Những ngả đường giày dép

Những ngả đường giày dép

Những ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua, cứ buổi chiều tối, trên đường Nguyễn Đình Chiểu người mua sắm giày dép và quần áo thời trang tràn ngập gây nên tình trạng kẹt đường cục bộ.

Những ngả đường giày dép ảnh 1

Người thợ đang sửa giày tại đường Lê Thánh Tôn Q1.

Chỉ trên một chặng đường ngắn mà có đến mấy chục thương hiệu giày khác nhau. Đông nhất phải kể đến hệ thống cửa hàng của giày Hồng Thạnh. Trẻ già chen nhau lựa chọn, đi thử và thậm chí là quyết định mua nhanh chóng do quá đông nên không có thời gian thử nhiều kiểu giày.

Những người bán hàng của Hồng Thạnh muốn lấy giày theo ý người mua từ kiểu dáng đến số giày đều gọi bằng hệ thống loa nội bộ vào kho hoặc trên lầu để người từ trong này đưa ra, trông khá chuyên nghiệp.

Giầy Hồng Thạnh được người tiêu dùng ưa thích vì có đầu tư nghiên cứu kiểu dáng đẹp, thậm chí có những kiểu dáng giày đã thấy có trước đây của một doanh nghiệp giày khác nhưng được Hồng Thạnh làm lại trông vẫn đẹp và nhẹ nhàng; giá cả phải chăng và chất lượng chấp nhận được. Giá bình quân 140.000-170.000 đồng/đôi là phù hợp với thu nhập chung của người lao động.

Bên cạnh Hồng Thạnh, một đại gia làng giày là Vina Giày, một thương hiệu nổi tiếng với chất lượng và mẫu mã khá hấp dẫn. Tuy nhiên, đến nay Vina Giày vẫn chỉ được chú ý bởi chất lượng da khá tốt trong khi mẫu mốt chậm đổi hơn vì vậy không mấy hấp dẫn giới trẻ.

Trên con đường Nguyễn Đình Chiểu còn nhiều shop giày thời trang bán giày sản xuất trong nước hoặc giày ngoại. Những shop giày ngoại thường bán giày Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, có màu sắc tươi sáng như xanh lá cây, xanh ngọc, nhựa trong suốt… chủ yếu dành cho các bộ thời trang váy áo hoặc những kiểu thời trang du nhập từ phim ảnh của các nước này. Trong khi đó, sản phẩm giày sản xuất trong nước thường là các chất liệu da và simili màu đen, nâu hoặc trắng…

Ở đường Trần Quang Diệu cũng sẽ gặp các cửa hàng giày dép với nhiều mẫu mã khá đẹp. Đây cũng là phố bán giày dép chủ yếu sản xuất trong nước. Trên tuyến đường này. Vina Giày cũng là thương hiệu có cửa hàng diện tích rộng nhất được trình bày chuẩn, có đầu tư chăm chút đến bảng hiệu và các tiêu chuẩn nhận diện thương hiệu của mình như màu sắc, logo…

Ở đây, do sự cạnh tranh gay gắt, nên mỗi cửa hàng có một chiêu thu hút khách hàng, hoặc một mẫu mã mới, hoặc cách trình bày hàng hóa thật nổi, hoặc có khuyến mãi… Cũng cần nói thêm, Vina Giày còn có một trung tâm thương mại Giày Việt Plaza trên đường Lý Chính Thắng - nơi tập trung nhiều tên tuổi trong làng giày dép, từ giày da thời trang nam nữ, giày thể thao, giày vải và cả giày dép có lẽ nhập khẩu từ Trung Quốc. Mẫu mã nơi đây cũng được cập nhật tương đối gần với xu hướng thời trang giày quốc tế, từ mũi nhọn, mũi tròn, mũi vồ đến đế cao, đế thấp, đế xuồng….

Hiện nay hầu hết các tuyến đường của TPHCM đều có các cửa hàng bán giày dép thời trang, hoặc tập trung với mật độ cao như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quang Diệu, Nguyễn Trãi…, hoặc đan xen với các khu vực bán thời trang quần áo và trang sức như Nguyễn Trãi, 3 Tháng 2, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn… Ở những khu vực này, người tiêu dùng có nhiều cơ hội mua sắm khá đồng bộ từ quần áo, giày dép, mũ nón, túi xách…

Mỗi khu vực nhắm đến những đối tượng khác nhau như khu vực đường Hai Bà Trưng thường bán hàng nhập khẩu nên giá cao; đường Cách Mạng Tháng Tám bán guốc gỗ, dép và cũng là trung tâm bán hàng giày dép thanh lý hàng tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu, vắng hẳn các tên tuổi giày dép công nghiệp, ngoại trừ các hệ thống cửa hàng bán giày Biti’s hay Bita’s và một vài cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm giày thể thao.

Có một điều thú vị, nếu có dịp đi dọc phố Lê Thánh Tôn - từ khu vực Nhà triển lãm TP đến chợ Bến Thành - sẽ thấy có rất nhiều thợ sửa chữa giày. Rất lạ là ngay trung tâm TP những tưởng chỉ bán các loại giày sang trọng thì những người sửa chữa giày lại tụ tập như một hội nơi đây. Chính tính cách phường hội như vậy nên người bị hư giày có thể đến đây sửa giày với giá phải chăng, tiết kiệm được một khoản tiền mua giày mới. Nhất là với những đôi giày ngoại khá đắt tiền thường ít được bảo hành, khi hư gót, bong keo. Một thợ giày ở đây cho biết, họ kiếm mỗi ngày mấy chục ngàn đồng, đủ để lo bữa ăn hàng ngày.

Shop giày dép tại TPHCM có những nét đặc sắc riêng, thể hiện bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, trong khi đó các kiểu kinh doanh giày công nghiệp lại dường như chưa được chú trọng.

NGUYỄN THY

Tin cùng chuyên mục