Những lời cảnh báo không thừa

Mấy ngày qua, số người thiệt mạng do lũ quét gây ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc không ngừng tăng lên. Thiệt hại lớn nhất là ở vùng Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Hoàn lưu của bão số 4 (đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đã gây nên một đợt lũ lớn nhất trong hơn 20 năm qua đối với vùng thượng nguồn sông Hồng và sông Thao. Và rồi lũ quét đã diễn ra, chỉ trong đêm 8-8, lũ quét đã diễn ra ở Bát Xát làm hơn 40 người chết và mất tích. Cũng là hiện tượng lũ quét đã diễn ra ở Bảo Yên (Lào Cai), Hạ Hòa (Phú Thọ), Lục Yên (Yên Bái) khiến số người thiệt mạng, khối lượng tài sản bị tàn phá tăng lên theo thống kê từng ngày, các công trình công cộng bị san phẳng và giao thông đường bộ tê liệt. Một lần nữa cả nước lại bàng hoàng vì thiệt hại do lũ quét ở vùng núi phía Bắc. Phải chăng không ai có thể lường trước chuyện này?

Lật lại lịch sử thiên tai những năm gần đây, những cơn lũ quét không còn là chuyện lạ. Tháng 7-2004, trận lũ quét ở Du Già, Du Tiến (huyện Yên Minh, Hà Giang) đã làm 45 người chết.

Rút kinh nghiệm từ sau trận lũ quét này, đầu năm 2005, Bộ KH-CN cũng như Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã thông báo với tất cả các địa phương về những nguy cơ này đồng thời rốt ráo chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác phòng ngừa, cảnh báo. Giữa tháng 6-2005, tại Hà Nội, Bộ KH-CN đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về hiện tượng, nguy cơ và biện pháp khắc phục các hiện tượng trượt lở lũ quét và lũ bùn.

Tại hội thảo này, các nhà khoa học đã chỉ rõ 19 khu vực ở vùng miền núi phía Bắc luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lũ quét, lũ bùn đá mạnh và rất mạnh. Vùng Văn Chấn, Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) chính là một trong 19 khu vực đó. Thậm chí tên của các con suối Hoa, suối Thia cũng đã được chỉ đích danh về nguy cơ có lũ quét ở khu vực này. Thế nhưng đến cuối tháng 9-2005, chính tại 2 con suối này đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng với 50 người chết và mất tích. Vùng Bát Xát của Lào Cai cũng nằm trong số 19 địa điểm có nguy cơ lũ quét cao được cảnh báo. Trước đó, tháng 9-2004, tại thôn Sùng Hoảng xã Phìn Ngan huyện Bát Xát đã xảy ra một trận lũ bùn đất (một dạng của lũ quét) làm 23 người thiệt mạng. Và bây giờ Bát Xát lại tang thương vì lũ quét…

Trước tất cả những sự kiện nói trên, các nhà khoa học thuộc Viện Địa chất (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) đã xây dựng thành công bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét của tất cả những địa phương này, bàn giao tận nơi, hướng dẫn kỹ càng cách sử dụng. Trong các thông báo về bão số 4 vừa qua, cả Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đều cảnh báo việc có mưa to và rất to, cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất đối với vùng miền núi phía Bắc. Phải chăng chính quyền các cấp ở những địa phương trên không quan tâm đến chuyện này: Không biết đến sự cảnh báo từ các nhà khoa học? Không hề quan tâm tới sự chỉ đạo, cảnh báo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương?

Theo các nhà khoa học, với lũ quét, khi đã diễn ra thì mọi công tác cứu hộ, cứu nạn đều là muộn màng, do tính chất tàn phá khủng khiếp của nó. Vì vậy, nếu những địa phương chưa thực hiện di dời người dân ra khỏi những vùng có nguy cơ lũ quét được thì các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần thường xuyên cảnh báo để người dân đề phòng, nhất là khi có mưa bão… Vẫn biết lũ quét luôn diễn biến phức tạp và khó lường. Nhưng một điều dễ nhận biết là bão thường đi đôi với mưa lớn và chỉ khi có mưa lớn thì mới có lũ quét. Chưa hết, một số vùng cụ thể ở Lào Cai, Yên Bái… đều đã được cảnh báo về nguy cơ có lũ quét mạnh.

Vì sao bấy lâu nay, chính quyền không hề có một hành động cụ thể nào, như việc di dời dân khỏi những vùng có nguy cơ lớn, hay là thực hiện việc cảnh báo thường xuyên, nhất là khi có bão, kèm theo mưa lớn như vừa rồi để người dân biết mà phòng ngừa? Trách nhiệm đó thuộc về ai? Nếu không “xem thường” về sự cảnh báo của các nhà khoa học, thực hiện chỉ đạo đầy đủ các công điện của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương thì chắc chắn đã giảm được rất nhiều những thiệt hại do lũ quét gây ra, nhất là đối với tính mạng người dân. Rõ ràng những cảnh báo của các nhà khoa học không thừa chút nào. Dù nó không mới, nhưng giá trị cảnh báo về những nguy cơ, sự tàn phá của lũ quét vẫn còn nguyên giá trị.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục