Tại TPHCM có rất nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác về cư trú, làm việc và học tập. Khi mới đặt chân đến TPHCM, mối lo đầu tiên của người nhập cư là tìm phòng trọ để ở. Nhưng để tìm được một phòng trọ an toàn, sạch sẽ, giá cả hợp lý ở TPHCM không phải là chuyện dễ.
Hầu hết người thuê trọ nấu ăn bằng bếp gas mini, nguy cơ gây cháy cao
Khó tìm được nơi ưng ý
Không ít người mới “chân ướt, chân ráo” lên TPHCM đã bị các “cò phòng trọ” gạt gẫm. Loại “cò” này tập trung nhiều ở các bến xe khách, xe buýt. Họ có thể kiêm luôn nghề chạy xe ôm, bán vé số, bán hàng rong… Khi thấy hành khách vừa bước ra từ bến xe với vẻ mặt ngơ ngác, họ dò hỏi xem có cần thuê phòng trọ, họ sẽ giới thiệu, đưa tới nơi và thu từ 50.000 đến 100.000 đồng tiền cò. Bạn Nguyễn Văn Việt, sinh viên năm nhất ĐH KHXH-NV TPHCM, kể: “Lúc mới lên TPHCM nhập học, mình đi tìm phòng trọ, thấy biển quảng cáo cho thuê phòng trọ giá rẻ, mình không biết đường nên hỏi chị bán nước. Chị niềm nở hỏi han rồi dẫn mình tới nơi cho thuê trọ. Khi xem phòng, mình thấy phòng ẩm thấp quá nên không thuê, nhưng cũng bị chị bán nước đòi trả 50.000 đồng phí môi giới. Thấy mình ngạc nhiên, chị nói nếu chịu thuê trọ thì phải trả 100.000 đồng! Mình cũng đành ngậm ngùi trả tiền, xem như bài học đầu tiên khi đến ở trọ tại TPHCM”.
Để tìm được một phòng trọ gần chỗ làm, chỗ học rất khó. Vì nhu cầu thuê trọ ở các khu vực gần khu công nghiệp và trường học luôn rất lớn, nên người muốn thuê trọ cũng không có nhiều lựa chọn, nếu chần chừ là có người khác thuê mất. Có không ít trường hợp sau khi đồng ý thuê trọ, bị chủ nhà trọ đòi đóng tiền cọc mặc dù chưa ký hợp đồng, chỉ viết giấy biên nhận. Đến khi chuyển vào ở rồi ký hợp đồng thì người thuê trọ mới giật mình khi bị chủ trọ đòi thêm những khoản phí khác, như phí để xe, phí điện thắp sáng hành lang dãy trọ, phí đổ rác…
Bất an phòng trọ giá rẻ
Những dãy phòng trọ giá rẻ, phù hợp với công nhân, sinh viên thường chất lượng rất thấp, nóng bức, không an toàn cho người thuê trọ do có nhiều nguy cơ trộm cắp, cháy nổ. Chị Hà, công nhân may, ở trọ tại phường Linh Xuân (quận Thủ Đức), lo lắng: “Khu nhà trọ tôi ở có hơn 20 phòng. Hầu hết người ở trọ là công nhân và sinh viên và đều nấu ăn bằng bếp gas mini. Những bình gas được đổi đi đổi lại nhiều lần, đã bị hoen rỉ. Thấy mọi người sử dụng bình gas mini, tôi cứ nơm nớp lo sợ, vì khu nhà trọ lụp xụp, kín bưng, dễ xảy ra hỏa hoạn”.
Nhiều nhà trọ ở ngoại thành, đặc biệt trong những khu vực chờ giải tỏa, thường không có cổng rào, nên người lạ ra vào tự do, rất dễ xảy ra trộm cắp vặt. Một số chủ trọ thờ ơ việc đăng ký tạm trú cho người ở trọ, nên địa phương khó quản lý an ninh trật tự. Đã xảy ra không ít trường hợp người thuê phòng trọ nhận cho người khác vào ở ghép để bớt được chi phí thuê trọ, rồi bị người ở ghép lấy cắp đồ đạc bỏ trốn.
Trong khi nhiều chủ nhà trọ hưởng ứng sự vận động của TPHCM giữ giá cho thuê ổn định để giảm gánh nặng cuộc sống cho người thuê, cũng có những chủ nhà trọ bắt chẹt người thuê trọ, liên tục tăng giá thuê phòng, tính giá điện nước quá cao. Có nhà trọ tính giá điện đến 5.000 đồng/kWh. Có những phòng trọ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và khu vực không đảm bảo an ninh trật tự, nhưng giá cho thuê lại khá cao. Ở gần các trường đại học, một phòng nhỏ khoảng 15m² có giá cho thuê từ 1,3 triệu đến 1,7 triệu đồng/tháng. Nhiều sinh viên thuê trọ than cứ hết một học kỳ chủ nhà trọ lại tăng giá với lý do giá điện, nước tăng nên giá phòng trọ cũng phải tăng theo. Đắt khách nên có chủ nhà trọ buộc sinh viên thuê phải đóng tiền thuê trọ 6 tháng một lần thay vì đóng từng tháng.
NGUYỄN VĂN THỦY