
Mở đầu hoạt động hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) 2007, buổi tọa đàm về bản quyền truyền hình (sáng 10-1) là một trong những vấn đề quan trọng và đáng quan tâm của ngành.
Vi phạm bản quyền sẽ chấm dứt?

Chưa có liên hoan truyền hình toàn quốc nào, vấn nạn bản quyền truyền hình được bàn bạc khá bài bản và “nói có sách, mách có chứng” như lần này. Bà Đỗ Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVAd) - Đài Truyền hình Việt Nam (Đài THVN) vừa phân trần vừa minh họa việc làm của các đơn vị truyền hình.
Đó là, Đài THVN thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng cách trả tiền sử dụng khi phát sóng tác phẩm âm nhạc thông qua hợp đồng ký kết với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; Đài trả tiền mua các chương trình truyền hình nước ngoài như chương trình thể thao, phim truyện, phim tài liệu, thể thao, show game; hoặc khi sử dụng các chương trình truyền hình nước ngoài thông qua vệ tinh khi Đài phân phối qua truyền hình cab, truyền hình kỹ thuật số đều có ký hợp đồng v.v…
Bà Đỗ Lan Hương cũng nêu những hình thức vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ của một số đài truyền hình địa phương (THĐP) dưới hình thức “gian lận quảng cáo” đối với đài THVN thông qua việc phát sóng các chương trình Đài THVN nhưng đến phần quảng cáo của chương trình là cắt và thay hoặc lồng ghép vào đó chương trình quảng cáo của “bản đài”! Việc làm này là vi phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn chương trình phát sóng của VTV.
Ngoài ra, còn các hình thức vi phạm khác như vi phạm bản quyền hoặc vi phạm và lợi dụng thương hiệu cũng được mô tả. Ví dụ: một số đài địa phương hoặc các công ty kinh doanh lĩnh vực truyền hình trả tiền đã lấy chương trình của VTV hoặc chương trình trên hệ thống Pay TV của VTV để phát sóng và quảng bá trên chính hệ thống Pay TV của công ty.
Thoải mái hơn, một số chương trình đặc sắc hoặc “ăn khách” của đài cũng bị sao in thành băng đĩa kinh doanh bất hợp pháp như “Gặp nhau cuối tuần”, “Gala cười” hay các chương trình âm nhạc được khán giả yêu thích …
Mô tả thực trạng vi phạm bản quyền, Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT cũng nêu một số vụ việc liên quan. Chẳng hạn, sự tranh chấp quyền phát sóng hai kênh thể thao ESPN và Star Sport giữa đài TH TPHCM và Công ty truyền hình cáp Saigon Tourist vừa qua.
Đáng lưu ý nhất là nhiều đài THĐP đã thu các chương trình không mua bản quyền; phát sóng phim bộ nhiều tập của nước ngoài và của công ty xuất nhập khẩu, phát hành phim Việt Nam (Fafilm Việt Nam). Ông Vũ Xuân Thành nhắc đến một số hoạt động thanh tra Bộ VH-TT từng xử lý hoặc xem xét: VTC, Truyền hình Lào Cai, Yên Bái, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bình Dương phát sóng các phim khi chưa có bản quyền của Fafilm Việt Nam như: Lên nhầm xe, Mùa tương tư ngô đồng, Tình ca Khang Định, Sao băng, Nữ hiệp tóc trắng, Không thể khuất phục…
Bản quyền trong điều kiện hội nhập

Trong tình hình Việt Nam chính thức gia nhập WTO, liệu vấn đề bản quyền truyền hình có thể “được để yên” và các đài THĐP có còn được “du di” phát sóng với lý do là đơn vị truyền hình trang bị kỹ thuật chưa hiện đại, nhân lực không nhiều, kinh phí hạn hẹp nhưng yêu cầu phải phục vụ cho nhân dân địa phương?
Đây là một bài toán khá hóc búa cho các đài địa phương nếu không tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ và một số luật liên quan. Ông Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc Đài THVN, với cái nhìn bao quát nhiều vấn đề về hoạt động của ngành truyền hình, đã nhấn mạnh đến ý nghĩa hết sức thực tiễn khi Việt Nam gia nhập WTO.
Hơn lúc nào hết, quyền Sở hữu trí tuệ càng phải được tôn trọng, tuân thủ đúng đắn. Đã đến lúc, các đài truyền hình địa phương cần nhận thức rõ lĩnh vực hoạt động, điều kiện hoạt động làm thế nào cho đúng với luật; cần tôn trọng các nhà sản xuất phim, sản xuất chương trình để đi đến thỏa thuận, thương lương hoặc xin phép chủ sở hữu v.v…
Hơn thế nữa, vấn đề cạnh tranh lành mạnh giữa các đài cũng là vấn đề đặt ra. Trên cơ sở này, các đài địa phương, nếu chỉ dựa vào những chương trình VTV, không nỗ lực xây dựng chương trình hay, hấp dẫn thì về lâu dài sẽ bị thụt lùi và không có tính thuyết phục cao đối với khán giả.
Trong các chương trình truyền hình hiện nay, những yêu cầu cao về chất lượng, nội dung và kỹ thuật một mặt tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ, một mặt phải xác định được thực lực và làm nên sự sống còn của các đài truyền hình.
KIM ỬNG