Ngành bán lẻ Việt Nam: Cần định vị lại để tăng trưởng bền vững

Trong bối cảnh sức mua có dấu hiệu chững lại, hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng và chuyển đổi số diễn ra ngày một sâu rộng, ngành bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, để làm rõ những động lực, thách thức và cơ hội giúp ngành duy trì đà tăng trưởng bền vững trong một "trật tự mới" của thị trường.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Phóng viên: Thưa ông, sau một thời gian tăng trưởng nhanh nhờ lực đẩy hậu Covid-19, hiện nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang tỏ ra thận trọng, phát triển chậm lại. Điều này phản ánh điều gì về trạng thái thực của thị trường?

Ông Nguyễn Anh Đức: Đúng là sau giai đoạn hồi phục mạnh mẽ hậu đại dịch, thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào một chu kỳ tái cân bằng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt khoảng 6,39 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Tuy nhiên, phần tăng trưởng này chủ yếu đến từ yếu tố giá cả, còn sức mua thực tế có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt trong nửa cuối năm.

Một chỉ dấu rõ ràng là chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 100 điểm – phản ánh tâm lý dè dặt trong chi tiêu, lo ngại về thu nhập và việc làm. Đây là tín hiệu mà các nhà bán lẻ phải đặc biệt lưu ý. Không ít doanh nghiệp đã tạm dừng mở rộng, tinh giản danh mục sản phẩm, điều chỉnh chính sách giá – cho thấy sự chuyển dịch từ thế công sang thế thủ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là dấu hiệu suy thoái, mà là một bước chuyển cần thiết để tái cấu trúc, sắp xếp lại vị thế và mô hình tăng trưởng. Trong bối cảnh áp lực lạm phát, chi phí vận hành tăng, thị trường buộc phải loại bỏ sự tăng trưởng dễ dãi và bước vào giai đoạn nâng chất. Đó là một tín hiệu tích cực nếu được nhìn nhận đúng và có hành động kịp thời.

Có thể thấy các yếu tố toàn cầu đang ảnh hưởng ngày càng rõ đến bán lẻ trong nước. Nhưng theo ông, đâu là những tác động sâu xa mà doanh nghiệp trong ngành cần nhận diện?

Đúng là tác động từ bên ngoài đang trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.

Thứ nhất là các biến động địa chính trị – như xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng Trung Đông – làm thay đổi dòng chảy thương mại, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở các nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh, nguyên liệu đầu vào. Điều đó khiến doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vừa chịu áp lực nhập khẩu chi phí cao hơn, vừa khó duy trì ổn định về giá.

Thứ hai, hệ thống hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia – với hơn 20 FTA và 6 tổ chức đa phương – tạo ra dư địa lớn về tiếp cận thị trường, nhưng cũng đòi hỏi năng lực cạnh tranh cao hơn về sản phẩm, hệ thống phân phối và chuẩn hóa vận hành. Một ví dụ điển hình là FTA với Israel – hiệp định đầu tiên giữa ASEAN và Trung Đông – sẽ hình thành dòng sản phẩm tiêu dùng mới, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải thích ứng linh hoạt, từ quy chuẩn chất lượng đến cách tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, việc điều chỉnh hệ thống hành chính – như tinh gọn bộ máy quản lý, giảm cấp trung gian, sáp nhập địa phương – cũng sẽ làm thay đổi bản đồ phân phối. Việc sắp xếp lại 63 tỉnh, thành còn 43 sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quy hoạch thương mại, mà còn tác động trực tiếp tới chiến lược mở rộng mạng lưới, xây dựng chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa. Những ai chủ động điều chỉnh theo hướng này sẽ nắm được lợi thế sớm.

Anh 3.jpg
Người tiêu dùng ưa chuộng mua hàng hoá tại chuỗi cửa hàng Co.opFood của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM

Giữa nhiều áp lực như vậy, ngành bán lẻ liệu còn dư địa nào để tăng trưởng vượt kỳ vọng?

Câu trả lời là có, thậm chí còn rất lớn nếu biết khai thác đúng cách. Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8%. Với đặc thù, tăng trưởng ngành bán lẻ thường cao hơn 1,5 lần so với GDP, tức là ngành cần đạt mức 12% – 14% để đảm bảo đóng góp thực chất cho nền kinh tế. Chỉ thị gần đây của Bộ Công Thương cũng yêu cầu các địa phương đưa ra kế hoạch tăng trưởng ngành bán lẻ ở mức 12% – 20%. Nếu không tận dụng thời điểm này, doanh nghiệp trong nước sẽ đánh mất thị phần vào tay các nhà đầu tư nước ngoài – vốn đang mở rộng rất mạnh tại Việt Nam.

Dư địa rõ ràng nhất chính là tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, và sự phổ cập của công nghệ trong hành vi tiêu dùng. Việt Nam có gần 60% dân số trong độ tuổi lao động, dân số trẻ, yêu thích công nghệ và chấp nhận chi tiêu cho trải nghiệm. Nếu các nhà bán lẻ biết cá nhân hóa dịch vụ, tích hợp số hóa và phát triển sản phẩm xanh – sạch – lành, họ sẽ chạm đúng nhu cầu thị trường.

Vậy trong bối cảnh đó, đâu là nhóm giải pháp then chốt để giữ vững và mở rộng đà tăng trưởng?

Tôi cho rằng ba trụ cột sau là then chốt.

Thứ nhất là chuyển đổi số không chỉ ở khâu bán hàng mà cả trong quản trị dữ liệu, vận hành chuỗi cung ứng và cá nhân hóa trải nghiệm. Các hệ thống như thanh toán không tiền mặt, AI cho chương trình khuyến mãi, phân tích hành vi tiêu dùng... cần được đầu tư bài bản và đồng bộ. Đây không còn là lợi thế cạnh tranh, mà là tiêu chuẩn tối thiểu.

Thứ hai là phát triển bền vững. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên hàng hóa thân thiện với môi trường, minh bạch về nguồn gốc. Các nhà bán lẻ cần tích cực đưa hàng xanh – sạch vào hệ thống, đồng thời lồng ghép tiêu chí ESG vào hoạt động – từ đóng gói, vận chuyển đến dịch vụ hậu mãi.

Thứ ba là tăng cường hợp tác trong chuỗi giá trị. Trong giai đoạn tái cấu trúc, các nhà bán lẻ nên nhìn nhau như đối tác thay vì đối thủ. Hợp tác với nhà sản xuất, đơn vị công nghệ, logistics để tạo ra các hệ sinh thái mở sẽ giúp chia sẻ chi phí, tối ưu hạ tầng và đẩy nhanh tăng trưởng theo chiều sâu.

Có vẻ như muốn phát triển bền vững, ngành bán lẻ phải “định vị lại chính mình”? Ông có đồng tình không?

Hoàn toàn đồng tình. Ngành bán lẻ không còn là khâu tiêu thụ cuối cùng, mà phải là trung tâm kết nối giữa sản xuất, dịch vụ, công nghệ và người tiêu dùng. Vì vậy, định vị lại vai trò, cơ cấu hoạt động và chiến lược thị trường là điều tất yếu.

Điều đáng lo hiện nay là nhiều doanh nghiệp chưa có hệ thống dữ liệu khách hàng đủ sâu, chưa đầu tư cho phân tích hành vi và chưa tạo được mô hình kinh doanh có bản sắc riêng. Nếu chỉ làm theo xu hướng, theo đuôi các mô hình ngoại quốc, thì sẽ không thể phát triển đột phá.

Chúng ta cần hướng tới việc tạo ra các mô hình bán lẻ “Made in Vietnam” – nơi người tiêu dùng tìm thấy sự gần gũi, đáng tin cậy, và giá trị gia tăng rõ ràng. Đó có thể là sự kết hợp giữa văn hóa địa phương với công nghệ mới, giữa chuỗi cung ứng ngắn với trải nghiệm thông minh. Tôi tin rằng nếu làm được điều này, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ không chỉ trụ vững, mà còn dẫn dắt đà tăng trưởng tiêu dùng khu vực trong thập kỷ tới.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện sâu sắc và nhiều gợi mở.

Tin cùng chuyên mục