Hiến ghép tạng

Phải bảo đảm quyền nhân thân

Hôm qua 9-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục làm việc với nội dung thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. “Hiến ghép tạng là vấn đề liên quan mật thiết đến quyền nhân thân của công dân đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Vì vậy, các quy định trong luật này phải hết sức chặt chẽ” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận.

  • Đủ 18 tuổi mới được hiến mô...

Về độ tuổi của người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, đa số ý kiến ĐBQH đồng tình chỉ nên quy định đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, vì quyền nhân thân là một quyền dân sự gắn với cá nhân con người, không thể chuyển giao cho người khác.

Quy định về sự đồng ý của cha, mẹ đẻ đôi khi là không khách quan. Hơn nữa, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là đối tượng được bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần mở rộng tới người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi với mục đích có thêm nguồn để ghép cho người thân các em khi sinh mạng họ đang gặp nguy hiểm.

Đại biểu Trương Thị Mai (Trà Vinh) dẫn chứng: “Với bệnh ung thư máu, cần ghép tủy mà thường là chỉ người thân trong gia đình mới phù hợp. Nếu quy định “cứng” là phải đủ 18 tuổi thì trong thực tế sẽ khó”.

Đó là trường hợp người sống. Còn với người đã chết, dự luật quy định việc lấy mô, bộ phận cơ thể người trong trường hợp người đó có thẻ đăng ký hiến mô sau khi chết. Trường hợp dưới 18 tuổi hoặc không có thẻ hiến mô phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người đại diện. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Bình), nếu quy định như vậy là đã “vượt quá giới hạn về quyền nhân thân mà Bộ luật Dân sự cho phép”. Ông cho rằng, trong bất cứ trường hợp nào cũng phải có sự đồng ý của người hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Nhiều đại biểu quan tâm: với người chết vì tai nạn giao thông thì việc hiến ghép tạng quy định như thế nào? Đại biểu Đỗ Ngọc Quang (Bắc Ninh) cho rằng, cần có quy định “mở”, cho phép các cơ sở y tế có quyền lấy mô, bộ phận cơ thể người chết do tai nạn giao thông. Ông bảo: “Trên thế giới, có nhiều nước người ta cũng làm như vậy”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu lập luận: “Chúng tôi cho rằng, nếu người tử nạn đã đăng ký hiến, hoặc người thân đồng ý hiến thì luật đã có quy định. Còn các đối tượng khác thì không thể được, vì chúng ta phải tuân thủ quyền nhân thân của mọi công dân”.

  • Ngân hàng mô: cấm tư nhân tham gia là không phù hợp

Một vấn đề nổi lên trong dự luật là thành lập ngân hàng mô. Đa số ĐBQH tán thành với quy định cho phép tư nhân được thành lập ngân hàng mô nhằm thể hiện tinh thần xã hội hóa y tế. Nhưng cũng có ý kiến e ngại, ngân hàng mô là vấn đề mới, không nên cho tư nhân tham gia. Hiện khung pháp lý còn chưa rõ, nên có thể bị lạm dụng dẫn đến tình trạng mua - bán mô, bộ phận cơ thể người.

Sau khi cân nhắc các ý kiến, thay mặt ban soạn thảo, bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng, trong xu thế mở rộng phát triển các thành phần kinh tế, việc cấm đoán hoạt động của ngân hàng mô tư nhân là không phù hợp. “Không nên có tư tưởng nếu không quản lý được thì cấm thành lập” - bà Thu nói. Hơn nữa, dự thảo luật cũng đã có quy định nghiêm cấm mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, nên chỉ cần đưa ra những cơ chế, điều kiện chặt chẽ để giám sát, kiểm tra hoạt động các ngân hàng mô.

Đại biểu Trương Thị Mai bổ sung thêm: dự luật chỉ có 1 điều quy định về ngân hàng mô là quá đơn giản. Cần có thêm nhiều quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn thì mới có thể thực hiện được, nhất là với quan điểm mở rộng các thành phần tham gia.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục