Phá bỏ thanh long, người dân trồng gì!?

Thanh long là một trong những cây trồng chủ lực ở tỉnh Long An, góp phần giúp người dân xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây, giá thanh long xuống thấp, chi phí đầu tư tăng cao, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ hàng loạt.

pha bo thanh long 1.jpg
Người dân bỏ ruộng thanh long do giá bán thấp

Từ lúc dịch Covid-19 phát sinh đến nay, người trồng thanh long tại tỉnh Long An thua lỗ nặng do đầu ra khó khăn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không thu mua. Nhiều vườn thanh long kiên nhẫn chờ giá tăng. Tuy nhiên, đến nay giá thanh long vẫn chưa có chuyển biến, gần đây nông dân chặt cây thanh long hàng loạt, chuyển đổi sang nhiều cây trồng khác.

trong vu sua.jpg
Người dân bỏ thanh long trồng vú sữa
sapoche.jpg
Vườn thanh long đã thành vườn sapôchê và vú sữa
pha bo thanh long.jpg
Người dân bỏ thanh long trồng chuối

>> Clip người dân huyện Châu Thành phá bỏ thanh long trồng nhiều cây ăn trái khác:

Tại huyện Châu Thành, thủ phủ thanh long của tỉnh Long An với gần 90% diện tích, hàng ngàn hộ dân đang cải tạo đất trồng thanh long để trồng dừa, mít, chuối, vú sữa, sapôchê, đu đủ, rau màu các loại. Có nhà vườn chuyển sang trồng mai vàng hoặc lại để đất hoang.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch HĐQT HTX thanh long Long Trì cho biết, mặc dù đã tuyên truyền phổ biến nhưng người trồng thanh long thường hay canh tác theo phương pháp truyền thống, ít quan tâm đầu tư trồng đạt chuẩn VietGAP, vì vậy phải bán theo giá thị trường. Do đó, giá cả bấp bênh là điều không tránh khỏi.

Hiện HTX thanh long Long Trì có 26,3ha thanh long đạt chuẩn VietGAP nhưng vẫn không có đầu ra, chỉ khoảng 2ha đạt chuẩn GlobalGAP tìm được đầu ra với mức giá cao và ổn định. Tuy nhiên, để sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi nông dân phải đầu tư nhiều công sức và áp dụng kỹ thuật thì sản phẩm mới đạt yêu cầu về chất lượng và sản lượng.

THANH LONG CAY 1.jpg
Người dân chuyển đổi đất trồng thanh long sang trồng nhiều loại cây khác

Theo ông Huỳnh Ngọc Dự, ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Công, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì việc làm giấy chứng nhận phải mất khoảng 5 triệu đồng/ha và nhiều chi phí khác, nông dân khó mà thực hiện được. Bên cạnh đó, người dân vẫn lo lắng về vấn đề bao tiêu đầu ra, khi hết hợp đồng rồi doanh nghiệp chưa ký lại hoặc không ký lại sẽ rơi vào tình cảnh bán tháo khi đến vụ thu hoạch.

Tại huyện Châu Thành, hiện diện tích thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP là hơn 641,31ha và 323ha được cấp giấy chứng GlobalGAP.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Long An, chính quyền địa phương luôn tuyên truyền và hướng dẫn người dân sản xuất đúng định hướng. Tuy nhiên việc người dân phá bỏ vườn thanh long của mình chính quyền không cấm được, cũng không thể vội vã hướng dẫn người dân chuyển đổi trồng cây khác. Hiện các sở ngành của tỉnh Long An đang nỗ lực tìm đầu ra ổn định bền vững cho trái thanh long vì đây là cây trồng chủ lực của địa phương.

THANH LONG CAY.jpg
Hiện các sở ngành của tỉnh Long An đang nỗ lực tìm đầu ra ổn định bền vững cho trái thanh long vì đây là cây trồng chủ lực của địa phương

TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho biết, qua 1 năm không có nguồn thu, người nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời điểm thanh long rớt giá kéo dài, họ thua lỗ buộc phải chuyển đổi để có kinh tế nuôi sống gia đình. Hơn nữa, đất của nông dân thì họ có quyền quyết định trồng gì.

"Để chuyển đổi sang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thì người dân nghèo không đủ tài chính thực hiện. Vì vậy, việc vội vã chặt phá bỏ thanh long trồng cây trồng khác thường rơi vào những hộ dân nghèo, sản xuất đơn lẻ", TS Võ Hữu Thoại nói.

Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh Long An có khoảng 8.900ha (giảm khoảng1/4 diện tích so với tháng 4-2021), tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và một số huyện lân cận như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An... Riêng tại huyện Châu Thành, diện tích thanh long hiện còn khoảng 6.800ha. Năng suất đạt 274 tạ/ha, sản lượng đạt 262.826 tấn.

Tin cùng chuyên mục