“Nóng bỏng” mặt hàng thép

Với tốc độ xây dựng mạnh ở hầu hết các khu vực trên thế giới, cộng với tình hình quặng sắt đang ngày càng cạn kiệt như hiện nay, thị trường phôi thép và thép xây dựng dự đoán trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục nóng bỏng với các cơn sốt giá.
“Nóng bỏng” mặt hàng thép

Với tốc độ xây dựng mạnh ở hầu hết các khu vực trên thế giới, cộng với tình hình quặng sắt đang ngày càng cạn kiệt như hiện nay, thị trường phôi thép và thép xây dựng dự đoán trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục nóng bỏng với các cơn sốt giá.

Tranh luận và mâu thuẫn trong việc giảm hay không giảm thuế nhập khẩu phôi thép xuống bằng 0% đang ngày càng trở nên gay gắt giữa các bộ ngành liên quan. Bộ Tài chính cho rằng, lượng phôi thép sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu (số còn lại phụ thuộc vào hàng nhập khẩu) cho nên việc duy trì mức thuế nhập khẩu phôi thép 5% như hiện nay là việc làm cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh vào việc sản xuất phôi.

“Nóng bỏng” mặt hàng thép ảnh 1

Sắt thép tăng giá ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Thế nhưng, theo tính toán của Bộ Thương mại, giá phôi thép nhập khẩu hiện nay đã tăng lên khá cao, và dự báo trong thời gian tới giá sẽ còn tăng mạnh (từ 5-10USD/tấn), do Trung Quốc bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu (13%) đối với các mặt hàng thép. Vì vậy, để đảm bảo duy trì tốt tiến độ sản xuất thép xây dựng và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, Bộ Thương mại đã chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho giảm thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% hiện nay xuống 0%.

Cùng quan điểm với Bộ Thương mại, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, mặc dù được bảo hộ, thế nhưng 2 doanh nghiệp sản xuất nhiều phôi thép nhất hiện nay là Tổng Công ty Thép Việt Nam (với gần 1 triệu tấn/năm) và Công ty Thép Hòa Phát (với trên 100 ngàn tấn/năm) vẫn đang trong tình trạng lỗ nặng.

Hiện tại, giá phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc đang có giá từ 420-425USD/tấn, tức đã tăng từ 15-20USD/tấn so với tháng 4-2005. Điều này đã khiến cho thị trường thép ngày càng nóng bỏng. “Giảm thuế là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm giúp cho thị trường bình ổn, tránh thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến tiến độ xây dựng trong nước nói chung” - ông Phạm Chí Cường nói.

Do hơn 40% phôi thép của cả nước nhập về là từ Trung Quốc, nên các chính sách thuế của Trung Quốc đối với việc xuất khẩu các mặt hàng thép trong thời gian qua đã tác động mạnh đến thị trường sắt thép trong nước. Hiện nay, giá thép xây dựng trên thị trường tự do trong nước đã tăng lên từ 8,2 lên 8,3 triệu đồng/tấn (tại thị trường phía Nam), và từ 7,9 lên 8,1 triệu đồng/tấn (tại thị trường phía Bắc), bất chấp việc Chính phủ yêu cầu không tăng giá bán thép.

Ông Đặng Huy Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Thép miền Nam cho biết, mặc dù chủ động được một phần sản lượng phôi (do công ty sản xuất được) nhưng do không được tăng giá bán nên công ty ông cũng đang phải bán sản phẩm với mức giá thấp hơn giá thành sản xuất từ 15%-20%. Và nếu tình trạng này kéo dài thì mức lỗ năm nay của công ty sẽ lên tới 30%-35%. Đây là con số không phải chỉ riêng ở Thép miền Nam. Tại các doanh nghiệp khác, mức lỗ sẽ còn cao hơn do phần lớn phụ thuộc vào nguồn phôi thép nhập khẩu. “Ngành công nghiệp thép xem ra thật khó thoát khỏi tình trạng tuột đà tăng trưởng trong năm nay”-ông Hiệp nhận định.

Theo các chuyên gia kinh tế am hiểu thị trường, giá phôi thép và thép xây dựng trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng cao. Vì vậy, nên giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0% đối với mặt hàng phôi thép để hạ nhiệt thị trường đang vào mùa cao điểm xây dựng (2 quý cuối năm) và chia sẻ một phần khó khăn cùng doanh nghiệp. Hơn nữa, việc giảm thuế nhập khẩu cũng là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới

NGUYỄN THU TUYẾT

Tin cùng chuyên mục