Ổn định giá và tạo cơ hội cho thương hiệu gạo Việt phát triển

Trước bối cảnh giá thu mua lúa gạo đang có những xu hướng gia tăng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM đã nhanh chóng làm việc với nhà cung cấp để đưa ra giải pháp ổn định giá gạo, góp phần hỗ trợ người tiêu dùng.

Chủ động ổn định giá gạo trong nước

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện nguồn dự trữ gạo trong hệ thống dồi dào nên hiện tại cơ bản giá bán gạo tại các hệ thống phân phối của SGC được giữ ổn định, SGC tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mãi về đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Song song với đó, để chủ động đảm bảo nguồn cung phục vụ Tết nguyên đán, Saigon Co.op chủ động làm việc với nhà cung cấp để nâng tỷ lệ dự trữ gạo từ 1.270 tấn và tăng lên 1.800 tấn. Gạo bình ổn của SGC được cung cấp từ các thương hiệu: Wilmart, Tấn Vương. Bên cạnh đó, gạo Co.op Happy (thuộc nhóm hàng nhãn riêng của SGC) tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng có giá tốt tương đương.

Nguồn cung ứng gạo dồi dào, giá ổn định

Nguồn cung ứng gạo dồi dào, giá ổn định

Về giá bán, SCG duy trì mức giá bán gạo trắng thường là 15.500 đồng/kg; gạo trắng thơm là 17.000 đồng/kg. Đây cũng là 2 loại gạo nằm trong 9 nhóm hàng SGC thực hiện bình ổn theo chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Trước đó, do ảnh hưởng từ tình hình biến động của thị trường, các nhà cung cấp cũng đã gửi đề nghị điều chỉnh giá. Tuy nhiên, SGC chỉ áp dụng giá mới khi điều kiện thích hợp đối với nhóm hàng nằm trong diện bình ổn giá.

Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến nay, năm nay diện tích trồng lúa giảm 100.000ha nhưng sản lượng lại đạt cao hơn năm trước, ước đạt 43 triệu tấn lúa. Ngoài mục tiêu xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo thì việc đảm bảo an ninh lương thực là không khó thực hiện.

“Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chương trình bình ổn thị trường. SGC đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ và luôn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch. Giá được thu mua từ nguồn kết hợp thêm khai thác hiệu quả mạng lưới phân phối hơn 800 điểm bán trên toàn quốc nên giá gạo của SGC được giữ ổn định, không chịu biến động từ thị trường. Các Co.opmart, Co.opXtra thường xuyên tổ chức chương trình bán hàng lưu động, đây cũng là hình thức phản ứng nhanh nếu thị trường có biến động sốt giá cục bộ” - ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ thêm.

Tăng cơ hội phát triển thương hiệu “Gạo Việt”

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc tập đoàn Lộc Trời cho rằng, đây là cơ hội cho tạo thương hiệu, phát triển thị trường gạo Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu cung ứng gạo trên thị trường tăng cao là cơ hội tốt cho Việt Nam tạo dựng thương hiệu và cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.

Do vậy, cần tính đến việc mở rộng vùng trồng có tính đến việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, theo tiến độ mùa vụ nguồn giống, thuốc, phân, dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân. Đây là điều kiện cần để tăng sản lượng cho xuất khẩu. Còn điều kiện đủ là cần đa dạng chủng loại gạo phù hợp thị trường quốc tế. Triển khai và mở rộng quy mô các mô hình canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế SRP100, mô hình canh tác lúa hữu cơ… giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, nâng cao nhận thức về môi trường và tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, phát triển gạo chất lượng cao yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vận hành tốt các hệ thống quản lý chất lượng (SMETA, BRCGS, FSMA, HACCP…).

Dây chuyền sản xuất gạo của Công ty Cổ phần Gạo Công nghệ cao Trung An
Dây chuyền sản xuất gạo của Công ty Cổ phần Gạo Công nghệ cao Trung An

Về phía cơ quan chức năng, nhanh chóng bổ sung thêm các chính sách về hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nông nghiệp và có cơ chế phù hợp để thúc đẩy giải ngân cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân. Cùng với đó, cần có chính sách lãi vay phù hợp để các doanh nghiệp đảm bảo xoay sở được nguồn vốn hoạt động. Riêng chính quyền các cấp hỗ trợ doanh nghiệp chính sách quy hoạch, vận động bà con nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tạo ra các vùng nguyên liệu quy mô lớn theo cơ cấu các giống chất lượng cao tại các tỉnh. Đặc biệt, phải tăng cường vai trò kết nối giao thương của TPHCM và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời nâng cấp, xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại tại TPHCM, hệ thống logistics, cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hoạt động xuất khẩu gạo.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ đang tổ chức tham vấn các đối tác quốc tế và tổ chức tín dụng trong nước để triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến sẽ có 12.000 tỷ đồng được đầu tư vào đề án, trong đó, 3.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước và 8.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam “bức tốc” tăng trưởng phát triển.

Tin cùng chuyên mục