
Đó là lời tâm sự của anh Đỗ Anh Tuấn, ông chủ của hai nhà sách chuyên về lĩnh vực nghệ thuật với thương hiệu Art Book (43 Đồng Khởi và 1B1 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TPHCM).
Đi tìm thị phần cao cấp

Một góc nhà sách Art Book.
Kinh doanh mặt hàng sách chuyên ngành nghệ thuật, thuộc loại “không giống ai”, nhưng Đỗ Anh Tuấn đã tạo được một con đường rất riêng cho mình. Đó là con đường hẹp, nhưng đối tượng khách hàng cũng rất đặc biệt.
Anh Tuấn cho biết: “Hầu hết khách đến với Art Book là những người làm công việc dính dáng đến nghệ thuật như kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thiết kế, đồ họa… Vì vậy, thông thường nhà sách của chúng tôi đông khách nhất cũng chỉ có… bốn, năm người. Thế nhưng, ai đã mua cuốn nào là đáng “đồng tiền bát gạo” cuốn đó…
Để có được những đầu sách nghệ thuật thuộc loại hàng “độc” và phong phú về chủng loại, anh Tuấn đã phải đi khắp các hội chợ trên thế giới tìm hiểu, thương thảo và nhập sách. Từ năm 2004 đến nay Art Book đã cập nhập khoảng 400 - 500 tựa sách/năm, với khoảng 2.000 bản.
Cuối năm 2008, nhà sách còn bổ sung được hơn 600 tựa sách chuyên ngành. Hiện Art Book có các chủng loại sách như: kiến trúc, trang trí nội thất, thiết kế đồ họa, sách nghệ thuật. Trong tương lai Art Book sẽ bổ sung thêm các loại sách về kiến trúc tượng đài, nhiếp ảnh và nghệ thuật trang điểm.
Đến với Art Book, điều đầu tiên khách hàng cảm nhận được là không gian rất yên tĩnh để những người làm trong ngành sáng tạo có thể thư giãn và tìm ý tưởng mới. Nhiều họa sĩ hay kiến trúc sư khi bí về ý tưởng đã đến Art Book ngồi rất lâu chỉ để đọc sách. Thế nhưng, không gian rất riêng của nhà sách đã tạo cho họ cảm hứng sáng tạo. Vì mỗi cuốn sách là một tác phẩm nghệ thuật.
Lâu dần, khách hàng trở thành những người bạn thân thiết và có thể tư vấn về sách ở lĩnh vực mà họ hoạt động. Mỗi lần tham gia hội chợ sách, anh Tuấn có thêm kinh nghiệm, hiểu biết để chọn lọc sách nào cần nhập, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Niềm cảm hứng vô tận với sách
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 100 ngàn cuốn sách về nghệ thuật được xuất bản. Làm sao để chọn sách phù hợp, dự đoán được nhu cầu của bạn đọc là điều không dễ dàng. Chưa kể, giá mỗi cuốn sách về loại này thấp nhất cũng vài trăm ngàn đồng. Vì thế, chuyện nhập sách và bán được sách có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Để có được những kinh nghiệm ấy là cả quá trình thẩm thấu lâu dài. Anh Tuấn cho biết: “Trước đây, tôi làm một nghề chẳng dính dáng gì đến sách, sau nhiều lần thất bại, một người bạn rủ vào Nam lập nghiệp. May rủi thế nào có một người trong công ty xuất nhập khẩu sách vừa nghỉ việc, thế là được nhận”...
Ngày đầu tiên đến chỗ làm, anh Tuấn được giao nhiệm vụ sắp xếp lại hai tủ tư liệu cao quá đầu người. Gần hai tháng mới xếp xong, nhưng chính công việc ấy đã tạo một cái nhìn toàn cảnh về công việc xuất nhập khẩu sách. Cũng từ đó, niềm đam mê sách bắt đầu được nuôi dưỡng trong anh.
Để có được số vốn kha khá về sách nghệ thuật như hiện nay, anh phải mày mò tìm kiếm thông tin trên mạng. “Khi chộp được một cuốn sách ưng ý, nhiều lúc mình cảm thấy phấn khích đến độ mất ngủ. Trong người cứ thao thức mong cho trời sáng để có thể thực hiện giao dịch sách với đối tác” - anh Tuấn tâm sự.
Thế nhưng, nếu chỉ dựa vào Internet thì không thể giải quyết cặn kẽ mọi vấn đề giao dịch. Việc trực tiếp tham gia hội chợ, được sờ tận tay, nhìn tận mắt cuốn sách yêu thích mới thấy hết giá trị của nó.
Vì riêng với loại sách này, mỗi cuốn là một tác phẩm nghệ thuật nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp. Chẳng hạn đối với sách kiến trúc ở châu Âu rất đẹp, nhưng không thể nhập về Việt Nam, vì giá trị thực tiễn không cao do khí hậu mỗi nơi khác nhau nên cách thiết kế cũng khác.
Chọn thị phần sách nghệ thuật, hẹp và sâu, để kinh doanh là ý tưởng không dễ dàng thực hiện. Nhưng với niềm đam mê và sự dấn thân, giờ đây Art Book đã trở thành thương hiệu khá quen thuộc của những người làm trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật. Và với anh Tuấn, cái được lớn nhất là nhiều khách hàng đã trở thành những người bạn thân thiết, cùng chia sẻ niềm đam mê với sách.
Dung Thùy