
Lần đầu tiên lãnh đạo Bộ TN-MT đã khen chính quyền địa phương như vậy khi kết thúc kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai năm 2003 tại huyện Cần Giờ, TPHCM ngày 26-8. Tuy nhiên, chính vì điều này, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ đã… phê bình lãnh đạo Sở TN-MT TP về “ý tưởng” chọn nơi đây làm cơ sở để tìm… vướng mắc!
TPHCM: Ngạc nhiên Cần Giờ!
Điểm khác biệt gây ngạc nhiên đầu tiên mà Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Thu báo cáo với Thứ trưởng Đặng Hùng Võ và Trưởng đoàn kiểm tra số 1 – Vụ trưởng Đất đai Nguyễn Khải: huyện có đến 53% trong tổng diện tích 70.421ha là rừng và Cần Giờ là quận huyện đầu tiên có Trung tâm Dịch vụ hành chính nhà đất (DVHC) – một đơn vị nằm ngoài “ý tưởng” triển khai Luật Đất đai 2003.

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ: “Nơi nào cũng làm được như Cần Giờ thì tốt biết mấy”.
Trung tâm DVHC đã được thành lập và hoạt động trực tiếp tại các xã, thị trấn từ đầu năm 2004 để làm nhiệm vụ giải thích, hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận, giải quyết và hoàn trả hồ sơ cho người dân; kể cả việc đóng thuế đất giúp họ. Nhờ vậy, tỉ lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) nông nghiệp cấp cho dân đã đạt đến 96% (36.522 giấy với diện tích 8.640,53ha); tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu cũng giảm rất nhiều.
“Từ năm 2004 đến nay, huyện đã triển khai 13 dự án có thu hồi đất với 1.224 hộ dân bị ảnh hưởng. Mặc dù do đặc thù của địa phương, đa số các hộ dân bị giải tỏa không có nhu cầu tái định cư, nhưng trước khi triển khai dự án, huyện cũng đã chuẩn bị các khu tái định cư phục vụ nhu cầu đất ở cho người dân.
Cụ thể: khu dân cư Cá Cháy (7,6ha) ở xã An Thới Đông; Cọ Dầu (12,2ha) ở xã Bình Khánh; Giòng Ao (5ha) ở thị trấn Cần Thạnh; Hòa Hiệp (4,7ha) ở xã Long Hòa; Móc Keo (15ha) ở xã An Thới Đông với tổng số 1.472 nền nhà (diện tích từ 100-150m2)”. Nghe ông Thu nói đến đây, cả Thứ trưởng Đặng Hùng Võ lẫn Trưởng đoàn Nguyễn Khải đều ngạc nhiên: “Kiểm tra nhiều nơi nhưng chúng tôi chưa thấy nơi nào lại chuẩn bị nơi tái định cư trước cho người dân như ở đây – khu vực mà tốc độ đô thị hóa còn rất thấp!”.
Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, “nói như thế không có nghĩa là địa phương hết… vấn đề”. “Nhận thức trong đội ngũ cán bộ về pháp luật đất đai còn lẫn lộn giữa cũ và mới; dẫn đến công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến dân chưa sâu”, bà Dung nhìn nhận.
Kết thúc buổi kiểm tra tại huyện Cần Giờ, một điều bất ngờ xảy ra là Thứ trưởng Đặng Hùng Võ đã “phê bình” về “ý tưởng” chọn huyện Cần Giờ làm nơi tìm… vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai năm 2003. Ông càng “bất bình” khi Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thanh Nhàn “truyền đạt” với ông thông tin: ngày 27-8 sở sẽ (tự ý) thay địa bàn kiểm tra mà đoàn chọn từ một quận đang rất “nóng” là Bình Thạnh sang nơi “tốt hơn cả Cần Giờ” là quận 11!
Hà Nội: Phát hiện “giấy đỏ” giả!
Trọng tâm ngày làm việc thứ 5 của Đoàn kiểm tra đất đai số 2 (Bộ TN-MT) tại Hà Nội hôm qua, 26-8 là tình hình mua bán, chuyển nhượng “chui” đất lâm nghiệp với quy mô lớn tại huyện Sóc Sơn.
Theo ông Trần Đức Hoàn, Chủ tịch UBND huyện, hầu hết các trường hợp mua bán đất rừng, lập trang trại trên địa bàn Sóc Sơn đều là mua bán trao tay. Trong tổng số 570 trường hợp, huyện đã xử lý được gần 290 trường hợp, còn khoảng 280 trường hợp chưa xử lý được. Ngoài ra, trên địa bàn Sóc Sơn đã phát hiện 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“giấy đỏ”) giả.
Thái Nguyên: Không tin vào cấp xã- phường
Tại TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đoàn công tác nêu nội dung phản ánh trong đơn gửi Bộ Trưởng Bộ TN-MT của ông Phan Quang Tùng ở phường Tân Thành, trong hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ, cán bộ địa chính yêu cầu tới 5 loại giấy tờ. Gồm 2 bản sao giấy CMND của vợ chồng chủ đất, bản sao hộ khẩu, đơn xin cấp GCNQSD đất, biên lai đóng thuế đất 3 năm.
Trưởng đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Tiến Khang, Phó vụ trưởng vụ đăng ký và thống kê đất đai nói Luật không yêu cầu như vậy, các nội dung trên đã có đầy đủ trong đơn, chính quyền địa phương xác nhận, liệu đây có phải việc gây khó khăn cho dân?
Trưởng phòng TN-MT TP Thái Nguyên giải trình rằng không tin tưởng vào đơn do xã, phường xác nhận nên yêu cầu hồ sơ phải có đủ các loại giấy tờ trên để quản lý tốt hơn. Lãnh đạo một số phường xã cho biết việc xét cấp GCNQSD đất vẫn phải qua Hội đồng vì Chủ tịch UBND xã sợ trách nhiệm cá nhân.
Lâm Đồng: Dân phải “vòng vèo” vì chính quyền “né”
Chiều 26-8, đoàn kiểm tra số 7, Bộ NN-PTNT đã tổ chức buổi tổng kết chuyến công tác kiểm tra tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2003 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Quốc Trung – Trưởng đoàn kiểm tra nêu: “Tỉnh cần nghiên cứu, trong quá trình quy hoạch, giải phóng mặt bằng ít nhất là phải làm sao cho cuộc sống người dân bằng với khi thu hồi đất”.
Đoàn phát hiện một số địa phương chưa làm đúng các quy định hành chính của nhà nước. Trong đó, TP Đà Lạt có dự án nhưng không ra quyết định thu hồi đất của người dân, còn Đức Trọng thì có quyết định thu hồi đất trong dự án nhưng không gửi quyết định cho người dân. Tình trạng này làm cho: “Người dân không có cơ sở nào để tiếp tục đi khiếu kiện, mà không có quyết định hành chính thì làm sao khiếu nại?! Người dân không biết đi đâu nên phải vòng vèo…” – ông Trung nói.
Cần Thơ: Dân khiếu nại kéo dài
Qua kiểm tra, sổ sách và hồ sơ địa chính của các quận, huyện, Đoàn kiểm tra đã phát hiện có nhiều sơ sót trong lập hồ sơ; sổ sách địa chính viết không rõ ràng, việc chỉnh sửa sai sót không kèm theo biên bản. Theo ông Trần Hùng Phi, Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký và thống kê đất đai (Bộ TN-MT), vướng mắc lớn nhất của TP Cần Thơ là chưa thực hiện quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến ắch tắt khi thực hiện giao đất xây dựng các khu dân cư.
Việc chính quyền chần chừ cùng lúc áp dụng hai phương thức: khi chính quyền đứng ra bồi hoàn, khi nhà đầu tư thỏa thuận với dân là chồng chéo, người dân khiếu nại kéo dài. Cần Thơ cần phải thống nhất thực hiện một trong phương án này.
NHÓM PV