
Chiều 26-10, lần thứ 4 trong vòng 1 tháng qua, UBND TPHCM triệu tập cuộc họp liên quan đến tình hình xử lý nước đục và một số hoạt động của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) với sự tham gia của gần 40 đại diện các sở ngành, quận - huyện. Những vấn đề đặt ra tại cuộc họp không chỉ tập trung vào vấn đề xử lý nước đục, nước bẩn mà như lời Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải là nhằm hướng đến việc tạo ra một hệ thống cung cấp nước sạch, chất lượng tốt phục vụ nhân dân.
- Tình hình nước đục vẫn chưa “êm”
Báo cáo về công tác xử lý nước đục, ông Võ Dũng, Tổng giám đốc SAWACO, cho biết: Đến thời điểm này, SAWACO đã giải quyết cơ bản tình trạng nước đục, nước vàng trên mạng. Vào thứ 7 vừa qua, lần đầu tiên, SAWACO đã ứng dụng công nghệ Polly Pigs - một công nghệ mà nhiều nước trên thế giới áp dụng - súc rửa thử nghiệm tuyến ống dài khoảng 700m trên tuyến đường Cầu Xéo (khu vực Tân Kỳ - Tân Quý).

Biện pháp cắt ống súc xả trong thời gian qua vẫn chưa đem lại hiệu quả thực sự.
SAWACO kiến nghị thành phố cho phép thực hiện công nghệ dùng thiết bị mút này để súc rửa tuyến ống nước định kỳ và những tuyến ống sau khi đã thi công trên mạng lưới cấp nước. Trong khi đó, đại diện các quận 10, 11, Tân Bình, Tân Phú có chung nhận định: Sự nỗ lực của SAWACO đã làm nước đục, nước vàng giảm đáng kể; số người dân phản ánh nước đục cũng giảm.
Tuy nhiên, kết quả xử lý trên chưa thật sự bền vững. Vẫn còn một số khu vực nước lúc đục, lúc trong. Một cán bộ quận Tân Phú thông tin: Đến nay, tình hình nước đục tại địa bàn này vẫn chưa “êm”. Nước đã trong tại 4 phường trước đây bị đục nhưng lại phát sinh nước đục tại 3 phường khác.
Bà Thái Thị Dư, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết: Hiện nay, khu vực còn bị ảnh hưởng nặng nhất là tuyến Lạc Long Quân - Âu Cơ (phường 9, 10). Riêng khu vực đường Phạm Văn Hai mặc dù đã súc xả đường ống rất nhiều lần nhưng nước vẫn còn màu vàng đậm. Trước vấn đề này, lãnh đạo thành phố cùng các sở ngành cho rằng SAWACO nên tiếp tục tìm nguyên nhân nước đục nhất là từ chất lượng nguồn nước hiện nay để có giải pháp xử lý triệt để.
- Súc rửa đường ống: Chưa toàn diện
Về chất lượng nguồn nước hiện nay, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết: “Mặc dù nước còn lúc đục, lúc vàng nhưng chất lượng nguồn nước máy hiện nay khá an toàn. Kết quả kiểm tra 45 mẫu nước trên mạng lưới cấp nước mới đây cho thấy không có mẫu nước nào bị nhiễm vi sinh.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu về hóa, lý thì có hơi… lộn xộn”. Theo báo cáo của Đội Y tế dự phòng quận 11, trong 12 mẫu nước kiểm tra sáng 26-10, có 8 mẫu không đạt chỉ tiêu về hàm lượng Clor (chất khử trùng). Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nguyễn Đắc Thọ lại cho biết, có đến 30% số mẫu nước không đạt tiêu chuẩn về độ pH.
Tình trạng này đã được trung tâm lưu ý SAWACO nhiều lần vì nó sẽ làm ăn mòn đường ống. Cũng theo ông, hiện tượng vàng, đục gia tăng có thể do chất hữu cơ hiện diện trong đường ống. Chính vì thế, nếu chỉ chú ý đến việc súc rửa đường ống thì chưa toàn diện.
Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo, các mẫu nước nhiễm vi sinh đều tập trung tại các hầm chứa ở các chung cư, cư xá. Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng nhiều trường học, trường mẫu giáo, nhà trẻ đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm vi sinh, thậm chí bị nhiễm cả chất hữu cơ do sử dụng cả nguồn nước máy và nước giếng khoan trộn lẫn vào nhau.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Lê Thanh Hải, phân tích: Do áp lực nước hiện nay không đủ mạnh nên buộc người dân phải xây hồ chứa nước. Trong khi công tác súc rửa hầm chứa nước chưa được quan tâm đúng mức nên hầu hết nguồn nước qua hầm chứa đều có vấn đề.
Bên cạnh đó, dù chất lượng nguồn nước máy đến đồng hồ nước đã đảm bảo tiêu chuẩn nhưng việc thi công các đường ống nhánh trong nhà dân mỗi người thực hiện mỗi kiểu không đúng kỹ thuật nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại vòi của nhà dân. Vì thế, phải tính toán đến việc làm thế nào đảm bảo chất lượng nguồn nước đến tận “nồi cơm, ấm nước..” của mọi gia đình.
- Hướng đến “uống nước tại vòi”
Mở đầu phần phát biểu của mình, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải bộc bạch: “Nước là vấn đề đại sự không thua gì ngành điện nhưng thời gian qua chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Nguồn ngân sách thành phố đầu tư cho ngành nước còn ít. Việc quản lý mạng cấp nước chưa sát. Vì vậy, chúng ta cần phải tập trung giải quyết tình trạng nước đục trước mắt và có giải pháp lâu dài về vấn đề này.
Đặc biệt, ở TPHCM, phải hướng tới việc nâng chất lượng nguồn nước từ tiêu chuẩn quốc gia lên tiêu chuẩn quốc tế. Làm thế nào để có thể uống nước tại vòi như hầu hết các nước trên thế giới”. Để làm được những điều đó, sắp tới, thành phố sẽ ban hành chỉ thị toàn diện việc cung cấp nước sạch cho dân.
Về tình hình xử lý nước đục, Chủ tịch Lê Thanh Hải cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để ngành cấp nước giải quyết rốt ráo. Ông đồng ý với đề xuất của SAWACO trong việc sử dụng rộng rãi thiết bị thông ống bằng mút trên mạng cấp nước; thuê tư vấn giám sát nước ngoài để kiểm tra công tác giám sát việc thi công các công trình cấp nước có kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới; đầu tư trang thiết bị khảo sát, thăm dò đường ống cũ mục để chủ động khắc phục sự cố…
Tuy nhiên, SAWACO cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các địa phương để kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân. Riêng cách tính tiền nước sau sự cố nước đục, phải thực hiện theo hướng có lợi nhất cho dân. Về lâu dài, Sở GTCC phải tham mưu cho UBNDTP trong việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, nhất là đối với hệ thống mạng cấp nước.
Sở GTCC cũng phải giữ nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động cấp nước. Đối với hoạt động của Trung tâm Y tế dự phòng, theo Chủ tịch UBND TP, Sở Y tế phải nghiên cứu đề xuất “nâng cấp” hoạt động của trung tâm này để làm tốt vai trò giám sát không chỉ với nước mà vệ sinh thực phẩm nói chung.
Ông cho rằng, một quận đô thị tập trung đến vài trăm ngàn dân mà chỉ có đội y tế dự phòng với nhân sự năm, ba người là không ổn. Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Hải cũng đồng ý sẽ dùng vốn ngân sách đầu tư cho hệ thống mạng cấp 1 nhưng đối với mạng cấp 2, thành phố sẽ tính toán để cùng đầu tư một cách bài bản. Khẩn trương hoàn tất việc lập bản đồ số hóa hệ thống đường ống cấp nước để chủ động thay thế ống mục.
1.110 khách hàng khiếu nại đồng hồ nước chạy sai số |
VÂN ANH - HƯƠNG UYÊN