
Trong đó, cách phổ biến nhất là các chủ hàng lậu ở Tân Thanh, Đồng Đăng, TP Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội thuê đội cửu vạn ở quanh thị trấn Đồng Đăng xé lẻ các kiện hàng lớn thành những bịch hàng dưới 20 kg, sau đó giả trang thành hành khách, mua vé tàu để đưa hàng lậu qua cửa soát vé. Họ thường xuống ngay tại ga Đồng Đăng, một số xuống ga Đồng Mỏ rồi quay lại tìm chủ hàng, nhận 10.000 - 15.000 đồng tiền công + 6.500 đồng tiền vé (1 lượt). Trên tàu, sẽ có những người khác (thuộc số ít, có thể là chủ hoặc chân tay của chủ hàng) nhận diện và thu lại hàng xách tay để tìm cách tuồn ra khỏi cửa ga đến.
Ông Lê Trường Kỳ, Phó Giám đốc Xí nghiệp vận tải Hà Lạng, cũng tiết lộ: mỗi người chỉ cần xách tay 20 kg hàng lậu, 200 cửu vạn đã có 4 tấn hàng lậu đưa lên tàu - gom lại có thể xếp chật 1 toa. Nếu cửu vạn lên 2 - 3 lần thì có 2 - 3 toa hàng lậu. Theo ông, trung bình mỗi chuyến hàng từ Lạng Sơn về Hà Nội, khoảng 25% là hàng trốn thuế.
- Nhà tàu “đơn thương độc mã”?
Tuy nhiên, theo ông Lê Trường Kỳ, “nhà tàu” hiện cũng lâm vào thế khó là “nếu cấm buôn lậu thì chúng tôi sẽ không có nguồn thu, đồng thời chức năng chính của “nhà tàu” không phải là chống buôn lậu mà chỉ có nhiệm vụ phối hợp”. Ông Ký cũng cho rằng, do chủ hàng lậu lợi dụng quy định tại Thông tư liên ngành 94 là hàng xách tay dưới 20kg và trị giá dưới 500.000 đồng không phải kiểm định, kê khai thuế đã xé lẻ hàng đưa lên tàu.
Tuy nhiên, điều vô lý là nếu “nhà tàu” không kiểm soát được hàng lậu ở ga đi thì vẫn có thể kiểm soát được ở ga đến, khi các chủ đã thu gom hàng về một chỗ, bằng cách đột xuất kiểm tra hoặc đòi xuất trình vé, cước, biên lai thuế... Ông Lê Duy Chiến giải thích: Có 4 lý do, một là các chủ hàng lậu chỉ thu gom “hành lý” xếp lẻ khi tàu chuẩn bị dừng bánh vài phút nên lực lượng chức năng có muốn đột xuất kiểm tra cũng không kịp. Hai là, phần lớn các ga hiện nay không có hàng rào bảo vệ, kể cả tại ga Đồng Đăng, nên hàng lậu tuồn ra ngoài rất dễ dàng. Ba là, lực lượng bảo vệ của xí nghiệp lại quá mỏng.
Mỗi chuyến tàu chỉ có 1 - 2 bảo vệ, “nên chống buôn lậu không nổi”. Bốn là, không phải ga nào cũng có lực lượng liên ngành, trong khi vai trò chính của lực lượng liên ngành là chống buôn lậu. Theo ông Chiến, trong 19 ga thuộc tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, hiện chỉ 2 ga có đội liên ngành là Đồng Đăng và Lạng Sơn. Chưa kể việc gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông trên tàu không còn càng khiến hoạt động chống buôn lậu khó khăn hơn.
Bởi vậy, theo ông Kỳ, cho đến nay, chủ yếu vẫn là “nhà tàu đơn thương độc mã tuyên chiến với nạn buôn lậu. Giải pháp đưa ra, theo Trưởng ga Đồng Đăng Vũ Kim Ngân, “nhà tàu” phải khống chế lượng hàng lên tàu và chỉ cho mỗi khách được mua 1 lần vé để hạn chế họ mang vác hàng lậu thuê cho giới buôn lậu.
VĂN PHÚC - THỦY HỒ
Sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành ngăn chặn buôn lậu gia cầm Ngày 22-3, Cục Quản lý thị trường (QLTT-Bộ Thương mại) cho biết, tình trạng nhập lậu gia cầm đang diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các tuyến biên giới phía Bắc, từ Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu đến Quảng Ninh. Trong đó, Lạng Sơn nổi lên với nhiều điểm nóng: trong vòng 20 ngày đầu tháng 3, lực lượng chống buôn lậu đã xử lý 19 vụ, thu giữ và tiêu hủy hơn 12,5 tấn gà và gần 10.000 quả trứng. Theo Chi cục QLTT Quảng Ninh thì tình trạng nhập lậu gà mới nổi lên từ ngày 13-3 và chỉ trong 10 ngày qua, các lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 13,2 tấn gia cầm nhập lậu. Mới đây nhất, ngày 21-3, tại bến phà Bãi Cháy, lực lượng QLTT TP Hạ Long đã bắt quả tang một đối tượng dùng xe tải vận chuyển 835 con gà nhập lậu (tương đương 1.670 kg). Còn tại Lai Châu, số lượng trứng gia cầm nhập lậu thu giữ được đã lên tới 16.000 quả; riêng số trứng gia cầm nhập lậu qua các đường biên của tỉnh Cao Bằng bị thu giữ từ đầu năm đến nay cũng lên tới gần 1 triệu quả. Tuy tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới tại Lào Cai chưa diễn biến căng thẳng nhưng lực lượng QLTT tại đây đã thu giữ 11.520 quả trứng gà Trung Quốc nhập lậu. Trong tuần này, các bộ NN-PTNT, Thương mại, Tài chính, Công an sẽ lập đoàn liên ngành kiểm tra việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu tại 3 tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai. Các điểm nóng về vận chuyển gia cầm lậu như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội... cũng sẽ là trọng tâm kiểm tra. V.L. |