Vấn đề lương trở nên “nóng bỏng” trên diễn đàn của Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sáng qua (10-6) khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung liên tiếp nhận được những câu hỏi chất vấn của các ĐBQH về tiền lương, học phí, viện phí..
Đại biểu Nguyễn Đức Chính (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại hội trường.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) cho rằng, việc trích nguồn thu từ viện phí, học phí để bổ sung nguồn chi trả cho lương trong lĩnh vực giáo dục, y tế chỉ là cách giải quyết cái lợi trước mắt, chứ về lâu dài, cử tri đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ để khắc phục. Đại biểu Trân cũng gay gắt kiến nghị, Bộ Tài chính cần có giải pháp khắc phục hữu hiệu sự lãng phí, thất thoát để thu về ngân sách và có thêm nguồn chi. Bên cạnh đó, cần bãi bỏ thu từ viện phí, học phí để cải cách tiền lương cho khu vực này. Cũng liên quan đến vấn đề trích kinh phí, ĐBQH Lê Thị Nam (Bình Dương) đặt câu hỏi: “Khi tham mưu cho việc xây dựng kế hoạch trích 35% viện phí để tăng lương có sai với Nghị định 95 của Chính phủ về vấn đề này?”Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, không đồng tình với quan điểm của đại biểu Trân về việc trích tiền là ép các bệnh viện và trường thu phí vì viện phí thực chất không phải là viện phí mà chỉ là khoản thu để trang trải cho ngành, việc thu này là nhằm tránh đối xử bình quân với mọi đối tượng: người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi khám chữa bệnh không phải mất tiền; người có công, đối tượng chính sách đã có thẻ bảo hiểm y tế (đối tượng này đang khoảng 30 triệu người) và được ngân sách hỗ trợ. “Những đối tượng khác có thu nhập trung bình cao thì phải thu một phần hoặc toàn bộ viện phí, học phí để giảm gánh nặng chi cho ngân sách”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.Việc giao khoán kinh phí cho bệnh viện, trường học là để các đơn vị này toàn quyền, chủ động trong việc chi và trả lương cho cán bộ công nhân viên (cho phép trả tăng gấp 3 lần so với các mức thông thường) dần dần tiến tới để các đơn vị này tự lo trả lương từ chính những khoản thu phí. Bộ trưởng khẳng định, nếu việc này làm tốt thì đến năm 2007 sẽ có thể tăng lương ở mức cao hơn.Về quy định trích 35% viện phí trái với Nghị định 95 của Chính phủ, ông Hùng nhấn mạnh, vấn đề này đã được đưa ra trong Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết này cao hơn Nghị định của Chính phủ. Nghị quyết yêu cầu phải sửa chế độ học phí, viện phí nhưng 4 năm nay chưa sửa được do có những ý kiến khác, nhưng năm nay sẽ cố gắng sửa. Việc sửa đổi sẽ theo hướng, tiền thu từ những nguồn này không phân chia mà để các đơn vị giữ 100% và toàn quyền xử lý. Hiện tất cả các địa phương đều đã thực hiện theo cách này.Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung cũng xoay quanh chủ yếu vấn đề tiền lương. Theo ông Trung, việc chậm trễ trong việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương là do thay đổi toàn bộ hệ thống thang lương, bảng lương và phụ cấp đã liên quan trực tiếp đến quyền lợi của từng người hưởng lương, vì vậy phải ra quyết định chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với từng người; do thu gọn hệ thống thang lương, bảng lương nên phải rà soát lại và cần phải có thời gian thực hiện...Chất vấn của các ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Hà Tĩnh) và Mạc Kim Tôn (Thái Bình) cho rằng, hiện nay có nhiều giáo viên dạy các trường tiểu học, THCS, THPT lại tốt nghiệp đại học, có bằng tiến sĩ, nhưng vẫn chỉ hưởng lương bằng những giáo viên khác liệu có khuyến khích những người có trình độ cao? Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cho biết, Bộ Nội vụ hiện đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn bổ sung, trong đó phân lại ngạch giáo viên theo tiêu chuẩn: chưa đạt chuẩn, chuẩn và trên chuẩn để trả lương theo đào tạo và xếp ngạch hợp lý.