Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6-2015, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 3,72% tổng dư nợ, tương ứng với con số nợ xấu tuyệt đối là 159.313 tỷ đồng. Mặc dù đây vẫn là mức nợ xấu khá cao, nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2015 là khả thi. Một trong những cơ sở để hoàn thành mục tiêu giảm nợ xấu chính là kế hoạch mua nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, trong năm 2015 VAMC sẽ mua khoảng 80.000 tỷ đồng nợ xấu, lũy kế đến cuối năm là 200.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù nợ xấu có về mức dưới 3% trên sổ sách thì khối lượng nợ xấu của nền kinh tế vẫn còn đó, chỉ là được “bắt nhốt” lại ở VAMC. Dự kiến năm 2015 công ty này chỉ xử lý được khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu, chỉ bằng 5% so với tổng số nợ mà VAMC đã mua. Trong khi đó, việc xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB), công cụ quan trọng được xem như “phao cứu sinh” giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) và VAMC thu hồi nợ, xử lý nợ xấu vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nếu không sớm xử lý tận gốc vấn đề này, nợ xấu sẽ vẫn là câu chuyện dài, là gánh nặng cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Tại một cuộc hội thảo về xử lý TSĐB trong hoạt động tín dụng vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc trong thu hồi, xử lý TSĐB như định giá TSĐB, và nhất là TCTD gặp khó khăn khi thu giữ TSĐB để xử lý do các văn bản pháp luật liên quan ở trong tình trạng vừa chồng chéo vừa thiếu hụt. Chẳng hạn, theo Nghị định số 163 của Chính phủ, có tới 4 phương thức xử lý TSĐB, nhưng khi đụng đến đâu các TCTD cũng gặp khó khăn. Trong các phương thức xử lý TSĐB thì bán tài sản vẫn đang được áp dụng phổ biến nhất. Nhưng trong các quy định của pháp luật hiện hành lại chưa làm rõ những trường hợp nào thì việc bán tài sản cần đặt dưới sự kiểm soát của tòa án. Nếu bên nhận bảo đảm được quyền bán tài sản thì cần phải tuân thủ các nghĩa vụ gì, để tránh lạm quyền, xâm phạm đến lợi ích của bên bảo đảm hay của các chủ thể khác. Hay như, phương thức nhận chính TSĐB để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Theo quy định hiện hành, trường hợp giá trị của TSĐB lớn hơn giá trị phải thanh toán thì bên nhận bảo đảm phải trả số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn của các TCTD cho thấy, dường như hai bên rất khó tìm được sự đồng thuận về giá trị của TSĐB dùng để khấu trừ nghĩa vụ nợ, đặc biệt khi giá trị TSĐB tại thời điểm xử lý thấp hơn giá trị khoản vay. Đến cuối cùng không còn cách nào khác thì TCTD buộc phải sử dụng phương thức khởi kiện ra tòa. Đây là giải pháp cực chẳng đã của các ngân hàng, bởi sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể thu hồi được tài sản.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, không thể kéo dài mãi tình trạng này. Tại các nước trên thế giới, một trong những điều tối kỵ trong xử lý TSĐB là kéo dài thời gian. Điều này gây thiệt hại nhiều đối với người cho vay, người đi vay và cả nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, cần phải cụ thể hóa bằng luật, sửa đổi luật để ngân hàng được thực thi quyền của mình. Trong đó, cần phát triển hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến TSĐB nhất là vấn đề công chứng, chuyển nhượng quyền sở hữu, đăng ký giao dịch đảm bảo…; xây dựng cơ chế quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự.
Để nợ xấu có thể trở thành “nợ đẹp” và tỷ lệ 3% không phải là con số ảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động của VAMC nói chung, cũng như hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC nói riêng. Trong đó, quan trọng nhất là hợp lý hóa quy trình thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp liên quan đến những khoản nợ xấu mà TCTD đã bán cho VAMC, kể cả quy trình thủ tục khởi kiện và thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
BẢO MINH