Nơi hồi sinh khát vọng sống

Có một nơi không chỉ là bệnh viện mà còn được gọi là “nhà”. Nơi mà y bác sĩ và bệnh nhân xem nhau như người thân, cùng chia ngọt sẻ bùi và đồng hành đi qua những ngày đen tối nhất của cuộc đời. Ngôi nhà đó mang tên Bệnh viện Nhân Ái - với sứ mệnh hồi sinh khát vọng sống cho những người mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Khám cho bệnh nhân có “H” giai đoạn cuối
Khám cho bệnh nhân có “H” giai đoạn cuối

Gieo lại mầm sống 

20 năm trước, Nguyễn Văn Trung là cậu học trò mới 12 tuổi. Bố mẹ bỏ nhau, Trung trở thành trẻ lang thang không nơi nương tựa. Ban ngày sống lang bạt ở gầm cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM), ban đêm chui rúc trong hẻm sâu rìa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Trung bị bọn “ma cô” dẫn dắt cho hút ma túy. “Lúc đó tôi cũng đã hiểu được tác hại của ma túy, nhưng không hiểu sao cứ lao vào như con thiêu thân”, Trung nhớ lại những ngày đau khổ. 

Hơn 3 năm chơi ma túy, Trung bị công an “gom” trong một lần cùng nhóm bạn tụ tập chích ma túy ở con hẻm sâu hút trên phố Tôn Đản, quận 4, TPHCM. Sau khi xác định bị nghiện, Trung được đưa lên trại cai nghiện Phú Văn (Bình Phước). Những ngày cai nghiện ma túy ở trại Phú Văn, cũng như nhiều trại viên khác, Trung được cắt cơn và giáo dục để làm lại cuộc đời với hy vọng hòa nhập cộng đồng sau khi ra trại. Thế nhưng, sự bồng bột của tuổi trẻ, nghe theo lời rủ rê của trại viên cùng phòng, Trung bỏ trốn về thành phố và càng dấn sâu vào ma túy. 

Lúc được đưa đến Bệnh viện Nhân Ái, Trung đã ở bên bờ vực của sự sống và cái chết, tình trạng cơ thể suy kiệt nghiêm trọng, hệ miễn dịch hầu như bị phá vỡ hoàn toàn. Toàn thân lở loét, chảy máu khắp nơi, cơ thể chỉ còn là một bộ xương với đôi mắt trắng dã. Các y bác sĩ đã dốc toàn lực để cứu Trung. Nhờ sự chăm sóc tận tình, nhờ cơ địa đáp ứng thuốc tốt, Trung hồi phục dần và trở nên khỏe mạnh như một kỳ tích. Sau này, cũng tại đây, anh gặp được vợ mình. Chính ngôi nhà Nhân Ái và các y bác sĩ là những “ông tơ bà nguyệt” xe duyên để anh có động lực sống đến hôm nay. “Từ ngôi nhà Nhân Ái, chúng tôi có một cô công chúa xinh xắn, năm nay chuẩn bị lên lớp 2, cháu may mắn không bị lây bệnh từ bố mẹ. Vợ tôi qua đời 3 năm trước, vì thế tôi phải cố gắng sống để còn được nhìn mặt con”, Trung tâm sự. 

Cứ 3 tháng, đúng theo quy định của bệnh viện, Trung lại khăn gói về thăm cô con gái nhỏ rồi lại trở về Nhân Ái. Anh bảo, ở Nhân Ái quen rồi, đi đâu cũng thành xa lạ. Hơn nữa ở đây anh còn nhiệm vụ thiêng liêng khác, đó là trực tiếp tắm, khâm liệm cho những người đồng cảnh ngộ lúc họ lìa xa cõi đời. 

Cũng như anh Trung, nhiều bệnh nhân khi đến Nhân Ái trong tình trạng kiệt quệ nhưng rồi lại khỏe mạnh, trở về với gia đình, cộng đồng như một phép màu. Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc bệnh viện, chia sẻ: “Hàng trăm bệnh nhân đến với chúng tôi rồi ra đi mãi mãi nhưng cũng có hàng trăm con người trở về với đời thường. Thật hạnh phúc khi hồi sinh được những ngọn đèn leo lét trước gió”. 

Bệnh nhân H.X.B. trước khi trở về với cộng đồng đã xúc động viết tâm thư gửi tới tri ân các thầy thuốc Bệnh viện Nhân Ái: “Trong lúc cùng cực nhất của cuộc đời, tưởng như thần chết đã đưa tôi đến với thế giới bên kia nhưng các bác sĩ đã níu tôi lại, trao cho tôi hy vọng sống mới. Đời có thể chối bỏ chúng tôi, gia đình có thể chối bỏ chúng tôi, nhưng “những ánh mặt trời” Nhân Ái đã sưởi ấm trái tim chúng tôi. Cảm ơn vì đã sinh ra chúng tôi một lần nữa”.

Gắn bó vì tình thương

Để lại sau lưng thành phố sôi động, hơn 10 năm trước, Th.S Nguyễn Thư Tình, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp quyết định nhận công tác tại Bệnh viện Nhân Ái. Và đã hơn 10 năm, dù trải qua nhiều biến cố của cuộc sống như không may bị phơi nhiễm căn bệnh thế kỷ, thậm chí hạnh phúc riêng tư tan vỡ vì sự kỳ thị với người nhiễm HIV, nhưng chị vẫn lựa chọn ở lại Nhân Ái như mối “duyên tiền định”. “Bệnh nhân cần chúng tôi, các đồng nghiệp cần chúng tôi, vì thế chúng tôi không nỡ bỏ lại sau lưng những con người này để đi tìm hạnh phúc riêng”, Th.S Nguyễn Thư Tình tâm sự.

Cũng có thâm niên gần 10 năm gắn bó với bệnh viện, chị Nhữ Thị Tuyến, hộ lý Khoa Săn sóc đặc biệt trở thành gương mặt thân thuộc với nhiều bệnh nhân. Chị Tuyến được bệnh viện đào tạo, tập huấn, thi tay nghề từng năm và hiện là một trong những hộ lý giỏi của bệnh viện. Chị Tuyến nói: “Công việc của hộ lý ở Khoa Săn sóc đặc biệt luôn tay luôn chân và ở trạng thái sẵn sàng phục vụ, chăm sóc 30-40 bệnh nhân. Các bệnh nhân của khoa đều là bệnh nhân giai đoạn cuối, không tự chăm sóc nên hộ lý phải giúp đỡ”. Cùng với sự suy kiệt sức khỏe là tinh thần suy sụp của bệnh nhân nên ngoài việc chăm sóc, những hộ lý như chị Tuyến còn phải lựa lời động viên, khuyên nhủ họ tiếp nhận điều trị. Có hoàn cảnh, lời tâm sự của bệnh nhân khiến chị rơi nước mắt. Tình thương từ đó cũng nảy nở trong chị ngày một lớn và đó chính là lý do chị gắn bó với bệnh viện.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Long cho biết, trong số gần 300 nhân viên y tế đang làm việc ở Bệnh viện Nhân Ái thì có gần 150 người kết đôi thành vợ chồng. Bởi cũng do môi trường làm việc biệt lập, sự thấu hiểu và đồng cảm lẫn nhau chính là “ông tơ bà nguyệt” xe những mối duyên lành ở Nhân Ái. Bên cạnh đó, bệnh viện đã xây dựng một khu nhà công vụ cho các nhân viên khi kết hôn, mở nhà giữ trẻ dành riêng cho con em để họ yên tâm công tác, chuyên tâm phục vụ bệnh nhân.

Còn với bác sĩ Nguyễn Thanh Lâm, phụ trách Khoa Săn sóc đặc biệt, người có thâm niên 12 năm công tác tại Bệnh viện Nhân Ái, nơi đây dường như đã trở thành chốn yên bình của anh. Anh kể, hồi mới chuyển về công tác, từ đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, bệnh viện ở nơi xa xôi hẻo lánh, tách biệt với thế giới bên ngoài đến phải đối mặt với những bệnh nhân nhiễm “H” có “số má” quậy phá…, cũng có lúc anh nản lòng. Anh đã từng đấu tranh dữ dội giữa việc đi hay ở. “Nhiều băn khoăn cứ vang lên trong đầu mình, nếu mình đi thì ai sẽ điều trị cho những người này, các đồng nghiệp ở lại có kham nổi không? Thế là mình ở lại”, anh tâm sự. 

Theo bác sĩ Lâm, đa số bệnh nhân ở đây nghiện ma túy, trước đây nhiều người là những tay “anh chị giang hồ”, được chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện của TPHCM về. Ngoài nhiễm “H”, họ còn mang trong mình nhiều bệnh cơ hội khác như bệnh phổi, gan, da… thể trạng suy kiệt. Khi mắc bệnh, do đa số đều bị người thân, cộng đồng kỳ thị, xa lánh nên lúc mới được chuyển đến, họ thường có thái độ bất hợp tác, hung hăng, chống đối, thậm chí tấn công lại người chăm sóc mình. Dẫu vậy, lâu dần anh và các đồng nghiệp cũng quen với điều đó; bệnh nhân dường như cũng tìm được sự thanh tịnh trong tâm hồn. “Sau những giông gió, biến cố cuộc đời, họ lại trở về đúng bản ngã của con người, hiền lành như những cành cây ngọn cỏ. Sống với họ lâu năm, tôi cảm thấy họ đáng thương hơn đáng trách, dễ mến và tình cảm lắm. Thế nên, càng gắn bó với họ lâu thì mình càng cảm thấy nơi đây bình yên đến lạ kỳ”, bác sĩ Lâm tâm sự.

Với các nhân viên y tế ở Bệnh viện Nhân Ái, hầu như ai cũng có câu chuyện của riêng mình. Nếu như chị điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm cương quyết không nghe lời cha mẹ bỏ nghề để tiếp tục ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân thì anh Bùi Văn Tiến suốt 11 năm công tác cũng là ngần ấy cái tết không đoàn tụ cùng cha mẹ ở Thái Bình. Kỳ diệu thay, ở nơi gần như biệt lập với thế giới bên ngoài lại đang có những hạt mầm hy vọng được gieo nên bởi trái tim Nhân Ái.

Được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2006, trên diện tích 170ha, thuộc địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, Bệnh viện Nhân Ái là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của TPHCM như một khu nghỉ dưỡng lý tưởng bởi không khí trong lành, rợp bóng mát của cây xanh và hoa trái. So với 14 năm trước, Bệnh viện Nhân Ái hôm nay đã khang trang và hiện đại hơn rất nhiều. Từ chỗ chỉ có 4 bác sĩ, 5 phòng/khoa, nay đã lên đến 16 phòng/khoa và 1 tổ quản lý chất lượng với gần 300 y bác sĩ, điều dưỡng, chăm sóc nội trú toàn diện, miễn phí cho gần 550 bệnh nhân.

Tin cùng chuyên mục