Nỗ lực quản lý thuế thương mại điện tử

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thuế đưa vào vận hành hệ thống cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đang có hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng tại Việt Nam.

Sự kiện này cũng đánh dấu Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia tiên phong ở khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định chủ quyền quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. 

Sau 6 tháng triển khai hệ thống nói trên, đến nay đã có 36 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký kê khai và nộp thuế trên cổng thông tin. Trong số này, có cả 6 “ông lớn” doanh nghiệp nước ngoài (Meta, Google, Microsoft, TikTok, Netflix và Apple) - đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 9, số tiền cơ quan thuế thu được từ dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới đạt gần 1.000 tỷ đồng. 

Nhưng như thế là chưa đủ. Các số liệu khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến chiếm tới 90% và doanh thu từ thương mại điện tử năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Với doanh thu và quy mô thị trường như vậy thì con số 1.000 tỷ đồng tiền thuế thu được còn quá khiêm cung. Nhiều ý kiến cho rằng, quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay vẫn đang “chậm nhịp” so với tốc độ phát triển của kinh tế số. 

Hiện nay, cơ quan thuế Việt Nam có thể thu thuế thông qua hành vi giao dịch thương mại và sự chuyển dịch dòng tiền (sau khi phát sinh giao dịch) được các ngân hàng thương mại cung cấp, nhưng đó là với tiền truyền thống và giao dịch truyền thống. Trên thực tế, người dùng có thể không dùng tiền Việt Nam hay các ngoại tệ được quy định khác để thanh toán. Thay vào đó, họ dùng các đồng tiền số, tiền mã hóa để thực hiện giao dịch. Xét về góc độ pháp lý, đến nay, Việt Nam chưa thừa nhận đồng tiền số, nhưng ở môi trường quốc tế, một số nơi vẫn được chấp nhận. Thậm chí, ngay ở trong nước, trên môi trường mạng vẫn đang diễn ra các hoạt động thương mại điện tử thông qua loại hình tiền mã hóa này. Nhưng cơ quan thuế lại chưa có công cụ lẫn cơ sở để kiểm soát và truy thu nguồn thuế. 

Hay như ý kiến về đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với các hoạt động thương mại điện tử đang được dư luận quan tâm gần đây. Thực tế, đây cũng là giải pháp mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khuyến nghị và được nhiều nước áp dụng, hiện nay đang tỏ ra rất hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, Việt Nam cần củng cố rất nhiều về căn cứ pháp lý. Cụ thể, phải sửa đổi các luật thuế giá trị gia tăng, về thu nhập cá nhân hay luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản pháp luật có liên quan, để tạo môi trường pháp lý thống nhất.

Để giải quyết những vướng mắc trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 889/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế cho phù hợp với các hoạt động thương mại điện tử đang diễn ra trên thực tế. Hy vọng, với nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng, những “lỗ hổng” trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay sẽ sớm được khắc phục, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tin cùng chuyên mục