Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Nỗ lực để hội nhập

Nỗ lực để hội nhập

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa đến thăm Nhà máy Đạm Phú Mỹ-một dự án trọng điểm của nền kinh tế phía Nam. Tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngành công nghiệp sản xuất phân urê và giao nhiệm vụ: Đạm Phú Mỹ cần phải khẳng định thế mạnh của một doanh nghiệp “đầu tàu” trong sản xuất urê, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để vững vàng hội nhập.

  • Thế mạnh của dự án trọng điểm quốc gia

Nỗ lực để hội nhập ảnh 1
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (hàng đứng, thứ 2 từ trái sang) thăm Trung tâm điều khiển của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: H.VY

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, ông Trịnh Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty Phân đạm hóa chất dầu khí (cơ quan chủ quản của Nhà máy Đạm Phú Mỹ) cho biết: Với tổng vốn đầu tư lên đến 445 triệu USD, Nhà máy Đạm Phú Mỹ hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Tập đoàn Haldor Topsoe (Đan Mạch), Snamprogetti (Italia) và là nhà máy đầu tiên của Việt Nam sử dụng nguồn khí thiên nhiên vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhà máy hiện có 2 xưởng sản xuất chính là xưởng amoniăc và xưởng urê. Trong đó, sản phẩm urê của Đạm Phú Mỹ có dạng hạt trong, hàm lượng nitơ đạt từ 46,3% trở lên, chất lượng ngang bằng với sản phẩm ngoại nhập (đã được các cơ quan chức năng kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế).

Cũng theo ông Trịnh Thanh Bình, trung tuần tháng 8-2006 vừa qua, nhà máy đã đón nhận chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000. Việc xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 đã góp phần giúp cho công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, đồng thời giữ vững vai trò trọng yếu trong quá trình bình ổn thị trường phân bón trong nước.

Qua gần 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, trên 1.500.000 tấn phân urê của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã được đưa ra thị trường, chiếm khoảng 40% thị phần trong nước, góp phần bình ổn giá phân bón và tiết kiệm cho nhà nước mỗi năm trên 200 triệu USD do không còn phải nhập khẩu phân bón với số lượng lớn như trước đây. Điều đó cũng đồng thời giúp cho ngành phân bón nước nhà giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường thế giới, bà con nông dân nhờ vậy mà chủ động hơn trong việc canh tác, tiết kiệm được chi phí sản xuất và hạn chế tối đa tình hình giá cả phân bón leo thang.

  • Nỗ lực đưa phân bón xuống tận thôn, làng

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Đạm Phú Mỹ cần phải nỗ lực để xây dựng một hệ thống phân phối vững mạnh, phủ rộng toàn quốc và phải đưa phân bón xuống tận thôn, tận làng. Có như thế Đạm Phú Mỹ mới tận dụng được thế mạnh “sân nhà” trong hội nhập WTO. Mặc dù thuế suất nhập khẩu phân bón đã được nhà nước áp dụng 0% từ năm 2001, thế nhưng sau khi gia nhập WTO, các nhà sản xuất phân bón quốc tế sẽ tận dụng lợi thế khi được phép xây dựng hệ thống phân phối và đưa hàng của mình vào lưu thông tại Việt Nam, thị trường vì vậy sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, ông Trịnh Thanh Bình cho biết: Ngay sau khi thành lập, Đạm Phú Mỹ đã ý thức rất rõ việc xây dựng hệ thống phân phối vững mạnh, rộng khắp là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài việc tập trung sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đến nay, công ty đã có mạng lưới 28 đại lý quy mô lớn và hàng ngàn cửa hàng phân bón ở khắp các tỉnh - thành trong cả nước. 

THU TUYẾT-THẢO TIÊN

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về “Bài học và kinh nghiệm rút ra sau quá trình làm việc với các chuyên gia nước ngoài?”, ông Trịnh Thanh Bình cho biết: Sau một năm học tập, cùng làm việc và chuyển giao công nghệ với các chuyên gia nước ngoài, công ty đã có được bài học kinh nghiệm quý báu - đó là sự tự lực, tự cường. Các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư trẻ của công ty hiện đã hoàn toàn làm chủ được dây chuyền sản xuất của nhà máy, tiết kiệm khoảng 5 triệu USD nếu phải thuê các chuyên gia nước ngoài trong thời gian 3 –10 năm. Cũng theo ông Trịnh Thanh Bình, để hoạt động hiệu quả hơn trong cơ chế thị trường, công ty đã và đang hoàn thành đề án cổ phần hóa để đầu năm 2007 công ty sẽ hoạt động theo mô hình này. Hiện nay, tập thể công ty đang thực hiện chương trình “100 ngày thi đua nước rút”, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, đưa ra thị trường 680.000 tấn urê trong năm nay, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ đông xuân sắp tới.

Tin cùng chuyên mục