Kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM khóa VII

Những bức xúc của đại biểu

Xung quanh vụ điện kế điện tửPhó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được: Sẽ giải quyết theo trình tự và đúng pháp luật
Những bức xúc của đại biểu

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, nhiều bức xúc của cử tri thành phố đã được các đại biểu HĐND TP đặt lên bàn nghị sự. Báo SGGP xin lược ghi một số ý kiến này.

  • Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải: Cần thu hồi ngay những mặt bằng, kho bãi lãng phí

Mặt bằng, đất đai là tài sản của nhà nước, không thể để lãng phí. Năm 2005 là năm “Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm”, chủ trương này bước đầu đã tạo được kết quả tốt, được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Việc phát hiện những kho bãi lãng phí cũng thể hiện sự đồng tâm, hiệp lực của các ngành, các cấp và toàn thể đồng bào.

Những bức xúc của đại biểu ảnh 1

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải trả lời phỏng vấn báo chí tại kỳ họp HĐND TPHCM.

UBND TP đã có quyết định và các ngành đã có kế hoạch thì UBND TP phải theo dõi bám sát chỉ đạo điều hành. Và như thế, ở góc độ tích cực, việc phát hiện lãng phí này là tốt. Mặc dù có thể đây là vấn đề lịch sử để lại nhưng trách nhiệm hiện nay của tất cả chúng ta là nếu thấy vấn đề nào không hợp lý, phải có kiến nghị, đề xuất hướng xử lý.

Đối với chuyện cũ, cái gì không đúng thì theo thẩm quyền điều chỉnh vì lợi ích chung, nếu vượt thẩm quyền phải kiến nghị để có hướng giải quyết. Không thể nói kiểu như “qua thay đổi nhiều người” vì nếu nói thế thì cứ mỗi nhiệm kỳ 5 năm của HĐNDTP, UBND TP, có chuyện gì anh lại đổ thừa cho nhiệm kỳ trước sao? Cần nhận thức rõ đây là sự nối tiếp kế thừa để thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước.

Mục tiêu cuối cùng là các tài sản của Nhà nước, của nhân dân phải được sử dụng hiệu quả. Tôi coi tất cả các mặt bằng, kho bãi là một loại ngân sách cho nên, mặc dù mặt bằng đó được giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý thì doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm quản lý tốt và sử dụng hiệu quả.

Trong quá trình quản lý, sử dụng mặt bằng, kho bãi, bất cứ người đó là ai, cán bộ, viên chức hay doanh nghiệp, nếu sai phạm phải xử lý nghiêm minh. Và như thế sẽ không thể để tình trạng “chây lì” không trả tài sản cho Nhà nước.

  • Đại biểu Võ Văn Sen: Kinh tế mũi nhọn - chưa thật sự nhọn

Vì sao 4 năm qua việc triển khai các dự án công nghệ thông tin quá chậm? Hiện nay chỉ mới có 3/59 dự án được khởi công, 27 dự án chưa có quyết định đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu thiết lập, phê duyệt dự án. Rõ ràng, quyết tâm thì mười, nhưng biện pháp để triển khai làm chỉ có một.

Tôi không nhất trí đánh giá của UBND TP về Công viên phần mềm Quang Trung. Dự án này được đầu tư hàng chục triệu USD hàng năm chứ có ít đâu. Nhưng nay lại bảo “do yếu tố giao thông không thuận tiện, không thu hút được các công ty lớn”. Chúng ta đã lỡ mất thời cơ. Đây chính là một cách lãng phí thời gian nghiêm trọng. Không biết 10 đến 20 năm tới có hy vọng những ngành công nghiệp được coi là mũi nhọn của thành phố có nhọn thực sự, hay sẽ bị “tà” đầu.

  • Đại biểu Phạm Minh Trí: Chống tham nhũng từ “đầu” chứ không chỉ từ “vai”

Vì sao chống tham nhũng không hiệu quả? Không thể đổ lỗi cho kinh tế thị trường, mà vì cái cơ chế “tù mù” và vấn nạn “xin - cho” đối với những người có quyền hành. Theo tôi, muốn chống tham nhũng phải chống từ “đầu” chứ không thể làm từ “vai”. Làm quyết liệt như vậy thì các kết quả thanh tra mới được “lôi” ra, chứ như hiện nay có thanh tra cũng như không.

Phần lớn các vụ tham nhũng là do có sự tác động của các cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân. Tôi nghĩ không cần phải có thêm luật về phòng chống tham nhũng mà chủ yếu là quyết tâm và cách thức thực hiện.

  • Đại biểu Lâm Đình Chiến: Phân cấp không “trọn gói”: Chạy nhiều vòng hơn!

Dù đã phân cấp nhưng không một dự án nào một năm rưỡi mà xong được. Đơn giản là vì hồ sơ lúc nào cũng liên quan đến nhiều sở, nhiều ngành, thủ tục thì phân tán mà đơn vị nào cũng có quyền nên hồ sơ cứ phải chạy lòng vòng. Nói là phân cấp nhưng chỉ phân đầu việc, còn các thủ tục vẫn chồng chéo với các đơn vị khác nên dù được phân cấp, chúng tôi cũng không có quyền quyết, mà ngược lại còn nhiêu khê hơn.

Chẳng hạn như quận được phê duyệt dự án dưới 5 tỷ đồng nhưng không được giao những điều kiện để chủ động thực hiện mà hễ “đụng” đến sở, ngành nào là phải chạy ngược lên trên xin ý kiến. Hay quận được quyền quy hoạch hẻm dưới 12m nhưng lại quy định phải được Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt mới được công bố, như thế thì cuối cùng quận làm nhưng lại ngược lên trên xin phép (!?).

Tôi đề nghị: khi thành phố phân cấp thì phải tin tưởng giao “trọn gói”, triệt để cho cấp dưới để cho cấp dưới làm và tự chịu trách nhiệm. Thành phố nên xây dựng cơ chế “một cửa” trong giải quyết hồ sơ cho các dự án. Trước tiên, tôi đề nghị thành phố cho quận 10 thí điểm làm “một cửa” đối với các dự án xây dựng cơ bản bằng cách tập trung một số phó phòng, ban liên quan đến dự án cùng ngồi lại cho ý kiến và phê duyệt một lần.

  • Đại biểu Đặng Xuân Dũng: Cần nhất là có tầm nhìn xa khi quy hoạch giao thông

Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, chẳng mấy chốc, số dân TPHCM sẽ tăng thành 10 triệu dân. Như thế, việc quy hoạch giao thông của TP phải tính tới khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại số dân này. Tại sao cùng chủ trương xây dựng cầu bắc qua sông trong khi Đà Nẵng hoàn thành 4 cây cầu lớn, còn ở TPHCM, cầu Thủ Thiêm vẫn còn trên giấy?

Tôi cho rằng, Đà Nẵng có tầm nhìn xa trong quy hoạch giao thông, có kế hoạch triển khai, quản lý tốt các dự án. Chủ trương xây dựng tuyến xe buýt nối liền TPHCM với một số tỉnh liền kề là hướng đi tốt, sẽ tạo điều kiện cho người dân ở các tỉnh đó hạn chế dùng xe gắn máy, ô tô đi vào TPHCM.

  • Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Sớm phát triển đô thị vệ tinh

Tôi kiến nghị UBND TPHCM cân nhắc khi xây dựng, phát triển mở rộng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông trong nội thị. Đã đến lúc tập trung đầu tư, ưu tiên phát triển các đô thị vệ tinh. Có như thế mới triển khai được ý đồ giãn dân, giảm bớt sự quá tải về giao thông, cấp thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố.

Thực tế, việc triển khai đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng ngoại thành sẽ kéo giảm chi phí xây dựng. Không thể chấp nhận tình trạng có những dự án mà chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng chiếm gần 90% giá trị công trình.

Ngay như vấn đề phát triển mạng lưới giao thông công cộng, chúng tôi đã kiến nghị không nên đầu tư những phương tiện vận chuyển hành khách không phù hợp. Thực chất, đó cũng là một cách chống lãng phí. Ví dụ, vừa qua chúng tôi đã kiên quyết đề nghị không đưa vào sử dụng loại xe buýt 2 tầng cồng kềnh và không sử dụng hết công suất.

Trong điều kiện đường sá chật, hẹp ở ta hiện nay và trong vài năm tới, thiết nghĩ, cần tăng cường đầu tư loại xe chở khách vừa và nhỏ để tăng số chuyến, đảm bảo hành khách đến công sở, trường học đúng giờ.

 

Xung quanh vụ điện kế điện tử

Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được:
Sẽ giải quyết theo trình tự và đúng pháp luật

Quốc hội đã nhận được văn bản của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam về việc xin ý kiến xử lý đối với trường hợp Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM Lê Minh Hoàng vì anh Hoàng là đại biểu Quốc hội. Mọi việc sẽ được giải quyết theo trình tự và đúng pháp luật. Tuy nhiên theo tôi, những vấn đề liên quan sẽ được thảo luận và làm rõ tại kỳ họp của HĐND TP lần này, lúc đó chúng tôi sẽ có ý kiến cụ thể hơn.

Đại biểu Đặng Văn Khoa:
Nên bãi miễn tư cách ĐBQH của ông Hoàng từ cơ sở

Đây là vấn đề nghiêm trọng bởi nó đã ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn gia đình. Và niềm tin của người dân vào cơ quan nhà nước đã bị giảm sút, làm giảm uy tín của ngành điện. Tôi cho rằng đã có quá nhiều sai phạm trong vụ điện kế điện tử. Trước đó người dân đã lên tiếng rất nhiều nhưng ngành điện đã không nghiêm túc tiếp thu sửa chữa mà tiếp tục dấn sâu vào sai phạm. Không thể chấp nhận được việc, là đại biểu Quốc hội, là người đại diện cho dân nhưng ông Hoàng đã mắc những sai phạm nghiêm trọng. Tôi đề nghị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của ông Hoàng từ cơ sở - những người đã từng bỏ phiếu cho ông - chứ không phải chờ cấp trên xử lý .

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua cho biết, ngày 18-7, ông đã ký văn bản đồng ý với đề xuất của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam về việc tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM Lê Minh Hoàng vì đã có những sai phạm trong việc mua sắm 312.000 điện kế điện tử vừa qua. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý những cán bộ sai phạm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân trong vụ việc này. 

Tin cùng chuyên mục