Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông TPHCM: Lập nhóm tự quản giữ gìn trật tự lòng, lề đường

Giúp dân chủ động giữ vệ sinh môi trường, an toàn giao thông
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông TPHCM: Lập nhóm tự quản giữ gìn trật tự lòng, lề đường

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về việc phát động tuần lễ ra quân hưởng ứng lập lại trật tự lòng lề đường và vệ sinh đường phố (đường phố không rác), bắt đầu từ ngày 29-8 Ban An toàn Giao thông TPHCM cùng đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM, các sở ngành liên quan tổ chức 4 đoàn đi kiểm tra tại 129 tuyến đường mẫu các quận, huyện đã đăng ký với TP. Đây là chuyến khảo sát thực tế để tìm ra giải pháp xử lý căn cơ tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh và xả rác xuống đường phố. Liệu có giải pháp đột phá nào cho công tác lập lại trật tự an toàn giao thông và giữ gìn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường của TPHCM? Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM về nội dung trên. Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết:

Giúp dân chủ động giữ vệ sinh môi trường, an toàn giao thông

Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, xả rác bừa bãi xuống đường phố… đã tồn tại ở TPHCM nhiều năm nay. Lãnh đạo TP, lãnh đạo các quận, huyện đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này song do nhiều nguyên nhân, kết quả đạt được không như mong muốn.

Để từng bước khắc phục thực tế này, vừa qua, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu các quận, huyện chủ động chọn một số tuyến đường điểm làm mẫu về trật tự an toàn giao thông và không xả rác. Từ kinh nghiệm của các tuyến đường mẫu này, công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường sẽ dần được triển khai rộng.

Việc xây dựng những tuyến đường mẫu đang được các quận, huyện thực hiện. Tuy nhiên, bước đầu qua thực tế kiểm tra, Ban An toàn Giao thông TPHCM nhận thấy có một số giải pháp khá hiệu quả, nếu được áp dụng đều đặn sẽ góp phần tích cực vào công tác lập lại trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Thứ nhất, việc xây dựng các hộ tự quản và lập ra các nhóm dân cư tự quản, tự bảo ban nhau và tự chịu trách nhiệm về vệ sinh môi trường và chống lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán ở ngay tại khu vực mình ở. Chắc chắn người dân nào cũng muốn nơi sinh sống của mình sạch, đẹp.

Thế nhưng trước kia, có thể do ngại đụng chạm, họ sẽ không mạnh dạn lên tiếng với các hành vi lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán hoặc vứt rác bừa bãi. Nay được sự hỗ trợ, đồng tình của chính quyền địa phương, những ngại ngần sẽ được dẹp bỏ và người dân sẽ chủ động hơn trong việc đấu tranh với những hành vi sai trái ấy.

Một kinh nghiệm khác từ thực tế, việc ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các quận, huyện và các phường, xã với nhau trên cùng một tuyến đường (liên quận, liên phường). Điều này sẽ khắc phục được tình trạng người vi phạm chạy từ quận này sang quận khác, phường này sang phường khác nhằm trốn tránh lực lượng kiểm tra.

Điều chỉnh mức phạt

- PV: Thưa ông, trong kỳ họp giao ban định kỳ về an toàn giao thông vừa qua, nhiều quận, huyện phản ánh thực trạng: mức phạt hành vi lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán kinh doanh quá cao, tối đa 30 triệu đồng. Quy định này đã làm cho các quận, huyện không thể… phạt được vì đa số người vi phạm đều có thu nhập thấp. Ban An toàn Giao thông đã nghiên cứu vấn đề này và có đề xuất giải pháp gì để khắc phục chưa?

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Đúng là có thực tế, phần lớn người dân lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán là những người có thu nhập thấp. Khi bị phạt với mức quá cao, họ không thể nộp phạt và buộc phải bỏ lại tang vật (vật dụng buôn bán). Có quận đã lập biên bản và ra nhiều quyết định xử phạt nhưng việc chấp hành đóng phạt còn ít. Thực tế này đã ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, do đó Ban An toàn Giao thông cùng các sở ngành và quận, huyện đã nhiều lần có văn bản kiến nghị điều chỉnh, bổ sung Nghị định 34/CP nên có nhiều mức xử phạt đối với hành vi này cho phù hợp.

Xe hàng rong buôn bán chiếm lòng đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: Diễm Thy

Xe hàng rong buôn bán chiếm lòng đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: Diễm Thy

- Một vấn đề khác nhiều quận, huyện thường kêu ca, đó là thiếu trang thiết bị như xe chuyên dùng chở tang vật, phương tiện, vi phạm… Điều này đã gây khó khăn cho nhiều cán bộ khi thi hành công vụ…

Ban An toàn Giao thông có đề nghị các quận, huyện giải quyết khó khăn này theo kinh nghiệm của quận 4. Đó là thực hiện mô hình cụm liên phường trong đó cụm trưởng có quyền chỉ đạo điều hành các phường trong cụm, có quyền điều động thêm lực lượng và phương tiện từ các phường khác trong cụm hoặc đề nghị các cơ quan đơn vị chức năng của quận phối hợp để hỗ trợ giúp sức trong việc giải quyết vi phạm. Tôi nghĩ, trang thiết bị đầy đủ là điều kiện tốt cho các cán bộ thi hành công vụ. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách thành phố còn hạn hẹp các địa phương nên có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Vấn đề quan trọng trong công tác lập lại trật tự lòng lề đường, hạn chế xả rác bừa bãi là vận động người dân tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước.

Qua thực tế kiểm tra ở nhiều địa phương, tôi thấy rằng, khu vực nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân làm bản tự cam kết và lập được các nhóm, tổ tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường thì khu vực đó có nhiều chuyển biến. Đơn cử như quận Bình Thạnh đã làm công tác vận động này rất tốt ở tuyến đường Bạch Đằng. Nhiều lần Ban An toàn Giao thông đã tiến hành kiểm tra đột xuất, hầu như không phát hiện thấy có hành vi lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán.

Tâm Đức

Tin cùng chuyên mục