Ông già đầu bạc

1.
Ông già đầu bạc

1. Bạn định cư ở nước ngoài đã lâu, nay về chơi.

Sáng gặp nhau hỏi bạn muốn ăn gì. Quanh chỗ tôi ở là khu thị tứ sầm uất, hàng quán la liệt. Điểm tâm không thiếu món gì: phở, bún riêu, bún bò Huế, cơm tấm, cháo lòng, hủ tiếu bò kho, bánh mì ốp la, bánh mì thịt quay...

Bạn bảo muốn ăn hủ tiếu. Tôi nói: “Vậy để tôi chở ông ghé quán hủ tiếu trên đường Trương Công Định. Gần đó có một quán nữa ở góc đường Âu Cơ - Nguyễn Hồng Đào. Cả hai quán đều ngon”.

Bất ngờ bạn từ chối. Bạn chỉ muốn ăn hủ tiếu ở quận 5.

Tôi chở bạn xuống quận 5. Dọc đường Nguyễn Tri Phương và đường Trần Hưng Đạo, quán hủ tiếu đầy rẫy. Nhưng ghé vào đâu bạn cũng không chịu. Ăn hủ tiếu ở quận 5 nhưng phải ăn ở đường Nguyễn Trãi. Nhưng không phải quán nào ở đường Nguyễn Trãi cũng được. “Phải là quán hủ tiếu Ông Già Đầu Bạc”, bạn cương quyết, còn cẩn thận nhắc: “Ở ngay cái đầu hẻm “gì gì đó” gần trụ sở của Lực lượng Thanh niên xung phong hồi xưa”.

2. Tôi nhớ quán Ông Già Đầu Bạc.

Những năm đầu thập niên 80, lúc làm tờ nội san Tuyến Đầu của Lực lượng Thanh niên xung phong, tôi và bạn cùng ở nhà tập thể trên đường Học Lạc. Sáng ra, trước khi ghé vào cơ quan, cả hai thường ghé quán Ông Già Đầu Bạc để ăn sáng. Thời đó, không chỉ hai đứa tôi mà rất nhiều anh em trong cơ quan cũng ăn sáng ở quán này.

Quán chỉ là một túp lều đơn sơ nằm ở đầu một con hẻm nhỏ. Toàn bộ bàn ghế kê ngoài trời. Không ai biết chủ quán tên gì, chỉ gọi ông theo ngoại hình: Ông Già Đầu Bạc.

Quán Ông Già Đầu Bạc là quán hủ tiếu bình dân giá rẻ nhưng điều thu hút bọn tôi nhất là ông cho... ăn chịu. Lương thanh niên xung phong thời đó chỉ có tính chất tượng trưng, chẳng bao nhiêu. Vì vậy ngoài những ngày đầu lãnh lương, thời gian còn lại bọn tôi toàn ăn trước trả sau. Sổ nợ của chủ quán là... bức vách ố vàng sau lưng ông.

Trên bức vách chi chít những tên người và vô số dấu gạch ngang gạch dọc. Cứ mỗi lần ai ăn thiếu một tô ông cầm mẩu than gạch một gạch. Có khi ông đánh dấu bằng phấn trắng. Gặp lúc khách đông, vội quá, ông cúi xuống nhặt mẩu gạch vỡ dưới chân quẹt đại lên vách. Bữa nào khách có tiền đem tới trả, ông lại dùng mảnh giẻ ướt xóa đi. Gạch rồi xóa, xóa rồi gạch, dấu mới đè lên nét lờ mờ của dấu cũ, theo thời gian bức vách lam nham đủ loại màu sắc với các hình kỷ hà chằng chịt cứ như thể tranh Picasso.

3. Chạy lòng vòng một hồi, tôi cũng tìm ra được cái hẻm năm nào. Nhưng cái quán của Ông Già Đầu Bạc đã không còn ở đó. Túp lều cũ đã bị dỡ bỏ từ lâu. Hỏi ông già đầu bạc, không ai biết.

Chúng tôi đành bước vào một quán hủ tiếu khang trang cạnh đó. Bạn gọi hai tô hủ tiếu mì hoành thánh y như thói quen cách đây ba mươi năm, cũng bằng thứ tiếng Quảng Đông hồi xưa hay gọi: “Cho hai tô xám xít”.

Lúc chủ quán bưng ra, tôi lấy đũa khều khều sợi mì, hớn hở: “Cũng giông giống tô xám xít hồi xưa, ông ạ”. Ờ, tô hủ tiếu mì này nhưn cũng gồm thịt xá xíu, gan heo, thịt băm. “Gần giống thôi, chứ chưa giống hẳn”. Bạn tôi nói, rồi quay vô trong kêu lớn: “Cho xin một đĩa xà lách, giá, hẹ và một chén tóp mỡ, ông chủ ơi!”. Tôi nhìn bạn ngạc nhiên: “Ông cao huyết áp, kiêng ăn béo mà”. Bạn cười hì hì: “Nhưng thiếu tóp mỡ thì không ra hủ tiếu Ông Già Đầu Bạc”.

4. Câu nói của bạn như bật một cái công tắc trong đầu tôi. Cuộn phim quá khứ từ từ quay lại. Ờ, thời đói ăn, chất béo chất đạm chất đường chất gì cũng thiếu, ra đường thấy thứ gì cũng thèm. Đi ăn hủ tiếu Ông Già Đầu Bạc, bao giờ bạn cũng xin thêm một muỗng tóp mỡ. Thời đó, xài dầu ăn là chuyện nằm mơ. Ra chợ mua được miếng thịt mỡ, nhà nào cũng xắt nhỏ ra và thắng đến khô không khốc. Phần nước đổ vào chai để dành chiên xào thức ăn. Phần quắt queo còn lại biến thành... tóp mỡ.

Cái phần xác xơ teo tóp đó cũng được liệt vào hạng quý hiếm trong những năm khốn khó, đi ăn chỉ dám xin một muỗng chứ không dám xin một chén như bây giờ. Đổ muỗng tóp mỡ vô tô, lấy đũa quậy lên, từng sợi hủ tiếu mì bỗng thơm tho, béo ngậy. Cái mùi vị đó hẳn vẫn lẩn quất trong ký ức bạn ba mươi năm qua, kể cả khi bạn ra sinh sống ở nước ngoài.

Đến nỗi ngày nay ăn uống đủ đầy, thậm chí phải kiêng khem, bạn vẫn nhất quyết đòi xin thêm cho bằng được tóp mỡ - là thứ bây giờ chẳng mấy người ăn. Chẳng qua để cho... giống hồi xưa. Để mở lối lần về kỷ niệm.

Ngồi nhìn bạn ăn ngon lành như một đứa trẻ, tôi bất giác mỉm cười. Cười xong, ngắm mái tóc bạn đang cúi xuống trên từng sợi hủ tiếu óng ánh mỡ, tôi bỗng thấy rưng rưng: Ông già đầu bạc bán hủ tiếu năm xưa đã không còn nhưng người bạn thời thanh niên đang ngồi trước mặt tôi đây cũng hóa thành... ông già đầu bạc từ lúc nào rồi.

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục