Nỗi lo thường trực ở vùng sạt lở - Bài 1: Còn lắm lo toan

Chính quyền và người dân các vùng sạt lở kinh hoàng tại Quảng Nam và Quảng Trị dẫu căng sức khắc phục hậu quả trong nhiều tháng qua, nhưng những tổn thất và phạm vi thiệt hại rộng đã khiến việc tái thiết cuộc sống người dân còn ngổn ngang, bộn bề khó khăn.
Người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị ngóng đất xây nhà tái định cư. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị ngóng đất xây nhà tái định cư. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

LTS: Chuỗi thảm họa sạt lở xảy ra cuối năm 2020 tại các vùng núi của miền Trung đã cướp đi sinh mạng hàng chục người dân, cán bộ, chiến sĩ; xóa sổ nhiều ngôi làng. Đã hơn 8 tháng trôi qua, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chức năng, cùng sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, cuộc sống của người dân vùng sạt lở đã phần nào ổn định. Tuy nhiên, khi mùa mưa bão năm nay đã cận kề, nhưng giải pháp căn cơ giúp người dân vùng núi ở miền Trung sống chung với sạt lở, an cư lạc nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, người dân miền Trung lại nơm nớp lo âu.  

Ngóng đất xây nhà
Hơn 8 tháng trôi qua sau thảm họa sạt lở hồi tháng 10-2020, hơn 100 gia đình đồng bào người Giẻ Triêng ở các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị cuốn phăng nhà cửa, đến nay mọi thứ tại đây vẫn ngổn ngang. Những dãy lều dựng sơ sài bằng cây gỗ, lợp bạt bên sườn núi ngay sau ngày sạt lở vẫn là nơi tá túc của những hộ dân mất nhà, mất người thân. Giờ họ chẳng biết làm gì khi nương rẫy đều bị đất đá vùi lấp sâu, không có cách nào khôi phục. 
“Đồi ma”, nghĩa địa chôn người chết mà trước đây người Giẻ Triêng chẳng bao giờ dám bén mảng đến do sợ “con ma”, thế nhưng từ ngày nhà cửa đổ sập, rồi lũ cuốn mẹ già và 2 đứa con tử vong, vợ chồng anh Hồ Văn Cây (thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) đã dựng lều bạt tại đây làm nơi tá túc cùng hàng chục hộ trong thôn có hoàn cảnh tương tự.
“Đất đá vùi lấp nhà cửa và tài sản mất hết rồi. Đất nương rẫy và vườn quế cũng bị đất đá vùi… Chỉ mong sớm làm khu tái định cư để chúng tôi có thể xây một căn nhà mới, yên tâm làm ăn”, anh Hồ Văn Cây nói. Đó cũng là mong ngóng của các gia đình khác tại đây.
Gặp lại ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, ông cho biết, UBND huyện Phước Sơn đã chi hơn 5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thiệt hại trong đợt mưa bão, sạt lở hồi cuối năm 2020. Huyện thuê các phương tiện cơ giới như xe múc, xe ủi khôi phục lại ruộng cho bà con. Tuy nhiên, hơn 50% diện tích nương rẫy không có khả năng khôi phục do lượng đất đá quá lớn, hoặc các sông, suối thay đổi dòng chảy hiện đã nằm ngay giữa cánh đồng.
“Tỉnh và huyện còn hỗ trợ kinh phí 49 tỷ đồng triển khai xây dựng 4 khu tái định cư cho các hộ dân có nhà bị sập hoặc cuốn trôi. Nhưng địa hình phức tạp, khó khăn trong việc san lấp mặt bằng và nguồn lực thiếu nên mãi đến cuối tháng 5 vừa qua, các nhà thầu mới khởi công san lấp mặt bằng để bà con xây nhà cửa trước ngày 30-6. Thế nhưng, hiện nay miền Trung bước vào thời điểm mưa dông nên việc thi công hoàn thiện nhà cho người dân trước mùa mưa bão năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Trung cho biết. 

Chúng tôi về lại nơi từng xảy ra sạt lở hồi cuối năm 2020 ở núi Ta Bang (thôn RaLy - Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Hiện nay, sườn núi đã xuất hiện vết nứt dài hơn 200m, chực chờ đổ xuống. Thế nhưng, ngay dưới chân ngọn núi này vẫn đang có 45 hộ dân với 171 nhân khẩu sinh sống trong những ngôi nhà cũ dột nát, mong ngóng nhà tái định cư. 

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết, địa phương kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ và tiến hành xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân xã Hướng Sơn trên khu đất bằng phẳng rộng 3ha thuộc thôn RaLy - Rào, cách nơi ở cũ của bà con khoảng 2km với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Huyện cũng chủ động thống kê các địa điểm sạt lở và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở tập trung tại các xã Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Việt, Húc để tiếp tục di dời dân tới các điểm tái định cư mới trước mùa mưa bão năm nay. 

Mất kế sinh nhai

Vượt qua những mất mát sau vụ thảm họa hơn nửa năm trước, hơn 100 hộ dân người M’Nông ở Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nay bắt đầu một cuộc sống mới. Những ngôi nhà có 2 phòng ngủ, một phòng khách, mái xà gồ sắt, lợp tôn, đặt trên 12 trụ bê tông cắm sâu vào lòng đất, đảm bảo chỗ ở bền vững lâu dài trên khu đất rộng hơn 6ha được đặt tên Bằng La. Bên dòng sông La hiền hòa, tiếng cười nói của trẻ con, tiếng gọi nhau đi làm của người lớn thể hiện cuộc tái sinh của hàng chục hộ dân xã Trà Leng. 

Già làng Hồ Văn Đề (trú thôn 1, xã Trà Leng) có 8 con, cháu bị chết và mất tích trong thảm họa tháng 10-2020, gượng dậy làm việc, khích lệ mọi người lập lại cuộc sống. Hàng ngày, già Hồ Văn Đề mang giỏ vào rẫy gần nơi ở cũ để chăm sóc những gốc quế, dó bầu của gia đình còn sót lại sau trận sạt lở. Theo già, ngoài chăm sóc những gốc quế, dó bầu thì đất làm lúa nước bị bồi lấp gần hết nên không thể canh tác. “Con cháu mình mất, buồn đau chứ, nhưng cứ buồn mãi sao được, phải làm ăn trở lại để còn lo cho mấy đứa cháu mất cha, mất mẹ. Già nay hơn 80 tuổi rồi, nên chăm sóc vườn quế để bán mua gạo thôi”, già làng Hồ Văn Đề tâm sự.

Dẫu đã được chính quyền địa phương bàn giao nhà mới, nhưng đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vẫn còn những lo âu. Ngồi bên nhà sàn của con trai, già làng Hồ Văn Phức (63 tuổi, thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt) dõi mắt xa xăm về dãy núi Ka Lóc sau thôn với chi chít vết sạt lở lớn, nhỏ. Nơi ấy, lũ quét kinh hoàng từng cuốn trôi ngôi nhà ông và các ngôi nhà người thân và bà con chòm xóm vào cuối năm 2020.

“Nhà đổ sập thì chính quyền đã hỗ trợ xây dựng lại, nhưng đất ruộng, nương đến nay vẫn chưa thể khôi phục lại; nhiều vết sạt lở tiếp tục đe dọa đến những ngôi nhà nằm bên dưới núi Ka Lóc khi mùa mưa bão tới gần”, già Hồ Văn Phức lo lắng.

Hướng Việt lọt thỏm giữa thung lũng bao quanh bởi đồi núi và trùng điệp rừng nguyên sinh, vốn rất yên bình. Nhưng trận lũ quét cuối tháng 10-2020 đã cuốn phăng tất cả. Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, cho biết, giờ cứ có mưa là toàn bộ nước từ các đỉnh núi, từ các vệt sạt lở cũ lại chảy dồn về khu vực trung tâm xã rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Xã kiến nghị với các cấp để hỗ trợ địa phương xây đê bao, ngăn dòng chảy từ các điểm sạt lở về khu vực dân cư khi mưa lũ xảy ra.

Tin cùng chuyên mục