Mùa dịch cúm gia cầm

Nỗi buồn và hy vọng

Nỗi buồn và hy vọng

Việc khuyến khích người dân sử dụng lại các sản phẩm gia cầm sạch đã qua kiểm dịch xem ra vẫn chưa trấn an được người tiêu dùng. Tại các chợ đầu mối, các chợ bán lẻ tại TPHCM, người mua bán gia cầm vẫn chưa tăng về số lượng.

  • Chợ gà vắng vẻ
Nỗi buồn và hy vọng ảnh 1

Gà sạch đã qua kiểm dịch bày bán ở chợ Bến Thành.

Chúng tôi đến chợ Bà Chiểu vào khoảng 9 giờ sáng, lúc này chợ đã rất đông người. Tại các quầy thịt heo, thịt bò, cá… người mua kẻ bán tấp nập. Tuy nhiên, khi đến với khu bán thịt gia cầm thì khác hẳn.

Chị Mỹ Hà, người bán gà trên 10 năm cho biết, trước dịch cúm chợ có 15 quầy bán gà, giờ chỉ còn 4. “Trước đây mỗi ngày tôi bán trên 40 con, giờ chỉ 10 con, có khi bán không hết” - chị nói. Nhiều người bán gia cầm cho biết, họ cũng lấy gà, vịt cùng chỗ với siêu thị, có giấy phép kiểm dịch nhưng vẫn không bán được như ở siêu thị.

Chị Tuyết Nhung treo tấm bảng “bán gà đã qua kiểm dịch” để trấn an khách hàng, bởi từ khi có dịch mỗi ngày chị bán chưa tới 20 kg (trước chị bán trên 100 kg). “Lấy gà có kiểm dịch làm sao mà bệnh. Có bệnh thì tui là người bị trước tiên” - chị nói và đưa cả giấy kiểm dịch cho chúng tôi xem. Tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), trước đây có 20 người bán gà vịt nay chỉ còn lại một. Chị Anh, hộ duy nhất còn bán gà nhưng hàng ngày vẫn không bán được bao nhiêu. “Nghe nói đang khuyến khích ăn gà sạch, thì tui cũng bán gà sạch mà sao ế quá” - chị than phiền. Một số chợ khác tuy người bán gà không giảm nhưng lượng khách mua vẫn chưa đông.

Với các bà nội trợ thì muốn mua gà ở chợ, họ chọn chỗ quen. “Tôi chỉ mua mỗi chỗ này, mua chỗ quen thấy yên tâm hơn” - một khách hàng đang mua gà tại chợ nói với chúng tôi. Tuy nhiên siêu thị vẫn là nơi các bà nội trợ chọn mua các sản phẩm gia cầm nhiều nhất. Tại chợ Nguyễn Tri Phương, chúng tôi gặp chị Khánh Bình (đường Thành Thái quận 10), qua trao đổi về việc khuyến khích ăn gà trở lại, chị trả lời “Thèm thì mua gà trong siêu thị, mua ở chợ sợ lắm”. Và đó cũng là tâm lý chung của hầu hết người dân hiện nay. Chị Thanh Trang (quận 3) đang mua cá ở chợ Phạm Văn Hai nói: “Nhiều lúc thèm càri gà nhưng thấy báo đài nói về dịch nên cũng sợ, tôi chưa mạnh miệng ăn lại”.

  • Cơm gà, phở gà, cháo vịt… chung số phận
Nỗi buồn và hy vọng ảnh 2

Nỗi buồn mùa cúm gia cầm.

Không chỉ riêng các chợ, các quán ăn có liên quan đến thịt và trứng gia cầm như cơm gà, phở gà, cháo vịt, hủ tiếu gà, các quán bột chiên trứng… đều bị ảnh hưởng rất lớn. Tại các quán cơm gà Hồng Nam, Hồng Phát (Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), Hồng Xương (Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận) đều bị tình trạng: khách giảm, doanh thu thấp, thậm chí lỗ.

Chị Mai, chủ quán Hồng Nam, cho biết quán phải nghỉ bán cơm gà gần nửa tháng, chỉ bán cơm xá xíu và hải sản, nhưng vì thế mạnh là cơm gà nên lượng khách vào ăn giảm hơn 60%. “Khoảng 5 ngày nay nhờ việc khuyến khích ăn gà, khách có đông hơn nhưng vẫn chưa nhiều”. Chị cho biết trong vòng 1 tháng có dịch, tiệm đã lỗ hơn 10 triệu đồng.

Quán Hồng Xương vào thời điểm phát dịch mỗi ngày chỉ bán được 1 con gà. Các quán phở cũng có chung số phận như thế. Một số quán phở trên đường Nguyễn Thái Bình (quận TB) đến ngày 13-12 vẫn chưa bán lại gà. Bác Vũ Hải, chủ tiệm phở Bát Đàn cho biết tiệm nghỉ bán phở gà từ khi có dịch đến giờ vì khách không dám ăn. Còn tại tiệm phở Bảo, chị Hải (chủ quán) cho biết có một số khách quen đến ăn thường kêu thêm 2 quả trứng. Có dịch họ nghỉ ăn luôn.

Dịch cúm, khách không dám ăn trứng, các quán bột chiên ế ẩm. “Bán bột chiên mà không có trứng làm sao mà bán” - chị Mai, quán 311 Võ Văn Tần than thở. Với các quán cơm trưa thì dịch cúm gia cầm có ảnh hưởng nhưng không nhiều do họ nấu món khác thay thế và hầu hết các quán ăn đều cho biết không lấy gà ở chợ vì sợ không an toàn bởi chính họ là người trực tiếp nấu nướng.

  • Bán khô chờ thời...

Thực tế từ khi xảy ra dịch cúm gia cầm đến nay đã có nhiều người buôn bán gia cầm chuyển sang bán thứ khác hoặc nghỉ bán. Bác Lê Thị Liên (chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10) - người gắn bó với nghề bán gia cầm từ năm 1960 - đã chuyển sang bán khô. “Gắn bó với nghề lâu tôi đâu có muốn bỏ nhưng buôn bán ế ẩm đành phải chịu. Tôi đang mong hết dịch để được bán gà lại”.

Ngày trước, bác Liên kiếm lời từ bán gà khoảng 100.000 đồng/ngày. Còn từ khi bán khô, tiền lời không đủ cho việc chi tiêu hàng ngày của gia đình. Chị Hương ở chợ Bà Chiểu cho biết khi phát dịch chị cũng còn bán thịt gà. Tuy nhiên sau một thời gian buôn bán ế ẩm, chị quyết định chuyển sang bán thịt heo quay. “Không có mối với lại không quen mặt hàng nên ế lắm” - chị than phiền. Còn chị Thúy trước kia bán gà tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu (quận 6) nay đã chuyển sang bán rau chờ hết dịch để bán lại gà.

Việc các hộ chuyển đổi bán mặt hàng khác chỉ mang tính chất tạm thời. Hầu hết những người buôn bán gia cầm đều không muốn chuyển qua bán thứ khác bởi họ không quen mặt hàng. Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chính sách khuyến khích tiêu thụ gia cầm, đồng thời kêu gọi mọi người sử dụng lại sản phẩm gia cầm sạch đã qua kiểm dịch. Thế nhưng, tâm lý người dân không dễ thay đổi trong thời gian ngắn. Bà con buôn bán nhỏ đang mong dịch cúm qua nhanh… 

THÁI PHƯƠNG


 

Tin cùng chuyên mục