4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không
Tại phiên họp, Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 7 và 7 tháng tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kết luận nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”. Trong đó, 4 ổn định gồm: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
3 tăng cường gồm: tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.
2 đẩy mạnh gồm: đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.
1 tiết giảm: là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; 1 kiên quyết không: là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững; tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia…
“Rất xót ruột và sốt ruột” khi tiền để đấy không tiêu được
Chiều 3-8, tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, đến 31-7, ước giải ngân vốn đầu tư công là 186.848 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng giao. Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay giải ngân đạt khoảng 48.000 tỷ đồng/301.000 tỷ đồng. Lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương khẳng định, bài học quan trọng nhất là đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức công việc, giám sát, kiểm tra, đôn đốc.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh. Giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng “tiền để đấy không tiêu được” là “rất xót ruột và sốt ruột”.
Thủ tướng yêu cầu cần chỉ ra đâu là vấn đề thuộc về thể chế, thẩm quyền thuộc về ai? Nếu thuộc về Chính phủ thì Chính phủ phải làm, thuộc về các bộ thì các bộ phải làm. Nếu thuộc thẩm quyền cấp cao hơn thì phải báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị; cần phải chỉnh sửa các điều luật, các nghị quyết của Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội. “Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành là những người nắm rõ nhất việc này. Chúng ta nắm giữ các nguồn lực mà nhìn thấy ách tắc thì chắc chắn phải sốt ruột, lo lắng, trăn trở, trừ những người vô cảm”, Thủ tướng chia sẻ.
Theo Thủ tướng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ khó. Năm 2022, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công càng lớn khi lượng vốn đầu tư công (542.000 tỷ đồng) gấp hơn 2,5 lần năm 2016 (204.000 tỷ đồng) và nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải đề cao hơn nữa trách nhiệm bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành. Các bộ ngành, địa phương phải tự rà soát lại các thủ tục, công việc cần triển khai để chỉ đạo thực hiện đúng quy định, tránh tiêu cực, tham nhũng… Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nội dung này, tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI: Ổn định vĩ mô cần được quan tâm hơn
|