Túc trực tại các bến xe, bến tàu; ân cần hỏi han, hướng dẫn các tuyến đường, tuyến xe buýt gần địa điểm thi; giới thiệu nhà trọ miễn phí cho thí sinh và phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn… hay kể cả tư vấn, truyền đạt những kinh nghiệm làm bài thi đạt hiệu quả đã trở thành một “đặc sản” của những sinh viên tiếp sức mùa thi. Và khi những học sinh cuối cấp THPT từ mọi miền quê về TPHCM tham gia kỳ thi cao đẳng, đại học 2012, cũng là lúc những chiến sĩ áo xanh tình nguyện lại có mặt trên mọi ngả đường đồng hành cùng sĩ tử.
Chờ chuyến tàu đêm
2 giờ sáng, ga Sài Gòn không vắng vẻ như mọi khi. Không phải là khách đi tàu mà chỉ toàn những chiếc áo xanh tình nguyện tiếp sức. Đã hơn nửa tháng nay, 270 chiến sĩ là sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM chia nhau túc trực tại cửa sân ga chờ đón những thí sinh đầu tiên đến TP. Hăng hái nhất có lẽ là anh đội trưởng Hoàng Ngọc Minh (Học viện Hành chính quốc gia). Như lời kể của nhiều bạn chiến sĩ, đêm nào Minh cũng có mặt, mà lại có mặt rất đúng giờ. Dường như cái “máu tình nguyện” đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, trong từng hành động của chàng đội trưởng này. Minh tâm sự: “Mặc dù Trung tâm Hỗ trợ sinh viên không yêu cầu các đội trưởng phải có mặt thường xuyên nhưng mình vẫn thích ra đây đồng hành của các chiến sĩ khác”. Chưa kịp dứt lời, chuyến tàu đầu tiên cũng vừa đến ga, Minh lại cùng các bạn kê lại bàn ghế, chia nhau các vật dụng như bản đồ TP, bản đồ xe buýt, cẩm nang, phiếu thông tin… chờ trao tận tay đến từng thí sinh.
Do đặc thù các chuyến tàu thường về ga vào thời điểm gần sáng nên ca trực từ 3 - 6 giờ sáng có lẽ là nặng nề nhất. Để các chiến sĩ có đủ sức khỏe, Minh chia các chiến sĩ thành nhiều nhóm nhỏ và đăng ký theo ca. “Năm trước tụi mình làm theo tinh thần tự nguyện, ai rảnh giờ nào thì đến giờ đó. Ban đầu thì ai cũng sung cả, nhưng đến cận ngày thi, gần như các bạn đuối sức vì không thể thức đêm thường xuyên được. Vì thế, năm nay mình áp dụng hình thức làm một ngày nghỉ một ngày để các bạn đảm bảo sức khỏe tốt trong suốt chiến dịch”, đội trưởng Minh cho biết.
Ấm lòng bữa cơm tình nguyện
Có mặt tại Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhơn Hòa (Chi hội Nhơn Hòa) khi các chiến sĩ thuộc “biên chế” đội hậu cần đang chuẩn bị cho suất ăn vào buổi sáng hôm sau. Không khí thêm phần nhộn nhịp khi các chiến sĩ tại đây góp vui bằng những bài ca tình nguyện. Ngoài việc phụ giúp các cô, các dì tại trung tâm sơ chế rau củ quả, một số bạn nữ cũng tranh thủ học “lõm” nghề nấu ăn của bếp trưởng Trần Minh Tuấn. Nói là bếp trưởng nhưng công việc chính thường ngày của Tuấn là quản lý các hoạt động đối ngoại của trung tâm. Chỉ đến khi đảm trách thêm các suất ăn chay cho sinh viên tình nguyên, Tuấn mới xắn tay vào bếp trổ tài nấu nướng.
Minh Tuấn cho biết: “Phần lớn rau củ quả ở trung tâm được xin ở các chợ đầu mối. Gạo, gas, mắm và các gia vị khác cũng được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Từ khi trung tâm nhận hỗ trợ các suất ăn chay miễn phí cho chiến sĩ tình nguyện, công việc ở đây thêm phần vất vả. Nhiều hôm, các dì, các chị ở đây chỉ được nghỉ ngơi 3 - 4 giờ. Nhưng nhờ sự vui vẻ, hồn nhiên và nhiệt tình của các bạn sinh viên nên mệt mỏi cũng tan biến hết. Cũng theo Tuấn, Chi hội Nhơn Hòa đã đồng hành cùng sinh viên tình nguyện 3 năm rồi. Mỗi năm chừng hơn 1.000 suất ăn cho các bạn sinh viên.
Cũng ở Nhơn Hòa này, dì Năm Nỉ được sinh viên hay gọi là má bởi năm nay đã hơn 60 tuổi. Lên đây chừng hơn nửa tháng nay, dì Nỉ vừa làm vừa tâm sự cùng chiến sĩ tình nguyện cho đỡ nhớ con, nhớ cháu. Dì Nỉ cho biết: “Mỗi năm lên Nhơn Hòa làm từ thiện chừng một tháng nhưng luôn chọn thời điểm này vì được ở gần mấy đứa sinh viên. Tụi nó vừa vui vừa nhiệt tình, mình cũng thấy đỡ mệt mỏi”. Bận rộn với việc xếp dỡ cả xe tải rau từ đầu buổi nói chuyện, anh đội trưởng đội hậu cần Lê Văn Nhất chỉ kịp cho chúng tôi biết những công việc thường ngày của đội. Theo anh, hiện đội hậu cần có chừng hơn 70 chiến sĩ, làm hai ca mỗi ngày. Ngoài phụ sơ chế thức ăn, các bạn phải đóng gói cơm và thức ăn vào từng hộp rồi xếp lên xe tải. Tuy công việc không nặng nhọc nhưng có nhiều quy định bắt buộc nhằm bảo đảm thức ăn sạch đến với các chiến sĩ tình nguyện tại bến xe, bến tàu.
Rời Chi hội Nhơn Hòa khi những bài ca tình nguyện vẫn còn chưa dứt. Có lẽ, với lòng nhiệt tình từ những chiến sĩ “tiền phương” nơi bến xe, bến tàu đến những dì, những má “hậu phương” ở khắp nơi, các thí sinh cũng cảm thấy ấm lòng trước kỳ thi căng thẳng sắp đến.
Tường Hân
|